Một cuốn phim muốn được xuất sắc không phải chỉ cần cốt truyện hay mà còn phải có bối cảnh hay và tài tử giỏi biết diễn tả đầy đủ ý nghĩa của truyện phim. Nhưng quan trọng hơn cả là một nhà đạo diễn tài ba làm cho phim truyện có hồn. Ông Helmut Nitzschke là một trong những người như vậy. Là một nghệ sĩ uyên bác trong nghề, ông Nitzschke không những làm đạo diễn phim mà còn viết ca kịch. Năm 1972, lúc mới 35 tuổi, ông đã được trao giải địa phương là nhà đạo diễn xuất sắc nhất. Từ đó trở đi, ông nhận được nhiều bài viết khen ngợi từ báo Lexikon der DDR-Stars của Ðức, và đã nhiều lần được trao cho danh hiệu Người Ưu Hạng Trong Năm ở Ðức. Hai năm trước, ông Nitzschke đã tìm được con đường tu hành chân chính mà ông đang chờ đợi cả cuộc đời. Ngày nay, đời sống của ông pha trộn nghệ thuật lẫn tâm linh. Dưới đây là bài phỏng vấn ông Nitzschke.

V: Xin ông cho biết đôi chút về hoàn cảnh giáo dục của ông.

Ð: Tôi lớn lên trong một gia đình theo Công Giáo. Khi còn nhỏ, bà tôi hay dạy tôi giáo lý của Chúa Giê Su. Bà bảo tôi phải coi chừng những kẻ không tin sự hiện hữu của tâm linh. Bởi vậy tôi không bao giờ coi mình thuộc về chủ nghĩa vật chất. Cả đời tôi tìm kiếm sự thật về tâm linh. Cha mẹ tôi đều là nghệ sĩ. Thời thơ ấu tôi rất vô tư, sung sướng. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh bùng nổ, tất cả những hạnh phúc này biến chuyển. Ðời sống đang vui bỗng nhiên tan nát. Những kinh nghiệm trong đời đã ảnh hưởng tới sự lựa chọn nghề nghiệp của tôi. Thời gian đau khổ mà tôi trải qua trong thời kỳ chiến tranh đã khiến tôi nhất định làm một cái gì đó với cuộc đời, ngõ hầu có thể giúp ngăn ngừa chiến tranh.

V: Ðược biết cha của ông là họa sĩ. Tại sao ông lại chọn nghề làm phim?

Ð: Ðiện ảnh lôi cuốn tôi là vì nó kết hợp sự kể truyện và hội họa lại với nhau. Một cuốn phim là một bức họa sống. Nó cũng là một câu truyện với hình ảnh và âm thanh. Nó giúp con người tìm thấy một cái gì không thay đổi, một cái gì vĩnh cửu giữa những cái tạm thời, ngắn ngủi. Ðây là những lý do mà tôi đã chọn nghề này.

V: Ông có muốn gửi thông điệp gì đến khán giả không?

Ð: Từ khi bắt đầu làm phim lúc tôi hai mươi mấy tuổi, mục đích của tôi là giúp khán giả tìm thấy con người của chính họ qua môi trường sống. Tôi hy vọng mọi người hiểu rằng Thượng Ðế hiện hữu trong muôn loài. Tôi hy vọng khi họ trông thấy một con thằn lằn, một người, hay một con chó, họ có một cảm tình yêu thương, và biết Thượng Ðế chăm sóc cho mọi vật, lớn cũng như nhỏ. Nếu nhận thức được điều này, chúng ta sẽ ở trong một trạng thái tuyệt vời. Nhưng muốn gửi gấm tất cả những cái này qua một cuốn phim không phải là chuyện dễ. Phải tốn rất nhiều thời gian và nỗ lực.

V: Xin ông nói về lần đầu tiên xem băng thuyết pháp của Thanh Hải Vô Thượng Sư?

Ð: Tình thương tôi thấy trong mắt Ngài hằn sâu trong tâm trí của tôi. Mới nghe giọng Ngài nói lần đầu, tôi phản ứng ngay: "Ồ, đây là Thượng Ðế giáng trần!" Sau đó, nhiều diễn biến khác xảy ra đem tôi đến với Ngài. Ðã nhiều năm, tôi tìm Chân Lý. Tôi thiết nghĩ lòng mong mỏi Chân Lý này là một ân điển, một sứ mệnh thật sự của người nghệ sĩ. Nhưng sau khi diện kiến Sư Phụ Thanh Hải lần đầu, tôi tưởng chừng như trước đó đã nhận được sự dẫn dắt linh thiêng đưa tôi tới bờ Chân Lý và đưa tôi tới Ngài.