Nhìn Vào Ðời Tư Sư Phuĩ

 

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị tại thiền tam quốc tế Hồng Kông
Ngày 1~4 tháng 4 năm 1994 -- (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)
Băng thâu hình số 413

Thật ra chúng ta phải bỏ nhiều thời gian vào công việc tu hành khi còn ở trong thế giới này, nhưng vẫn phải cố gắng làm cho đời sống vui tươi, dễ chịu. Tôi vừa mới đổi cái động từng là chuồng bò thành một gian phòng ấm áp. Tôi lau chùi quét dọn, rồi phủ lên sàn vài tấm chiếu và một miếng thảm -- toàn những thứ rẻ tiền. Một tấm thảm tầm thường giá cả không bao nhiêu nhưng làm cho người cảm thấy êm ái, dễ chịu. Rồi thêm một vài tấm nệm, quý vị có thể ngồi thiền trong đó. Không có gì xa xỉ. Chúng ta có thể làm đẹp bất cứ chỗ nào miễn sao biết cách trang hoàng là được. Cái động đó tối, khô khan, dơ dáy, trước đây là chỗ nuôi bò, nhưng đã được sửa sang thành một nơi đẹp; đó là cách làm cho đời sống quân bình.

Nếu từ sáng đến tối, chúng ta chỉ làm thầy dạy người về Chân Lý mà không tìm một sự quân bình nào trong đời thì đầu óc sẽ than phiền. Công việc này đối với tôi là một thú tiêu khiển rất hay. (Sư Phụ và thính chúng cười) Một người thị giả có lần nói với tôi rằng: "Sư Phụ làm việc quá sức, đi đây đó mấy hôm nay không ngủ nghê gì cả. Chắc Sư Phụ mệt lắm. Sao Sư Phụ bỏ ra cả đêm xây lò sưởi?" Tôi trả lời: "Cô không hiểu. Nếu không làm việc này thì chắc là Sư Phụ phát điên!" (Sư Phụ và thính chúng cười) Ðây là cách tìm sự cân bằng trong đời sống.

Tự tay Sư Phụ xây lò sưởi bằng xi măng và những mảnh đá nhặt được từ con suối gần đó, cho động mang một sắc thái hoàn toàn mới mẻ qua đêm.

Người thị giả đó nghĩ rằng thân thể Sư Phụ mệt mỏi sau bao nhiêu ngày làm việc, cần phải nghỉ ngơi trên giường 72 tiếng đồng hồ sau đó để bù lại những lúc mất ngủ. Nhưng tôi nói rằng: "Làm mấy việc này là nghỉ ngơi cho Sư Phụ. Không thể nằm trên giường cả ngày cả đêm được. Ðây là giờ nghỉ cho Sư Phụ vì nó mang đến một sự thay đổi trong cuộc sống." Khi làm việc gì tôi thích tức là tôi đang nghỉ. Nếu không, tôi đã bỏ hết thời giờ làm cho người khác vui, không để lại một chút thời giờ nào để theo đuổi sở thích riêng tư. Hai việc này khác nhau.

Mặc dầu tôi làm việc để cho quý vị, cho những người khác, dân tỵ nạn và những kẻ thiếu thốn vui, và tôi cũng rất vui, nhưng đó là đáp ứng lại những sự yêu cầu và hoàn cảnh. Những lúc như vậy, tôi không thể làm gì khác hơn, và cũng không thể có ý kiến gì cả. Thí dụ như, khi một người xin hai kí lô gạo thì tôi phải mang tới cho người đó. Trong trường hợp này tôi không thể hành động theo ý mình bởi vì tôi phải thỏa mãn nhu cầu của chúng sanh. Ðiều này khác với việc tự mình làm chủ, tự mình hoạch định, thiết kế theo ý kiến cá nhân.

Thành thử tôi vẫn phải tìm một sự quân bình trong đời sống. Nếu không, đầu óc sẽ không vui. Không phải con người tôi hay linh hồn tôi không vui, mà là đầu óc không vui. Nó đâu có quen như vậy. Cho nên tôi bảo người thị giả: "Ðó là cách Sư Phụ nghỉ. Cô không cần phải lo lắng." Cô ấy nghĩ tôi đã làm việc mấy ngày mấy đêm liên tiếp rồi. Ngoài việc bay ra nước ngoài thuyết pháp, tôi chạy tới chạy lui giúp dân tỵ nạn ở Phi Luật Tân, tại sao lại còn thức suốt đêm xây lò sưởi trong động khi tôi mệt mỏi lắm rồi? Cô cảm thấy tội nghiệp cho tôi. (Sư Phụ và thính chúng cười) Tôi nói: "Không, đó là cách Sư Phụ nghỉ mệt. Nếu không làm, Sư Phụ không thể nào tiếp tục." Rồi tôi hỏi cô ấy: "Nếu cô phải ngồi suốt ngày không làm gì cả, ngay cả quần áo cũng không giặt, thức ăn người ta cũng đem tới trước mặt, cô có chịu nổi không?" Cô ấy nói: "Dạ không." Ðương nhiên là không; cô vẫn muốn giặt đồ cá nhân, vẫn muốn lo một vài vấn đề cá nhân.

