Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị tại Tây Hồ, Formosa,
ngày 10 tháng 10 năm 1992 - (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)
Băng thâu hình số 278

Sự Quan Trọng Của Việc Thiền Quán Âm

Những người tu pháp Quán Âm phải thiền Quán Âm (quán tưởng tới Âm Thanh) mỗi ngày ít nhất một tiếng đồng hồ, đó là điều thiết yếu để rửa sạch những hậu quả mà thế giới đang ảnh hưởng đến chúng ta, và để giữ tinh thần được ở trong trạng thái thật tình sung sướng. Dĩ nhiên, thiền ít quý vị cũng có cảm giác vui sướng, nhưng sẽ không cảm thấy vui sướng hoàn toàn.

Ðương nhiên thiền Quán Âm một lúc một tiếng đồng hồ hơi khó, nhưng quý vị phải cố gắng hết mình. Ðôi khi tình trạng cải biến sau khi thiền hai mươi phút. Cơ thể trở nên vững vàng, ổn định, tinh thần phấn khởi. Rồi thân thể không cảm thấy gì cả. Lúc đó bầu không khí nôn nóng, bất an không còn nữa. Tất cả sẽ tốt nếu chúng ta ráng chịu đựng một hồi.


Tu Hành Trong Chân Lý

Có một quyển sách nói về những người tu pháp Quán Âm hồi xa xưa. Nói rằng khi chúng ta tu hành, câu thông với Chân Lý dù chỉ một thời gian rất ngắn, như hai, ba tiếng đồng hồ, hay nửa giờ, hay vài chục phút, chúng ta vẫn có thể rửa được trăm vạn ức nghiệp chướng nặng nề.

Quyển này cũng nói rằng có nhiều khía cạnh tu hành. Chúng ta có thể nghe bài giảng pháp của một Minh Sư, được gặp vị đó, hay gia nhập vào các buổi cộng tu của đệ tử ngài. Nếu không thể gặp Minh Sư, không thể tận tai nghe những bài thuyết giảng của vị đó thì ta có thể đọc kinh sách của ngài hay nghe băng giảng pháp hay theo lời hướng dẫn tu hành của vị đó. Tất cả những việc này được coi như là trau dồi tâm linh và nằm trong Chân Lý. Tất cả những việc này đều có thể rửa nghiệp chướng tồn kho từ bao nhiêu tỷ ức kiếp, giúp chúng ta dễ chịu, thoải mái, sung sướng hơn, không còn ham cãi cọ gì với ai nữa.


Lợi ích Gần Những Người Giàu Kinh Nghiệm Tu Hành

Ðôi khi chúng ta cần một người nào đó nhắc nhở mình tới những lợi ích trong việc tu hành để chúng ta nhớ tu hành. Nếu không, ngày nào cũng tiếp xúc với nhiều chúng sinh trần tục, hoặc những chúng sinh đẳng cấp không cao gì mấy, từ trường không tu hành của họ sẽ kéo đẳng cấp của mình xuống một chút, rồi chúng ta trở thành giống như họ, bận rộn công việc ta bà của cuộc đời, rồi quên đi mục đích quan trọng nhất của mình.

Do đó gần gũi với những người giàu kinh nghiệm tu hành và Thánh nhân Bồ tát thật tình có lợi! Tức là ở gần các đồng tu và Minh Sư đắc đạo rất lợi ích. Lợi đây không phải là vì chúng ta được gặp họ hay được nghe họ nói. Thậm chí nhiều khi họ không nói gì cả, nhưng từ trường tu hành của họ cũng đủ nhắc nhở và khuyến khích chúng ta. Rồi tự nhiên chúng ta nghĩ tới tu hành. Nhiều khi ở gần họ thôi cũng làm cho chúng ta rất là dễ chịu, cho chúng ta cảm hứng muốn ngồi thiền, không buồn nghĩ tới những điều thế tục nữa.

