Người tu hành thường hay coi cái ngã như một trở ngại lớn nhất cho sự tiến bộ về tâm linh. Vì vậy bỏ được cái ngã là cả một thử thách nặng nề, điều mà rất nhiều người mong muốn. Tuy nhiên, Sư Phụ dạy rằng: "Mặc dầu tu pháp Quán Âm, nhưng một chút ngã vẫn còn. Chỉ khi nào vượt quá cảnh giới thứ ba, cái ngã của chúng ta mới giảm hẳn. Nó chỉ nhỏ lại, hầu như là không có, để lại một phần trăm, gần như không còn nữa. Tuy nhiên, một chút ngã vẫn còn phải giữ lại; nếu không chúng ta không thể nào hiện hữu trên thế giới." (Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị bằng tiếng Trung Hoa tại Ðài Nam, Formosa, ngày 2 tháng 3 năm 1989). Do đó chúng ta thấy rằng khi còn sống ở thế giới Ma Vương này, chúng ta có thể giảm cái ngã của mình xuống tới mức tối đa qua sự thiền hành, nhưng không thể nào hết được 100 phần trăm.

Sau khi tu pháp Quán Âm, tôi dần dần nhận thức được rằng con đường tu hành thật sự chỉ là một tiến trình từ "ngộ" ra điều này sang "ngộ" ra điều khác. Khi quyết chí tu hành tinh tấn thì thân khẩu ý của chúng ta từ từ được thanh tịnh hóa rồi tầm thức khai ngộ của chúng ta sẽ được nâng cao. Kết quả là chúng ta sẽ trở nên ngày càng nhạy cảm trước những gì xảy ra ở chung quanh, và có nhiều lúc cảm thấy những gì mình nghĩ rằng đúng trước kia, bây giờ lại thấy sai. Tôi cũng khám phá ra rằng nhiều bài học được định ra là để cho chúng ta tập từ bỏ cái ngã của mình, vượt qua những khó khăn trở ngại, và đây là một tiến trình giúp cho chúng ta tiến bộ về phương diện tâm linh. Có người cần nhiều bài học hơn, có người cần ít hơn, nhưng tất cả những cái này thật sự chỉ là những chuyện an bài từ Thượng Ðế và còn tùy vào hoàn cảnh mỗi người. Vì thế chúng ta không có lý do gì để than phiền, mà trái lại nên biết ơn là đàng khác!

Nhiều lỗi lầm xuất phát từ cái ngã cao mạn, trói buộc chúng ta vào đủ thứ thói quen, thành kiến, làm cho chúng ta nghĩ rằng những gì "Ta" nghĩ, nói, và làm là đúng. Mỗi khi cái "Ta" này bước vào sự suy nghĩ của đầu óc là Thượng Ðế âm thầm biến đi. Ðó là lúc chúng ta quên rằng vạn vật trong thế giới là một thể, kể cả cảm xúc của người khác. Nếu không còn tiếp xúc với sự hướng dẫn của Thượng Ðế mà chỉ hành động bằng đầu óc, qua những thành kiến của mình, thì làm sao chúng ta có được những lý tưởng cao thượng hoặc làm được việc gì theo thiên ý?

Cho nên, nếu liên tục giữ Thượng Ðế trong tâm thay vì bị trói buộc vào hành động, lời nói của mình cùng những thói quen tập quán, thiên kiến của cái "ta", thì dù thỉnh thoảng có lầm lỗi chút đỉnh chúng ta cũng sẽ nhận ra ngay, sám hối và dễ dàng cải biến tình trạng qua ơn huệ gia trì từ Trời Phật, bởi vì lúc đó chúng ta hiểu lỗi lầm của mình từ một quan niệm đúng. Thành thử, mặc dầu bề ngoài thấy như là chúng ta đã làm sai, nhưng thật ra chúng ta không còn sai nữa bởi vì mình đã cắt bỏ cái "Ta"!