Q uý vị nên tu hành theo trung đạo. Ngày mai trở thành thánh nhân cũng được, vậy tại sao quý vị phải vội vã thành thánh nhân hôm nay? Quý vị đã chờ đợi nhiều kiếp rồi, đợi thêm một vài ngày nữa có sao đâu? Quý vị càng nôn nóng, thì càng gây trở ngại cho chính mình.

Vào thời xưa, có một người theo học với một vị Minh Sư. Một hôm, ông hỏi Sư Phụ ông: "Sư Phụ, Ngài thấy trong thế giới này có được bao nhiêu người thành tâm như con?" Sư Phụ ông trả lời: "Vũ trụ này đầy dẫy những người như con." (Sư Phụ và mọi người cười). Vẫn còn nghi ngờ, người đệ tử lại hỏi: "Sư Phụ, con rất thành tâm. Nếu con rời bỏ tất cả, kể cả cha mẹ, vợ con, họ hàng, và bạn bè, thì tu hành bao lâu con mới đạt đến quả vị Thánh?" Sư Phụ ông bảo rằng: "Nếu con tinh tấn, con có thể đạt được thánh quả trong khoảng 5 năm đến 15 năm." Người đệ tử hỏi tiếp, "Như thế thì chậm quá. Nếu con nhịn ăn, nhịn uống, và bỏ ngủ, mà chỉ thiền kiết già 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, thì Ngài nghĩ bao lâu con mới đạt quả vị Thánh?" Sư Phụ ông nói: "Như thế thì có lẽ con cần từ 30 đến 50 năm mới thành Thánh." (Sư Phụ và mọi người cười). Quý vị biết tại sao không? Ông ấy nôn nóng quá. Ông tưởng ông là ai? Ông có thành Thánh nhân hay không thì có ăn nhằm gì chứ? Ai cần một người như ông?

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni rất vĩ đại, và Ấn Ðộ là một thánh địa. Nơi đây có rất nhiều người ăn chay, và biết rằng họ nên tu hành. Mặc dầu vậy, Ngài độ được không quá vài chục ngàn người. Ngay cả sau khi Ngài viên tịch, một số người vẫn nhục mạ Ngài. Những giáo phái khác cho rằng Ngài là một người theo tà đạo, một phù thủy, và là quỷ! Tương tự vậy, người ta cũng phỉ báng Ðức Chúa Giê-su. Cả hai vị ngày nay vẫn còn bị người ta phỉ báng. Vì định mạng các Ngài là trở thành Minh Sư Giác Ngộ để độ chúng sinh, và được Thượng Ðế giao phó công việc giải thoát cho con người, cho nên các Ngài không còn cách nào khác hơn là xuống thế để dộ cho chúng sinh. Khi những người thành tâm cầu Ðạo khẩn cầu các Ngài truyền đạt Chân Lý, các Ngài không nỡ lòng từ chối, vì không muốn làm họ đau lòng. Cho nên, thành Thánh Nhân không có gì trọng đại cả; trước sau rồi mọi người đều sẽ thành Thánh cả.

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng có một đệ tử ngay cả ban đêm cũng không ngủ. Hình như ông ngồi thiền ban ngày, và ban đêm thì tụng kinh, cho đến khi mắt ông gần như mù hẳn. Ðức Thích Ca Mâu Ni bảo ông rằng: "Lối tu của ông sẽ sớm khiến cho ông thành Ma Vương thay vì thành Thánh. Khi ông chơi đàn tam thập lục, và dây đàn quá căng, chúng có thể tạo ra âm thanh không?" Người đệ tử trả lời: "Dạ không!" Ngài lại nói: "Và nếu dây đàn quá lỏng, sẽ phát ra tiếng không?" Ông ấy nói: "Không, không có tiếng được." Rồi Ðức Thích Ca Mâu Ni mới nói: "Cách tốt nhất là trung đạo."

