Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị
tỨại Trung Tâm Lai Nghĩa, Bình Ðông, Formosa -- Ngày 3 tháng Giêng năm 1993
(Nguyên văn tiếng Trung Hoa) - Băng thâu hình số 305

Làm bất kỳ việc gì chúng ta cũng phải tập trung; nếu không, lương tâm mình sẽ không an ổn, rồi lại phát ra một từ trường không tốt. Tới lúc đó, nếu không bị Sư Phụ trách thì cũng bị người khác trách. Rồi chúng ta lại hỏi: "Tại sao lúc nào mình cũng bị la?" Ðó là vì bầu không khí chung quanh của chúng ta không được tốt, làm cho người khác khó chịu. Từ trường chung quanh này không nhìn thấy được, nhưng người tu hành có thể thấy bằng mắt huệ; trí huệ của họ có thể cảm nhận được. Thành thử không thể lừa dối người nào! Sau khi bị la, phản ứng đầu tiên của chúng ta thường thường là giận người la mình, rồi tức người đó, hoặc cảm thấy không vui đối với Sư Phụ, thay vì xem xét lại lề lối cư xử, động cơ thúc đẩy và lòng dạ của mình.

Mỗi khi bị người nào trách cứ chuyện gì, chúng ta nên kiểm soát lại mình liền. Nếu biết lý do mình làm là đơn thuần, trong sạch, thì chúng ta biết rằng điều đó không sao. Lúc đó mình sẽ cảm thấy dễ chịu; nếu thấy mình làm việc gì đó sai quấy, thì phải kiểm lại lòng mình. Không phải lúc nào cũng đổ lỗi cho người khác. Mỗi khi có ai khiển trách, nếu họ nói đúng thì họ là thầy của mình, nếu họ nói không đúng thì có thể coi như đó là nghiệp chướng (Cười). Ðó là cách đối phó giản tiện nhất. Nếu không thì làm sao? Sống với người khác không thể nào tránh được thỉnh thoảng cọ xát do sự khác nhau về tính tình, khác nhau về đẳng cấp tu hành, hay nghiệp từ kiếp trước. Cho nên không thể kỳ vọng ngày nào mọi chuyện cũng xảy ra tốt đẹp.

Thế giới rất công bình. Quý vị không cần phải lo lắng phước báu hay lòng thành tâm của mình không được ngó ngàng tới, bởi vì chính mình tự biết mình! Chúng ta là Thượng Ðế, có Thượng Ðế ở trong tâm. Sao phải lo người ta không biết? Không phải quý vị bảo rằng quý vị tin Sư Phụ một trăm phần trăm sao? Cũng phải tin chính mình giống như vậy! Thượng Ðế ngự trong chúng ta. Người ta cũng nói rằng Minh Sư là vô sở bất tại! Vậy sao lại lo người khác không biết, rồi tranh giành công lao hoặc khoe khoang này nọ. Lúc nào cũng phải thành thật với chính mình, làm việc gì cũng nên có một tâm hồn đơn thuần, trong sạch, mà không vẩn đục bởi bất kỳ mục đích nào. Kết quả chúng ta sẽ thấy người khác thương mến mình càng ngày càng nhiều, rồi Minh Sư cũng sẽ để ý tới mình.

Tốt hơn hết là làm việc phục vụ kẻ khác với một tấm lòng cống hiến thật sự vô điều kiện, rồi chúng ta sẽ được mọi thứ. Hồi xưa, lúc tôi sống trong những am thiền của người khác, tôi không chấp vào việc lúc nào cũng muốn được gặp thầy, cũng không đòi thầy phải nhìn thấy tôi này kia kia nọ. Tôi chỉ phụng sự quét dọn cầu thang, lau nhà, tưới cây, v.v... Tôi cứ làm những việc mà người khác không ai muốn làm, nhất là rửa chén, việc ít người ưa nhất. Sau khi người ta nấu nướng, ăn uống no nê, chén đũa chất cao như núi. Mỗi ngày tôi đều rửa chén, cảm thấy rất là vui sướng. Rốt cuộc bây giờ có người rửa chén cho tôi, quét dọn cầu thang, lau nhà cho tôi.

Thành thử, đừng có đòi hỏi điều gì mà chỉ phụng sự thôi. Trời Phật sẽ an bài định mệnh của mình. Chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều. Tu hành là để mình giải thoát ra khỏi những ham muốn, danh vọng, lợi lộc và tính cạnh tranh. Nếu không giải thoát được bây giờ thì tới chừng nào giải thoát? Nếu không thể thấy Thiên Ðàng khi còn sống thì làm sao thấy được sau khi rời khỏi thế gian? Chúng ta sẽ thấy không quen! (Sư Phụ và khán giả cười.) Bởi vì khi quen một cái gì rồi thì khó mà thay đổi, thói quen đó sẽ trở lại với mình, rồi lại phải phấn đấu vật vã.

Bất cứ việc gì chúng ta làm, nếu lương tâm cảm thấy trong sạch, an ổn, thì việc đó là đúng. Không cần phải hỏi Sư Phụ, cũng không cần phải làm cho người khác. Làm như vậy một hồi, chúng ta sẽ quen đi, rồi tự động nó sẽ trở thành một bản tính tự nhiên, chúng ta sẽ cảm thấy biết mình nên làm gì. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì còn lại chưa làm. Lúc đó chúng ta sẽ không ghét làm chuyện gì cả. Những gì quý vị đang làm bây giờ là công việc phụng sự cho đại chúng, tất cả những việc này tôi đã làm qua. Ðâu có sao. Không việc làm nào là nhỏ nhặt cả. Trước khi có nhiều đệ tử, tôi cũng trộn xi-măng, xây cất trung tâm cho đệ tử ở, xây cầu tiêu cho đệ tử dùng, v.v... Không có gì là tôi không làm được. Chỉ tại bây giờ quý vị nhiều người quá mà quý vị lại có đầy đủ tài năng, nên tôi để cho quý vị làm! Nếu tôi tự làm lấy thì quý vị buồn sao, đúng không? (Khán giả: Phải) Quý vị có rất nhiều "anh hùng", tha thiết muốn bảo vệ giúp đỡ tôi gìn giữ thân hình này! (Cười)

Ðương nhiên những việc chúng ta làm không có tiền lời, không được trả lương, nhưng chúng ta được sự vinh quang, niềm vinh dự. Phụng sự người khác, phụng sự chúng sanh, và phụng sự đồng tu là một vinh dự. Nó là phần thưởng cao cả nhất của chúng ta. Còn không thì danh vọng, sự giàu sang ở đời này rất dễ; hễ siêng làm việc là được. Chỉ là công việc này là một sự vinh quang. Chúng ta làm không phải vì muốn được phần thưởng hoặc muốn được Sư Phụ cưng. Như vậy thì giống như là hối lộ nếu mình có mục đích đó. Chúng ta nên làm bởi vì tự mình muốn làm và vì mình thích làm; đó là phần thưởng cao cả nhất. Không cần kỳ vọng điều gì khác. Trường hợp Minh Sư cũng như vậy. Không có mấy ai trong vũ trụ này làm được công việc của tôi, nhưng tôi làm được, điều này khiến tôi cảm thấy sung sướng! Mặc dầu tôi không sẵn lòng cho lắm, nhưng cũng không sao. Tôi cứ làm. Tôi làm sao kỳ vọng phước báu từ công việc đó chứ? (Vỗ tay)