Chúng ta nên dùng trí thông minh để tìm cách làm việc. Thí dụ như hôm nọ, tôi bảo đồng tu dùng tấm gỗ để chuyển cây, bởi vì làm vậy tốt hơn, lẹ hơn, và đỡ cực. Khi quen làm công chuyện, tự nhiên chúng ta phản ứng rất nhanh. Bộ óc của tôi cũng như bộ óc của quý vị thì sao quý vị không thể làm những cái tôi làm? Nếu xẻ óc ra để phân tích và so sánh, quý vị sẽ thấy bộ óc trong mỗi quý vị cũng giống như tôi, cùng chứa những chất liệu ấy bên trong. Không thể nói rằng bộ óc của tôi tốt hơn bộ óc của quý vị. Quý vị có cùng bộ óc như tôi thì sao lại không dùng? Không dùng là một điều vô cùng đáng tiếc, đúng không?

Nếu quý vị muốn làm mình hư hỏng, muốn tụt xuống, và tiếp tục sa sút, suy đồi, lười biếng, lôi thôi, cẩu thả thì đó là sự chọn lựa của quý vị. Không thể trách Thượng Ðế được; không thể trách nghiệp chướng hay bất cứ cái gì. Tất cả là do quý vị không chịu dùng bộ óc của mình, cho nó làm việc. Bộ óc của tôi cùng một phẩm chất giống như bộ óc của quý vị. Nói chính xác hơn thì bộ óc của tôi còn nhỏ hơn bộ óc của quý vị, nhẹ hơn, thành ra quý vị phải thông minh hơn tôi chứ! Tính ra thì tôi ở thế bất lợi hơn. Sao quý vị vẫn còn tìm cớ?

Cho nên quý vị phải chọn cho mình. Nếu quý vị sẵn sàng sử dụng bộ óc của mình, bắt nó làm việc, và nghiêm khắc với chính mình thì tôi không cần phải nghiêm khắc với quý vị. Khi quý vị đòi hỏi mình một cách nghiêm ngặt, là quý vị thương tôi đó, bởi vì quý vị để dành rất nhiều sinh lực cho tôi. Tôi không cần phải la mắng, buồn bã. Nhiều giờ phút mất vui có thể được cứu vãn, và tình nghĩa chúng ta, giữa thầy và trò, sẽ không sứt mẻ. Ðể dành được rất nhiều thời giờ làm những việc khác tốt hơn, cho tôi cùng uống trà với quý vị, chia sẻ một vài hiểu biết quan trọng trong vũ trụ.

Ðừng nghĩ rằng giúp đỡ Sư Phụ là mình vĩ đại! Quý vị không nên tạo ra một bầu không khí bận bịu, ồn ào, chỉ vì mình đang làm công việc gì đó hoặc đang đóng góp một chút công lao gì đó. Ðiều này còn tệ hại hơn bởi vì người khác sẽ nghĩ rằng chúng ta làm được rồi, không cần giúp. Mặc dầu người khác không làm việc của chúng ta được, nhưng mỗi người có một công việc riêng của họ. Thượng Ðế cho chúng ta tài năng này chính vì Ngài muốn chúng ta làm công việc này, mà không phải việc kia. Làm việc kia cũng được, nhưng rồi phải trở lại để hoàn tất công việc mình đang bỏ dở. Bởi vì việc ấy được giao riêng cho chúng ta để học một bài học.

Mỗi công việc chỉ là một phương tiện cho chúng ta học hỏi và khôn lớn. Thật ra, chúng ta không làm việc nào cả. Quý vị không nên than phiền, nghĩ rằng mình làm cực khổ. Ðó chỉ là phương tiện cho chúng ta học hỏi. Thượng Ðế dùng phương pháp này để dạy dỗ chúng ta, cho chúng ta khai ngộ, cho chúng ta cơ hội để phát triển tài năng, trau dồi tính nết, làm hành vi của chúng ta đẹp hơn lên, và phát triển đức tính chú tâm. Công việc nào cũng vậy bởi vì chúng ta chỉ có thể học hỏi được qua cách này.

Nếu thật sự lưu tâm vào công việc thì chúng ta sẽ học được một điều nào đó dù làm bất cứ việc gì. Giống như theo một tấm gương thúc đẩy chúng ta nhận thấy những điều khác. Thành ra, đôi khi trong lúc làm việc, tự nhiên chúng ta ngộ ra nhiều sự thật. Công việc là cách để kiềm chế chính mình, giúp chúng ta đo lường tính nết, khả năng chịu đựng, tài năng, và mức độ khai ngộ của mình. Thành thử, không nên sợ làm việc. Sợ làm việc cũng là một cái bịnh. Càng làm việc nhiều, chúng ta sẽ càng khai ngộ.