Do sư tỷ đồng tu Pamela Millar, San Jose, California, Hoa Kỳ
(Nguyên văn tiếng Anh)

N hững người tu pháp Quán Âm và nhiều nhân vật mộ đạo không lạ gì đối với những thể nghiệm tuyệt vời như "nhập định" hoặc trở thành "đồng nhất thể với Tạo Hóa", "đồng nhất thể với Vạn Vật". Mặc dầu vậy, những hiện tượng liên quan đến tôn giáo và tu hành vẫn còn là những huyền thoại không thể giải thích được đối với các khoa học gia. Dầu sao đi nữa, trong những năm gần đây, càng lúc càng nhiều khoa học gia muốn tìm hiểu sự thật đàng sau những thể nghiệm này qua việc xử dụng nhiều dụng cụ khoa học tối tân.

Những nhà nghiên cứu này cuối cùng đã quyết định rằng tôn giáo đáng được tìm hiểu kỹ càng. Trong một lãnh vực gọi là "thần học về não bộ", nhiều cuộc khảo cứu khoa học có tầm vóc đang dò tìm những biến đổi thể chất xảy ra ở não bộ trong lúc một người có thể nghiệm tâm linh. Ấn bản ngày 7 tháng 5, 2001 của tuần san Newsweek đã tường thuật về đề tài hấp dẫn này trong bài "Tôn Giáo và Não Bộ". Tác giả Kenneth L. Woodward đã dẫn chứng nhiều sách vở và những cuộc nghiên cứu có sự kiểm soát của các nhà khảo cứu y khoa, cho thấy bằng chứng cảm ứng tâm linh và tôn giáo đã tạo nên những phản ứng như thế nào trong thần kinh não bộ.

Những "nhà thần học não bộ" này đang cố gắng xử dụng những dữ kiện thâu lượm được để chứng minh rằng não bộ được cấu trúc cho sinh hoạt tâm linh và để xác định đâu là sự khác biệt giữa người có thể nghiệm cao và những người có ít thể nghiệm, hay không có khuynh hướng tâm linh nào cả. Sự khảo cứu của họ là để xác định thể nghiệm thần bí nào có thể cho chúng ta biết được về toàn thể tâm thức và để biết khuynh hướng thể xác hay tinh thần nào đã khiến cho một số người thiên về đời sống tâm linh hơn.

Bài báo trong tờ Newsweek đã dẫn chứng nhiều cuộc khảo cứu với kết quả tương tự, kể cả cuộc thí nghiệm với các đoàn thể Phật Tử Tây Tạng, các ni cô Franciscan và một phụ nữ thấy Chúa tại Machu Picchu, Peru. Nhà khảo cứu David Wulff, người được dẫn chứng trong bài báo, nói rằng sự tương tự giữa "những thể nghiệm tâm linh vượt ngoài giới hạn văn hóa, thời đại, và tín ngưỡng cho thấy một điểm chung có thể là phản ảnh những cấu trúc và hoạt động trong não bộ con người."

Ðặc biệt là qua những kỹ thuật chụp quang phổ, các nhà khảo cứu đã có thể làm những cuộc thí nghiệm lập đi lập lại, cho thấy những diễn biến tương đồng tại một số vùng não bộ qua những thể nghiệm tôn giáo khác nhau. Chẳng hạn như, thùy não phía trước hoạt động trong những lúc thiền định sâu, thùy não giữa hai thái dương liên quan đến cảm xúc trong lúc thể nghiệm (như vui, sợ), thùy não phía dưới lý giải những hình ảnh như thánh giá hoặc hình tượng. Chỗ nối tiếp ba thùy não này là nơi chi phối phản ứng về ngôn ngữ và nơi sự liên kết được hình thành, và khi những thùy não ở đỉnh đầu hoàn toàn yên lặng, một người có thể cảm thấy đồng nhất thể với vũ trụ.

Phát hiện cuối kể trên đã đặc biệt thu hút các khoa học gia. Có một khu vực của thùy não trên đỉnh đầu, ở mặt trên và về phía sau gọi là "khu vực phối hợp phương hướng" mà dường như hoàn toàn tối đen khi một người thể nghiệm cảm giác đồng nhất thể sâu nhất với vũ trụ. Dường như phần não này chi phối cảm giác của bản ngã về thời gian và không gian. Nói rõ hơn, khu vực định hướng bên trái chi phối khái niệm của một thân thể được quy định phạm vi về vật chất, và khu vực phối hợp bên phải tạo cảm giác không gian nơi thân thể hiện hữu. Một nhà khảo cứu thần học về não bộ, Andrew Newberg, trong ấn phẩm "Tại Sao Thượng Ðế Không Bỏ Ði" của ông, miêu tả tác dụng đó như sau: "Nếu quý vị đóng khu vực này lại, như quý vị làm khi đi sâu vào thiền định, quý vị không cho phép não bộ phân biệt giữa bản ngã và vô ngã." Ðiều này có thể đưa đến ấn tượng đồng nhất thể với vũ trụ.

Một lý thuyết khác cho rằng diễn tiến điện lực cao độ ở những thùy não thái dương có thể gây nên thể nghiệm thần bí và tạo ra linh ảnh. Quan điểm này còn ám chỉ rằng cảm hứng tâm linh lớn đạt được bởi những nhân vật lịch sử như Joan of Arc, Dostoyevsky, Proust, Thánh Paul, và Thánh Teresa của Avila có thể chỉ là do "sự kích động của não bộ thái dương", gồm những đợt gia tăng bất thường của hoạt động điện lực tại những khu vực thái dương của não bộ. Vì đây là khu vực cai quản về ngôn ngữ và sự phối hợp, thuyết này cho rằng những trận điện nhỏ có thể tạo nên thể nghiệm linh ảnh cao và những hình ảnh diễn giải như hình Thượng Ðế. Thùy não bên trái cai quản cảm giác về bản ngã. Nếu thùy não bên phải hoàn toàn yên lặng, trong khi thùy não bên trái bị kích thích, não bộ có cảm giác vô giới hạn của bản ngã, hay sự hợp nhất với Thượng Ðế. Ðiều này có thể giải thích những "tiếng" Joan of Arc đã nghe hay những cảnh mà Thánh Paul đã thể nghiệm.

Trong khi tất cả những điều này thấy giống như khoa học muốn rút gọn, tìm cách giải thích một cách hợp lý về những hiện tượng mà chính nó không hiểu nổi, cũng có một số người công nhận rằng diễn biến não bộ đơn phương không đủ chứng minh thể nghiệm tâm linh là do não bộ "tưởng tượng" ra. Newberg thú nhận "không thể nào xác định những sự chuyển biến thần kinh hệ đi đôi với thể nghiệm tâm linh có nghĩa là đầu óc đang gây ra những thể nghiệm này thay vì nó đang cảm nhận một hiện thực tâm linh." Tuy nhiên, những loại khảo cứu này có thể đưa khoa học đến một phương pháp hay hơn để hiểu biết về tâm thức con người, một trong những bí ẩn lớn nhất của sự sống. Sự bắt cầu này giữa khoa học và tôn giáo cũng có thể đưa đến những khám phá mới trong công cuộc tìm hiểu loài người.

For Muốn biết thêm chi tiết, xin vào trang mạng: http://www.passig.com/pic/Religion&TheBrain.htm

Trở Về Mục Lục