Thần Durga thật linh; đứa con tự nhiên khỏi bịnh, ngay cả bác sĩ cũng không chữa nổi. Rõ ràng nữ thần này đã gia trì và giúp đỡ cho đứa bé. Cha nó nhớ lời hứa là phải cúng dường một trăm rupi. Nhưng ông nghĩ lại: "Trời! ta tốn không biết bao nhiêu tiền bạc để mua thuốc men cho nó. Bây giờ bác sĩ cho rất nhiều toa thuốc, ta còn phải tiêu nữa. Tình trạng tài chánh bây giờ hơi khó khăn. Có lẽ ta chỉ cần cúng dường nữ thần năm mươi rupi là được. Ta biết chắc thần Durga hiểu hoàn cảnh của ta, ngài sẽ thông cảm". Ông nghĩ nữ thần sẽ hiểu, nhưng vẫn không chịu làm ngay.

Nhiều tuần lễ trôi qua, ông có một ý kiến khác: "Dù sao chăng nữa, chắc chắn thần Durga không thể nào một mình ăn hết năm mươi rupi tiền thực phẩm. Ðã là thần rồi sao có thể dùng nhiều thức ăn như vậy? Hơn nữa, ta đã đọc kinh sách nói rằng: ‘Nếu cúng dường Thượng Ðế với lòng thành thì số lượng cúng dường không quan trọng. Thượng Ðế hoan hỷ nhận dù chỉ một ít đồ cúng dường, miễn sao mình thành tâm là được’. Thượng Ðế đâu đòi hỏi cúng dường về vật chất; có lòng thành cũng đủ. Tất cả kinh điển đều nói như vậy. Nữ thần này chắc chắn cũng biết điều đó. Cho nên, ta nghĩ rằng đi chùa là đủ, thành tâm thi hành việc thờ phụng đặc biệt nào đó, rồi cúng dường năm rupi". Những ý nghĩ này chạy qua trong đầu, nhưng ông vẫn không làm gì cả.

Một hôm, ông nghe tiếng chuông chùa vọng lại. Khi có người thờ trong chùa, họ hay đánh chuông. Tiếng chuông đó nhắc ông cúng dường những gì ông đã hứa đối với vị thần đó. Ông nhanh chân đi ra, hy vọng tìm một món đồ trị giá năm rupi để làm vật cúng dường. Ông gặp một người bạn hỏi thăm ông đang đi đâu đó. Ông kể đầu đuôi câu chuyện cho bạn nghe và nói rằng ông đi mua một món đồ trị giá năm rupi để cúng nữ thần. Người bạn nói: "Thôi mà, đừng ngu quá vậy! Thần sao ăn được năm rupi cúng dường? Anh ngu quá! Nói cho anh nghe, thờ phụng ngài thành tâm trong chùa là tốt rồi. Anh chỉ cần mua một quả dừa khoảng một rupi, như vậy là được! Quan trọng là ở tấm lòng thành, không phải ở số lượng, hiểu không?"

Nghe thấy có lý, và người này rất tằn tiện cho nên anh đi tới một quán dừa mua một quả giá một rupi. Người bán dừa nói: "Năm mươi xu một quả". Một trăm xu bằng một đồng rupi. Người kia nói: "Cái gì? Sao đắt vậy? Bán cho tôi bốn mươi xu được không?" Người bán hàng đáp: "Nếu ông muốn rẻ như vậy thì phải tới chợ bán sỉ".

Ông đi bộ rất xa tới một chợ bán sỉ. Dừa nơi đây đúng là bốn mươi xu một quả. Vậy mà ông vẫn còn mặc cả với người bán trong chợ: "Tôi đi bộ đường xa đến đây. Nếu bà vẫn bán bốn mươi xu một quả dừa thì đâu có rẻ hơn gì mấy! Bà phải cho tôi giá hai mươi xu một quả." Người bán cười nói: "Nếu ông thật sự muốn giá hai mươi xu một quả thì phải đi tới chỗ trồng dừa. Chỉ có chỗ đó mới rẻ thôi." Nghe vậy, người đàn ông quyết định đi mua ở vườn dừa.

Một lần nữa ông đi thật xa mới tới chỗ trồng. Người nông phu trồng dừa nói: "Ðược, tôi sẽ bán cho anh một quả hai mươi xu". Ông này lại mặc cả một lần nữa: "Tôi đi bộ từ xa tới đây. Ông phải bán cho tôi mười xu một quả thay vì hai mươi xu. Hai mươi xu không rẻ hơn bao nhiêu. Sao tôi phải mất công tới đây?" Người nông phu trả lời: "Nếu anh muốn mười xu thì phải tự leo lên cây hái lấy".

Bản tính hà tiện và muốn đỡ tốn tiền nên ông quả thật leo lên cây. Ông leo cao tuốt lên trên đó, nhưng vì không có kinh nghiệm nên trượt chân suýt nữa rơi xuống đất. Ông vừa bám vào cây vừa kêu cứu. Lúc đó, thần Durga nói qua người nông dân trồng dừa kia, đòi phải trả một trăm rupi mới cứu. (Cười) Vì muốn cứu mạng, ông đành phải đồng ý trả một trăm rupi. Sau khi được cứu và leo xuống cây, ông đưa người nông phu về nhà trả cho anh ta một trăm rupi. Không thể mặc cả được nữa. Lúc đó ông mới hiểu. Ngày hôm sau, ông đến chùa khóc lóc, nhận thấy rằng tất cả những chuyện này xảy ra chỉ vì ông đã không giữ lời hứa cúng dường nữ thần một trăm rupi.

Mục Lục