Tôi cũng không khác gì, không thể dành hết thời giờ vào người khác mà không có đôi chút những gì mình thích. Khi tôi thích cái gì, tôi có thể thức suốt đêm và dùng thời gian đó theo ý của mình. Như vậy quý vị sẽ không bị ảnh hưởng bởi vì tôi dành ban ngày cho quý vị. Khi nào quý vị cần thì tôi đã có ở đây. Nếu có chuyện gì khẩn cấp, hay giấy tờ quan trọng tới, tôi có thể giải quyết ngay lập tức. Tôi chỉ lợi dụng thời gian giữa những lần hội họp, hoặc làm công việc riêng trong khi chờ đợi, hoặc hy sinh giấc ngủ. Những lúc không có công chuyện làm cho đại chúng, hoặc không có hồ sơ đọc thì tôi làm việc cá nhân để giữ cho tâm trí được quân bình.

Với đôi tay khéo léo, đầy nghệ thuật, Sư Phụ biến một cái động bỏ hoang thành một can phòng đẹp như tiên.

Ðừng hỏi tôi tại sao lại ràng buộc vào những thứ vật chất như vậy. Không, đó đâu phải là ràng buộc! Tôi đã từng xây cất nhiều thứ tại các Trung Tâm trong một số quốc gia. Nhưng tôi đâu có sống ở những nơi đó. Những thiết kế, tác phẩm đều được để lại đó, đâu phải dành riêng cho tôi. Dĩ nhiên những thứ như tranh vẽ, tôi có thể đem theo. Nhưng thật ra cũng chẳng đem theo mà gửi về Trung Tâm Miaoli cho người thường trú bên đó cất vào một căn phòng đặc biệt để không bị hư, và những bản sao có thể được xuất bản cho mọi người thưởng thức. Nếu đem những bức tranh đó theo, tôi không thể lo được bởi vì lúc nào cũng mắc kẹt chuyện này chuyện nọ. Tôi chỉ có trách nhiệm vẽ thôi. Sau khi nhìn vài lần tôi để cho mấy người thường trú lo. Tôi không thể ngắm những bức họa ấy nhiều, nên đôi khi cũng thấy nhớ. Trước kia, khi ở nước ngoài, lắm lúc tôi nghĩ tới việc trở về Formosa để nhìn lại mấy bức tranh. (Sư Phụ cười) Nhưng đó chỉ là ý tưởng thoáng qua, chứ được nhìn hay không cũng chẳng thành vấn đề. Cho nên mặc dầu vẽ tranh là nguồn vui của tôi, nhưng quý vị là người được lợi. Quý vị có thể sưu tầm những họa phẩm của tôi, trong khi chính bản thân tôi chẳng sưu tầm được gì cả.

Nhưng khác với những bức họa, công trình nghệ thuật trong động không thể dời về Formosa cho người thường trú giữ. (Sư Phụ và mọi người cười) Có thứ đem được, có thứ không. Những thứ cố định phải để nguyên tại chỗ cho mọi người thưởng thức. Tôi sáng tạo những cái này không phải để làm của riêng hay để bảo tồn, mà để thỏa mãn ý thích sáng tạo mà thôi. Ðôi khi đó là một hình thức nghỉ ngơi, thư thả. Tất cả những món tiêu khiển của tôi đều là như vậy, đều để duy trì sự quân bình trong đời sống, để tôi có thể tiếp tục phụng sự cho tất cả mọi người. Cho nên biến đổi cái động này không phải vì tôi thích nó. Tôi đâu ở chỗ này lâu, mà cũng không thể chở nó đi đâu được với tôi.

Trong khi tu hành chăm chỉ ở thế giới này, nếu quý vị cũng không cố gắng tìm một sự quân bình trong đời sống hay hưởng thụ đôi chút trần gian đầy màu sắc, thì khi lên Thiên Ðàng quý vị có thể sẽ nghĩ rằng: "Tại sao sau khi theo Sư Phụ tu hành mình không còn biết thế giới ta bà như thế nào?" Rồi quý vị đổ lỗi cho tôi, và âm thầm, bí mật chạy trở lại đây. Lúc đó, quý vị không thể nào quy trách nhiệm cho tôi. (Sư Phụ và thính chúng cười)