Cho nên, một đời sống quân bình là Ðạo; tâm bình thường là Ðạo. Chúng ta không nên tham cầu bất cứ điều gì. Tham cầu trở thành Thánh Nhân nhanh chóng cũng là một loại tham lam. Chúng ta phải trung dung trong mọi việc. Làm sao quý vị có thể đòi hỏi một em bé sơ sinh đi xe đạp? Có thể quý vị nôn nóng muốn thấy em bé lớn lên và trở thành một người có tài, nhưng quý vị không thể hối hả em được. Em bé đi còn chưa vững, thì làm sao quý vị có thể bắt em chạy? Dầu cho em cố chạy, em cũng sẽ té ngã. Khi một em bé đang tập đi lại cố chạy, thì chỉ trong vài bước em sẽ té xuống, có phải vậy không? Kết quả là em gãy sóng mũi và thương hại thân thể, tất cả cũng bởi vì em quá nôn nóng.

Chúng ta trước hết phải chăm sóc đầu óc của mình. Xem thử lý tưởng của chúng ta có thuần khiết và cao thượng không, chúng ta đã chế ngự được tham, sân, si chưa, chúng ta có đủ từ bi và nhẫn nại đối với người khác không, chúng ta có đủ cao thượng, độ lượng và cảm thông đối với những sự sai lầm của người khác không. Khi chúng ta đạt được tất cả những điều này, lúc đó thành Minh Sư hay Thánh Nhân cũng chưa muộn. Khi chúng ta chưa đạt được sự hoàn mỹ, thì chúng ta trở thành Minh Sư có lợi gì cho ai? Chúng ta còn chưa xoá bỏ hết những cảm giác tội lỗi, hoặc chưa gội rửa hết những thành kiến và vô minh của mình. Ðầu óc vẫn còn rất nông cạn, nên chúng ta không thể chịu đựng được nhiều người. Tình thương của chúng ta vẫn còn quá ít ỏi để yêu thương được nhiều người. Vậy thì vội vã trở thành Minh Sư có lợi ích gì? Dù cho tất cả các vị Thánh và Minh Sư có dồn tất cả lực lượng của các Ngài vào một kẻ nông cạn, bất an, và vô minh như vậy, thì có ích gì?

Có thần thông mà không có tình thương, con người sẽ trở thành Ma Vương. Không có sự khác biệt đáng kể giữa Ma Vương và một vị Thánh. Cả hai đều có thần thông như nhau, nhưng Thánh nhân có tình thương, điều mà Ma Vương không có. Ma Vương rất ích kỷ, cái gì cũng muốn và thâu tóm hết. Nó chỉ biết chỉ trích mà không bao giờ tha thứ. Ðức Phật đôi khi cũng chỉ trích, nhưng Ngài cũng tha thứ. Ngài chỉ trích khi cần phải làm vậy, để giúp người khác tiến bộ, và để họ nhận ra những khuyết điểm của họ. Khi cần tha thứ, Ngài tha thứ, cho người ta sự khích lệ thích đáng để tiếp tục sống mà không mang nặng cảm giác tội lỗi.

Ðể thật sự trở thành một vị Thánh, chúng ta phải hoàn mỹ về mọi mặt, không phải chỉ một khía cạnh nào đó thôi. Nếu chúng ta chỉ quãng đại, nhưng không bao giờ chỉ trích, thì cũng không tốt! Chẳng hạn như, có đôi lúc thay vì quý vị nên rầy la và dạy dỗ người nào, thì quý vị lại khen tặng họ, như thế là quý vị chỉ khiến cho họ hư hỏng, và hủy hoại khả năng phán xét của họ trong việc tu hành. Ðó là lý do mà Sư Phụ nói: "Một người phải âm dương quân bình mới trở thành Thánh nhân." Chúng ta phải thấu suốt tất cả mọi việc trong thế giới này. Sống trong thế gian, chúng ta vẫn cần ăn, ngủ, tiếp xúc với người khác; cho nên, chúng ta phải bình thường. Ðối với đẳng cấp bên trong hay sự tiến bộ tâm linh của mình, chúng ta nên giữ yên lặng, và cố đừng biểu lộ nó qua phong thái bên ngoài.