V: Ông Jorg, hân hạnh chào mừng! Xin ông tự giới thiệu chính mình?

J: Dạ! Tôi cũng rất vui mừng được có mặt nơi đây. Tôi tên là Jorg Schurig từ Bá Linh, Ðức Quốc, và tôi trình tấu vĩ cầm trong giàn nhạc Ðại Hòa Tấu Bá Linh.

Q: Ông bắt đầu học vĩ cầm từ khi nào và tại sao?

J: Tôi bắt đầu khi còn bé, lúc mới 5 tuổi, bởi vì một người bạn của tôi đã bắt đầu chơi vĩ cầm khoảng hai, ba tháng trước đó, và buổi trình diễn đầu tiên của anh đã khiến tôi rất kích động, nên tôi cương quyết phải học đàn vĩ cầm.

Q: Sau đó ông học cả hai ngành vĩ cầm và dương cầm?

J: Dạ phải, tại một Ðại Học Âm Nhạc ở Dresden.

V: Và năm 1989, ông đã đến Bá Linh?

J: Dạ phải! Tôi đến Bá Linh khi bức trường thành sụp đổ. Ðó là một thời gian tốt đẹp.

Q: Xin hỏi ông thích tác giả soạn nhạc nào nhất?

J: Ðây là một câu hỏi rất hay! Những nhạc sĩ tôi thích nhất thì chúng tôi ít có dịp, hoặc là không bao giờ, trình diễn nhạc của họ. Thí dụ như, tôi chơi nhạc trong một giàn nhạc giao hưởng, và chúng tôi không trình diễn nhạc của Bach. Tôi rất thích nhạc của Bach hơn tất cả những người khác. Dĩ nhiên, cũng có những đoạn nhạc, hay những khúc nhạc giao hưởng của những nhạc sĩ khác mà tôi rất thích, và rất vui mừng được trình diễn những nhạc khúc này mỗi vài năm một lần.

Q: Và ngoài Bach ra còn có những nhạc sĩ nào khác mà ông thích không?

J: Ồ! Có! Dĩ nhiên là Mozart. Ông có một hứng khởi mãnh liệt được đặt trong những bản nhạc của ông, nguồn cảm mà chúng ta luôn luôn nhận thấy. Nhạc của ông không phải chỉ là những khúc nhạc được sáng tác cẩu thả, và theo tôi biết, ông không bao giờ sửa lại những bài nhạc đã viết ra. Ðây là điều rất lạ, bởi vì nhiều nhạc sĩ khác sửa lại những khúc nhạc của họ nhiều lần. Nhưng rõ rệt là ông đã sáng tác toàn thể khúc nhạc, từ một nguồn linh cảm, và đã lập tức ghi xuống. Thêm vào đó, ông cũng không đủ thời gian để ghi lại tất cả những sự bao la trong tâm trí hoặc trong bản thể con người của ông. Ðó là lý do tại sao ông có thể thành tựu thật nhiều sáng tác chỉ trong một thời gian ngắn và để lại tất cả cho chúng ta.

V: Còn nhà soạn nhạc nào khác mà ông rất thích không?

J: Tôi rất thích một số nhạc khúc của Tschaikovsky, và rất thích trình diễn khúc nhạc giao hưởng Pathetique Symphony của ông, và những sáng tác của Bruckner cũng rất tuyệt!

V: Phải chăng là Anton Bruckner?

J: Phải! Chính là Anton Bruckner. Thí dụ như, Nhạc Khúc Thứ Tư của Bruckner là bản nhạc mà tôi nghĩ mọi người nên nghe, bởi vì nó thật hay, và đoạn kết của khúc nhạc này - ba phút cuối cùng - giống như đến từ thiên giới vậy. Rất thánh thiện và vô cùng an bình. Hãy tìm nghe khúc nhạc này nếu có thể được. Nó rất, rất hay!

V: Vì sao ông bước vào thế giới tâm linh? Ðiều này đã xảy ra như thế nào?

J: Dạ, tôi có thể kể cho quý vị nghe. Muốn học một nhạc khí nào, chúng ta cần phải chú tâm, phải hết sức tinh tấn và kỷ luật để học kỹ thuật, để bước vào thế giới âm nhạc, bởi vì nếu không có kỹ thuật, chúng ta không thể bước vào trong được. Sau đó, chúng ta phải có âm thanh của chính mình, đến từ chính bản thể của mình, và đó là cái chúng ta bỏ vào âm nhạc mà mình đang trình tấu. Thí dụ như, mỗi nhạc sĩ dương cầm có một cách diễn tả riêng, cách họ bấm vào phím đàn khác với cách của những nhạc sĩ khác, cho nên các nhạc sĩ dương cầm đều có tánh cách khác nhau. Thật là hào hứng khi thấy họ đến với chúng tôi và trình diễn nhạc phẩm dương cầm của Mozart hay của Beethoven, cách họ trình tấu khác nhau ra sao, như với một cách thức nhẹ nhàng, êm ái, hay mạnh bạo.


Trang Kế