Do đệ tử thường trú, Tây Hồ, Formosa

Lời nói đầu: Sư Phụ bên trong là bác sĩ tâm linh tài giỏi nhất. Ngài luôn luôn cho tôi những thứ thuốc hiệu nghiệm nhất tùy theo tình trạng sức khỏe của tôi. Nhưng thuốc đắng thì mới dã tật. Ðôi khi tôi muốn ngọt, nhưng Ngài lại cho tôi món đắng. Tới khi khỏi bệnh tôi mới hiểu món thuốc đắng kia mới thật đúng là bổ ích cho tôi.

Trong tờ Bản Tin, chúng ta thường hay đọc những bài viết nói về Sư Phụ đã thỏa mãn mơ ước của đồng tu như thế nào. Trong đời sống cá nhân, chúng ta cũng được nghe tới những mẫu chuyện tương tự từ các đồng tu. Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian, những câu chuyện như vầy có vẻ rất xa xôi đối với tôi, bởi vì Sư Phụ bên trong lúc nào cũng cho tôi những cái tôi ghét nhất, sợ nhất. Dường như Ngài không ngó ngàng gì tới những điều tôi mong chờ và cầu nguyện.

Ðây là một ví dụ. Hồi còn nhỏ tuổi, tôi hay đi gặp những người xuất gia với mẹ tôi. Hầu hết các vị nữ tu tại đây đều cho tôi ấn tượng bi quan, trì độn, bơ thờ. Hình ảnh này đã ghi khắc vào tâm tôi ngay cả sau khi tôi thọ Tâm Ấn với Sư Phụ. Lúc đó tôi chỉ thích thui thủi một mình, không xã giao với ai, cảm thấy như mình biệt lập với thế giới; tôi sợ có khách khứa, bạn bè, và không thích sống chung với người khác. Vì vậy, sau khi thọ pháp, tôi muốn sống một cuộc đời ẩn dật, như những đạo sĩ kỳ bí thời xưa sống nơi hiu quạnh, xa lìa trần thế. Không bao giờ tôi có thể nghĩ rằng mình sẽ rời nhà để trở thành một đệ tử thường trú sống ở Tây Hồ. Tuy nhiên, mười năm sau sự tranh đấu này đã trở thành thất bại. Chẳng những tôi không đạt được mục đích tu hành ẩn dật, mà trái lại còn phải sống chung với một đại gia đình tại Tây Hồ. Hậu quả này thật khác hẳn với những gì tôi mơ ước!

Sau khi cư ngụ tại Trung Tâm Tây Hồ một thời gian, tôi thấy rằng đời sống tại đây thật tràn đầy và kỳ thú, khác hẳn với ấn tượng của tôi hồi trước, và tôi rất tiếc đã không vào sớm hơn (tôi là đệ tử thường trú cuối cùng được vào Trung Tâm Tây Hồ). Thoáng nhìn thì thấy các đồng tu thường trú bề ngoài có vẻ hơi giống nhau, cùng kiểu tóc, quần áo, không có gì là thú vị cho lắm. Tuy nhiên, quan sát cho kỹ thì thấy mỗi người mỗi tính khác nhau. Có người nghiêm trang, dũng cảm; có người nhẹ nhàng, tính tình uyển chuyển; có người làm chuyện gì cũng đòi phải hoàn hảo; có người khôn ngoan lanh lẹ; có người vui tính; có người lạnh nhạt, không biết khôi hài. Mặc dầu cuộc sống ở đây bề ngoài có vẻ đơn sơ, mộc mạc, nhưng với nhiều người có những đặc tính khác biệt sống thành nhóm với nhau thì sự tu hành lại trở nên dồi dào, phong phú. Nếu để ý quan sát các đệ tử thường trú Tây Hồ, ta sẽ nhận thấy rằng mỗi người là một tấm gương phản ảnh sự tu hành của riêng mình, và là một thí dụ cho ta học hỏi. Ðối với những ai quan tâm nhiều tới đời sống nội tâm và thành thật muốn cải tiến chính mình thì đây là môi trường lý tưởng nhất cho việc tu hành.

Cuộc sống rất bận rộn trên vùng núi Tây Hồ, nhưng không bị những áp lực cạnh tranh chi phối. Vì tinh thần thanh thản nên các thường trú viên chúng tôi không cảm thấy cực khi làm việc. Trái lại, chúng tôi chỉ thấy công việc là cơ hội Thượng Ðế ban cho để học hỏi và tự huấn luyện chính mình. Mỗi ngày, đủ mọi trường hợp xảy ra mà từ đó chúng tôi rút tỉa được những bài học cho mình. Dù làm cùng một một việc nhưng mỗi người có một sự hiểu biết khác nhau bởi vì chúng tôi có những tâm trạng khác nhau, làm việc với những người khác nhau. Lắm lúc vào những đêm tĩnh lặng, khi tâm hồn bắt đầu lắng xuống, tôi ngạc nhiên trước những khám phá mới khi thấy mình có hàng loạt những khuyết điểm cần khắc phục, nhưng nơi đây tại Trung Tâm Tây Hồ, một kho tàng không bao giờ cạn luôn giúp đỡ chúng tôi trong sự tu hành.

Cha tôi chưa từng gặp Sư Phụ lần nào, cũng chưa bao giờ đọc giáo lý của Ngài. Nhưng một hôm ông ngậm ngùi nói với tôi: "Thấy con thay đổi, cha tin thầy của con nếu không là Phật thì cũng là Ðại Thánh". Trong những năm theo Sư Phụ tu hành, chẳng những tôi biến cải bên trong lẫn bên ngoài, mà còn dứt hẳn những sợ hãi trầm trọng về đời sống xuất gia. May mắn hơn nữa là tôi được sống trong những hoàn cảnh, môi trường tuyệt đối thuận lợi và lý tưởng cho sự tu hành. Ðể đáp lại tình thương như trời biển của Sư Phụ, tôi chỉ có thể trích nơi đây một câu nói xưa của người Hoa: "Ðại ân bất ngôn tạ; chỉ đái báo ân thời". (Nghĩa là ơn lớn không có lời cảm tạ, chỉ chờ có dịp để báo ơn)