Thành ra bên Ấn Ðộ người ta nói nên đi gặp thầy mỗi ngày nếu được; nếu không làm được mỗi ngày thì tối thiểu cũng mỗi hai, ba ngày. Nếu không được nữa thì gặp thầy tối thiểu mỗi tuần; nếu không được thì tối thiểu cũng mỗi hai tuần, nếu không được thì mỗi tháng. Nếu làm vậy cũng không được nữa thì gặp thầy vài tháng một lần; nếu không thì mỗi năm một lần. Nếu vẫn không được thì ít nhất cũng phải một lần trong đời! Nếu vẫn không được thì sẽ gặp thầy giờ phút lìa đời. Lúc đó, chắc chắn ngài sẽ tới đưa quý vị đi. Cho nên, rốt cục cũng gặp được thầy. Tuy nhiên, vẫn phải có tiền duyên với Minh Sư đó thì vị đó mới tới.

Thành ra mới có câu "Phật Thích Ca khó gặp". Chưa chắc gì được gặp một vị Minh Sư dù chúng ta sống trong cùng thế giới với Ngài, hay được nghe những lời nói của Ngài dù sống trong cùng một thời đại. Nếu chúng ta ngang tuổi với Minh Sư, hay sống trong cùng quốc gia hay cùng làng, không nhất thiết là chúng ta nhận được sự gia trì của vị đó, bởi vì đôi khi chúng ta tự khóa lòng mình. Tâm mình rất là quan trọng! Bởi vậy cho nên một số người, như nhiều người sống ở Trung Hoa hay Âu Lạc không được gặp Minh Sư, chưa bao giờ nhìn thấy nhục thể Minh Sư, họ có thể thấy hóa thân của Minh Sư. Tại vì tâm họ ở một bên Minh Sư. Ðây cũng được coi như là tu học. Tâm rất là quan trọng!


Tâm Cùng Tâm Với Sư Phụ

Nếu tâm chúng ta tốt thì đồng một thể với vạn vật và câu thông với Thánh nhân Bồ tát là một điều giản dị. Nếu chúng ta ngăn cách trong lòng thì cũng giống như là cất tường chung quanh mình vậy. Thánh nhân Bồ tát không xây tường. Chúng ta là người xây, dựng thành trì lên cản trở chính mình. Chưa chắc chúng ta đã được cùng với một Thánh nhân mặc dù chúng ta tới rất gần ngài. Tâm ta cần phải đến gần. Như vậy thì dầu có hàng ngàn dặm xa, chúng ta cũng cảm thấy dường như không bị ngăn cách bởi không gian. Nếu gần một Thánh nhân mà tâm không hòa nhịp với người đó thì cũng giống như là cách khoảng xa.

Có một lần trong thời Phật Thích Ca còn tại thế, một đệ tử tìm thấy một con kiến càng to lớn trong vườn Getavanna, và bảo rằng đã có bảy vị Phật đến rồi đi và giảng pháp ở đây, mà con kiến này vẫn còn ở đó làm kiếp kiến. Không có cách nào nó vượt lên khỏi đẳng cấp kiến. Cũng giống như câu chuyện hôm nay chúng ta đã nghe qua về Sariputra trước kia là rắn độc. (Xem băng thâu hình để biết thêm chi tiết về câu chuyện) Ðây là lần đầu chúng ta nghe nói tới chuyện này. Chúng ta thường nghĩ rằng ông có đạo đức cao trong những kiếp trước nên mới được làm một trong mười đệ tử vĩ đại của Phật. Chúng ta không bao giờ nghĩ rằng trước kia người đó đã là một con rắn độc. Là thân rắn, nó đã lập duyên tốt với Phật Thích Ca, Ngài đã cứu nó sau khi thành đạo. Tại sao nó làm thân rắn lâu quá vậy, hàng nghìn, hàng triệu năm? Kinh điển nói rằng đó là vì tấm lòng của nó chưa mở rộng, cho nên phải sống kiếp rắn hàng trăm, hàng vạn năm dài. Khi tâm mình mở rộng thì lập tức không còn nghiệp chướng cản ngăn.

Chúng ta tới để theo một vị Minh Sư đắc đạo và học với vị đó. Có nghĩa rằng tấm lòng chúng ta đã sẵn sàng tháo gỡ những tư tưởng xấu, những sự ràng buộc, gắn bó vào cái thế giới mà chúng ta đã chấp nhận từ bao nhiêu kiếp. Khi những vấn đề này được giải tỏa thì nghiệp chướng từ nhiều kiếp trong quá khứ sẽ xóa tan. Chỉ lúc đó chúng ta mới có thể được gần Thánh nhân Bồ tát, được thấy ánh Sáng và được nghe Âm Thanh của Chân Ngã, Âm Thanh nội tại.