Do sư tỷ đồng tu Juan Li-yu, Ðài Bắc, Formosa

Tấm Lòng và Hành Ðộng của Một Thánh Nhân

Trong những năm đầu tiên trước khi Sư Phụ bắt đầu ra thuyết giảng trước công chúng, Ngài và một số đệ tử sống trong một ngôi nhà vắng vẻ tại Tân Ðiền, vùng ngoại ô của Ðài Bắc. Ngôi nhà được mướn với giá rất rẻ, và sau khi dọn dẹp sạch sẽ được dùng làm Trung Tâm cộng tu.

Một hôm, tôi đang ở trên lầu nói chuyện với Sư Phụ, trong khi một số người ở nhà dưới chuẩn bị thọ Tâm Ấn vào pháp môn Quán Âm. Khi tất cả đã sẵn sàng, người thị giả mời Sư Phụ xuống để truyền Tâm Ấn. Khi đó Sư Phụ nói với tôi: "Tôi ghét nhất là truyền Tâm Ấn cho người khác. Tuy nhiên, nếu chỉ làm những điều mình thích thì chúng ta có khác gì người thường". Từ đó, những lời nói vô giá vượt thời gian này đã khắc sâu vào tâm khảm tôi. Hơn mười năm qua, tôi vẫn liên tục dạy dỗ chính mình: "Chúng ta không nên chỉ có làm những điều mình thích. Bất cứ gì lợi ích cho người khác và bất cứ việc nào chúng ta thấy là đúng sau khi cân nhắc tình hình, chúng ta nên hành động tức khắc".

Với số đệ tử mỗi ngày một tăng, ngôi nhà dần dần trở nên quá nhỏ đối với chúng tôi. Ðể có thêm chỗ cho đồng tu trong những cuộc bế quan, Sư Phụ sửa lại một gian nhà làm việc bỏ hoang gần đó phía dưới đồi dù hợp đồng mướn nhà và thời gian làm việc sắp hết hạn. Trong khi giúp sửa sang, tôi tự hỏi: "Chúng ta sắp dọn ra rồi. Tại sao vẫn còn phí thì giờ, sức lao động và tiền bạc vào việc này?" Sư Phụ lập tức cảm nhận được sự nghi ngờ trong tâm tôi, và nói một mình: "Mọi người đều hỏi tại sao tôi còn sửa lại căn này, khi mà mình sắp sửa dọn ra. Vì thiếu chỗ bế quan, nên mình phải làm thêm chỗ! Nếu người sau này được hưởng những gì chúng ta xây thì có sao đâu?"

Những lời của Sư Phụ như một cú đập mạnh khiến cho tôi bừng tỉnh. Ðây là sự khác biệt giữa tấm lòng của bậc Thánh và của người thường! Thánh Nhân có tấm lòng hoàn toàn tinh khiết, họ chỉ sống trong hiện tại và làm bất cứ những gì cần làm trong hoàn cảnh đó. Họ không có đầu óc phức tạp hay phân biệt của người thế tục. Như trong Kinh Kim Cang có nói: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" (Ðừng để vướng mắc, tâm trí huệ phát sinh). Cuộc đời của Ngài, những lời nói và hành động hằng ngày của Sư Phụ là Bộ Kinh quý giá nhất đem đến vô lượng lợi ích cho đệ tử chúng ta!

Trớ trêu thay, sau khi gian nhà làm việc kia được sửa sang, không đệ tử nào muốn sống trong đó, vì nó quá đơn giản, thô sơ. Cuối cùng, Sư Phụ đã dọn vào gian nhà này, để lại cho đệ tử căn phòng của Ngài trong ngôi nhà trên đồi.

Thời gian đó, vì trở ngại tài chánh, Sư Phụ không có xe hơi. Cho nên mỗi thứ hai và thứ tư, Ngài phải đi bộ xuống tận dưới đồi, đón xe buýt công cộng đến nhà một sư huynh đồng tu ở quận Wanhua thuộc Ðài Bắc để thuyết giảng trong vòng thân mật. Nhưng thị giả của Ngài không chịu nổi sự cực nhọc và hay than phiền. Sư Phụ an ủi cô: "Người tại gia bận rộn với công việc hằng ngày. Chúng ta chịu cực thêm một chút cũng không sao!"

Có lần, trên đường về nhà sau một trong những buổi nói chuyện này, Sư Phụ thấy một tấm gỗ vứt bỏ dọc đường. Ngài lượm lên, đem về rửa sạch; rồi, đặt hai băng ghế bên dưới làm thành một cái bàn ăn!

Khi có thời giờ, Sư Phụ may nệm làm gối thiền cho chúng tôi. Thỉnh thoảng Ngài cũng nấu ăn cho đệ tử, và không bao giờ ra vẻ cao thượng chỉ vì Ngài là Minh Sư của chúng tôi. Nếu có ai vẫn còn nghĩ rằng Sư Phụ nhận đệ tử vì danh lợi, họ đã lầm to!

Con Ong Bay Quanh Sư Phụ Ba Lần

Trong một lần nghỉ trưa sau khi làm việc, một nhóm đệ tử tụ họp nói chuyện trong sân nhà Sư Phụ. Bỗng nhiên, chúng tôi thấy một con ong bắp cày đang tấn công một con nhện. Chúng tôi tìm mọi cách để đuổi nó đi nhưng vẫn không thành công. Thấy cảnh hỗn loạn, Sư Phụ đến xem. Sau khi nhìn chuyện gì đang xảy ra, Ngài nói với con ong rằng: "Dù nó có nghiệp chướng ràng buộc với ngươi, ngươi cũng nên tha cho nó!" Thần kỳ thay, con ong dường như hiểu lời Sư Phụ và lập tức thả con nhện ra. Sau đó nó bay quanh Sư Phụ ba lần trước khi bay đi. Theo Kinh Phật giáo thời xa xưa, đi quanh một vị Minh Sư đắc đạo ba lần là hành động tỏ lòng tôn kính. Ngay cả một con ong cũng nhận ra một vị Minh Sư Khai Ngộ tại thế, thật là kỳ diệu!