Lời Vàng

Do sư tỷ đồng tu Hsu Tsai-hsia, Ðài Bắc, Formosa, thuật lại

Sau thiền tứ tại Trung Tâm Florida tháng 12 năm 2001, một nhóm đệ tử may mắn được tới nhà Sư Phụ buổi tối rạng ngày mồng một trước khi sang thềm năm mới.

Tối hôm ấy, Sư Phụ nhắc nhở chúng tôi về sự quan trọng của việc nghĩ tốt, và hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ luôn luôn nói tốt. Thí dụ như, khi diễn tả một tình trạng nào đó, chúng ta ráng đừng dùng những chữ như "dở", "xấu", thay vào đó hãy dùng chữ như "không tốt" hoặc "không đẹp". Mặc dù chữ "không" được dùng trong trường hợp này, nhưng vẫn còn có từ khẳng định như "tốt" hoặc "đẹp" ở trong đó. Hai cái khẳng định và phủ định này đóng phần trong câu nói, nhưng vẫn còn được. Bởi vì những gì chúng ta nghĩ sẽ trở thành sự thật, và mỗi tư tưởng có mang một năng lực, nên chúng ta phải cẩn thận điều này.

Sau khi Sư Phụ khai thị, nhiều đồng tu nêu lên ý kiến riêng của họ và ngỏ lời cám ơn Sư Phụ. Một vài người kể cho chúng tôi nghe những mẫu chuyện có thật xảy ra trong đời sống. Một đồng tu người Hoa Lục nói rằng ở quê của anh, tại tỉnh Shandong, có một đứa bé một tuổi biết người nào là đồng tu, người nào không phải đồng tu mà không cần ai bảo. Nếu đồng tu tới gần, cậu bé nói: "Ðây là Bồ Tát!" Nếu người không phải đồng tu tới gần, nó nói: "Ðây không phải là Bồ Tát!" (tiếng Phạn có nghĩa là "người khai ngộ"). Ðứa bé cũng nói một trong những đồng tu ở đây là Ðại Bồ Tát. Khi đồng tu chỉ tay vào hình Sư Phụ treo trên tường và hỏi nó về vị này thì đứa bé đáp ngay: "Người này là Ðại, Ðại Bồ Tát!" Có một anh không phải là đồng tu và nghĩ mình là người có đẳng cấp tu hành, hỏi đứa bé: "Tôi có phải là Bồ Tát không?" Cậu bé trả lời: "Không, ông không phải!" làm anh vô cùng bất mãn. Nhưng sau khi thọ Pháp, anh hỏi cậu bé một lần nữa, và nó nói một cách tự nhiên: "Ông là Bồ Tát!" Thế là anh hài lòng lắm! Sau khi nghe chuyện này, Sư Phụ nói: "Con nít nhỏ như vậy không nói dối."

Một đồng tu khác chia sẻ với mọi người quan điểm của anh về "Lời Vàng", cho biết những gì anh nói thường hay trở thành sự thật. Từ khi còn nhỏ, anh đã không dám nói cẩu thả. Anh nhớ một lần trông thấy một chùm soài lủng lẳng trên cây tại Trung Tâm Tây Hồ, và anh thấy thèm quá muốn ăn một trái, nhưng không dám nói với thường trú viên rằng tất cả là của trời và mọi người đều được hái ăn. Nên anh khấn trong lòng: "Nếu một trái rơi vào tay mình, nếu mình ăn thì không phải là ăn cắp." Không bao lâu sau đó, một trái soài rơi xuống và lăn ngay vào tay anh. Thế là anh ăn quả đó. Một lần khác, anh đi vô núi với đứa con trai. Khi thấy một cây hồng đầy trái đỏ, anh nói: "Mấy quả hồng này là của trời, nếu nó rơi xuống thì mình có quyền ăn." Lập tức vài quả rớt xuống. Hai bố con anh nhặt lên và chọn những quả ngon. Sư Phụ nói: "Quý vị dùng ý tốt để ‘ăn cắp’ trái cây hả." Chuyện trò tếu lâm giữa thầy và trò đã khiến khán giả đồng tu bật lên những trận cười dòn dã.

Thời gian ở nhà Sư Phụ qua nhanh trong tiếng cười và niềm vui nồng ấm. Sau đó Sư Phụ rời khỏi phòng khi đồng hồ điểm mười hai tiếng, để lại bầu không khí chan chứa tình thương, đưa chúng tôi vào mộng đẹp. Ðối với mỗi đồng tu có mặt, đêm hôm ấy thật không thể nào quên.