Trích đăng bởi đồng tu Patty McMahon và Denny Flanigan,
Ohio, Hoa Kỳ (Nguyên văn tiếng Anh)

Bài báo tháng 10, 2002 tựa đề "Hãy Cho Hòa Bình Cơ Hội -Việc Thiền Ðịnh Dành Cho Những Người Bình Thường và Bận Rộn" của tác giả Carol Krucoff từ tạp chí ReaderỖs Digest trình bày chi tiết một số những lợi ích thực tiễn của thiền định. Tác giả đã dùng như một thí dụ điển hình trường hợp của ông Leonard Billing, một người thợ sửa ống nước cho các trường học vùng Mount Lebanon, tiểu bang Pennsylvania. Ông Billing ngồi thiền hằng ngày, và ông tả công việc của mình như sau: "Tôi là nhân viên duy nhất làm việc cho một khu vực gồm mười tòa nhà, và tôi làm việc rất cực, từ 10 đến 16 tiếng mỗi ngày." Công việc sửa ống nước rất nặng nề với nhiều đòi hỏi liên tục. Tuy nhiên ông đi đứng điềm tĩnh, giải quyết vấn đề mỗi ngày với nụ cười tươi.

Nhưng Leonard Billing không phải là người luôn luôn bình tĩnh. Bà Virginia, vợ ông Billing, cho biết: "ở tuổi 40, Leonard đang chờ đứt mạch máu bất cứ lúc nào." Gia đình ông có một quá khứ bị bệnh tim (kể cả một người anh em họ chết vì bệnh tim ở tuổi 40), bị cao máu, và có lượng cholesterol (một loại chất béo) rất cao. Ông Billing đã từng đau khổ nhiều vì bệnh hoạn, nên ông phải làm một điều gì đó. Rồi ông khám phá ra rằng hãng bảo hiểm sẽ trả tiền cho ông tham dự một chương trình điều trị bệnh tim mới - một chương trình bao gồm cả việc thực tập thiền định.

Một phần của chương trình điều trị bịnh tim bao gồm việc tập thể dục, hành thiền yô-ga và hầu như là trường chay. Ông Billing giờ đã 52 tuổi, nói rằng: "Trong tất cả những sự thay đổi của tôi, thiền là điều giúp tôi tiếp tục trong cuộc sống. Nó đã giúp tôi trở nên một người điềm tĩnh và tự tin hơn nhiều."

Dân chúng Hoa Kỳ cũng hưởng ứng việc thiền định vì những lý do khác nữa ngoài khả năng giảm thiểu áp lực tinh thần. Giống như ông Leonard Billing, họ đã tình cờ khám phá ra việc ngồi thiền trong khi đang tìm những phương cách để điều trị bệnh tim, cầm bệnh nhức nửa bên đầu, làm giảm áp suất máu, tìm cách giảm đau nhức kinh niên, hoặc điều trị ung thư. Và giống như ông Billing, một thời gian lâu sau khi đã giải quyết được vấn đề bịnh tật, họ vẫn tiếp tục thiền, vì thiền cũng giúp ích những khía cạnh khác trong đời sống.

Làm sao "ngồi yên, không làm gì cả" lại có được mãnh lực như vậy? Thiền định ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ, đặc biệt là hệ thần kinh não bộ liên quan tới tình cảm (limbic nervous system), là hệ kiểm soát sự tiêu hóa, áp suất máu, hô hấp, và nhịp đập của tim. Tâm lý gia Alice Domar thuộc Viện Ðại Học Harvard là người đã đích thân chứng kiến những thay đổi này. Trong một phần của công cuộc nghiên cứu luận án tiến sĩ, bà Domar đã bỏ ra một năm trong phòng giải phẫu để dạy một phương pháp thiền hơi thở hai phút cho những bệnh nhân sắp được giải phẫu. Bà Domar cho biết: "Bệnh nhân báo cáo rằng họ ít lo âu hơn, và đương đầu với cuộc giải phẫu tốt đẹp hơn. Các bác sĩ cũng thích vì áp suất máu hạ xuống, bệnh nhân ít ra máu hơn và cuộc giải phẫu hoàn thành nhanh chóng hơn."

Công ty Corporate Hoa Kỳ cũng bắt đầu việc đầu tư vào những ích lợi của thiền định. Nhiều nhân viên phải làm những công việc phức tạp, tạo nên sự lo lắng khiến họ khó suy nghĩ được rõ ràng. Học thiền giúp họ trụ tâm và làm việc hữu hiệu hơn.

Năng lực thật sự của thiền định không phải chỉ đạt được từ thời gian ngồi thiền chính thức, mà còn đạt được khi chúng ta mang những bài học thiền định - lòng thư thả và để tâm - áp dụng vào những lúc khác trong ngày.