Là một nhà giáo với 21 năm kinh nghiệm trong ngành cố vấn, sư tỷ Dương Thu Thủy, Khoa trưởng Khoa Học tập của trường Nữ Trung học Ðệ nhất cấp có tiếng ở Ðài Bắc, đã nhận thức được ý nghĩa chân thật về sự nghiệp và cuộc sống gia đình qua những nỗ lực tâm linh và tu hành. Vào ngày Lễ Giáo Viên năm 2002, sư tỷ Dương đã được trao giải thưởng "Nhà Giáo Ưu Tú Ðài Bắc" trong ngành cố vấn và giáo dục đặc biệt. Người ta có thể hỏi: "Làm thế nào nhà giáo gương mẫu của một cơ sở giáo dục ưu tú nhất nước tìm được nguồn năng lực để quân bình giữa đời và Ðạo?" Ðể trả lời cho câu hỏi này, Bản Tin Thanh Hải Vô Thượng Sư đã thực hiện một cuộc phỏng vấn riêng với sư tỷ Dương, và chị đã hoan hỷ chia sẻ kinh nghiệm của mình cùng bạn đọc.

Quý trọng ân điển trên đường theo đuổi lý tưởng

"Có nhiều cách dạy người. Có những vị thầy nắm lấy cơ hội tốt để dạy như cơn mưa đúng lúc, có vị biến đổi học trò tùy theo cá tính riêng của chúng để trau chuốt phẩm chất liêm chính đạo đức trong chúng." Những giáo lý nổi tiếng mà sư tỷ Dương hằng áp dụng này nằm trong sách Mạnh Tử (một trong Tứ Thư nền tảng của Khổng giáo). Nhờ vào những nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi trong công việc giảng dạy, cố vấn, hướng dẫn học sinh, dựa theo nhu cầu và khả năng của các em, kết quả là giáo sư Dương đã đoạt giải thưởng "Nhà Giáo Ưu Tú" cùng những lời tuyên dương của thị trưởng thành phố Ðài Bắc là ông Mã Anh Cửu (xin xem hình). Về vinh dự đặc biệt này, giáo sư Dương đã phát biểu một cách khiêm tốn: "Ðối với tôi, được làm giáo viên là điều vô cùng vinh hạnh và thú vị. Ðược nhận giải thưởng dựa trên công việc của mình, đó là ‘phần thưởng phụ trội’. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là có thể giúp đỡ các em thiếu niên và cùng các em vươn lên".

Mối quan hệ và sự tín nhiệm giữa thầy trò mà giáo sư Dương đã gầy dựng bao năm qua xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc và lòng tế nhị về nhu cầu người khác. Một em học sinh năm thứ hai cho biết: "Cô Dương là giáo sư dạy lớp hướng nghiệp của chúng em. Chúng em học hỏi được rất nhiều từ cô! Trên môi cô bao giờ cũng nở một nụ cười thân thiện. Bất cứ lúc nào gặp cô, chúng em cũng muốn chạy đến chào cô thật lớn: ‘Thưa cô Dương!’ Theo em, có lẽ vì cô luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và làm cho chúng em cảm thấy cô thật sự hiểu chúng em!" Sự thành tâm và gần gũi trong tình thầy trò là kết quả đến từ sự tinh tấn tu hành của giáo sư Dương, vì bà đã ứng dụng sự sáng suốt tâm linh để giúp cho công việc cố vấn được thành công hơn.

Khai ngộ từ một vị thầy tâm linh

Từ thuở bé, giáo sư Dương đã khát khao Chân Lý. Bà nói: "Tôi thường tự hỏi không biết là Thượng Ðế có nghe được lời cầu nguyện của mình không? Những câu chuyện trong Thánh Kinh có thật hay không? Vì sao tôi vẫn cảm thấy tâm hồn mình trống trải? Tôi luôn hy vọng một người nào đó có thể trả lời được những câu hỏi này." Bà hồi tưởng lại: "Ðược lớn lên trong môi trường Cơ Ðốc giáo, tôi thích đến trường ngày Chủ Nhật để học giáo lý Thánh Kinh và hát thánh ca; nơi đó tuổi thơ của tôi thật đẹp. Khi lớn lên, tôi nhận thấy những cái đó không làm cho mình thỏa mãn, sâu thẳm trong tâm hồn tôi vẫn trống rỗng, hoang mang. Lên trung học, vì học môn lịch sử, tôi lại thích những câu chuyện về thiền và Phật giáo, nhưng vẫn còn thắc mắc: ‘Tại sao Phật giáo và Cơ Ðốc giáo không thể tương hợp với nhau?’ Sau vài năm làm cố vấn học đường, có lần tôi được nghe một buổi thuyết pháp của Thanh Hải Vô Thượng Sư, lúc đó tôi mới thật sự khai ngộ và nhận thấy rằng tất cả các tôn giáo đều đến cùng nguồn gốc! Hơn nữa, tình thương vô biên của Thanh Hải Vô Thượng Sư đã làm cho tôi vô cùng cảm động. Từ đó, tôi bắt đầu tu hành, và giờ đây, 14 năm đã trôi qua".

Ðối với một nhà giáo vốn xem giáo dục là lý tưởng suốt đời, giáo sư Dương có một sự hiểu biết và lòng ngưỡng mộ đặc biệt sâu xa trước sự cống hiến vô ngã và lòng nhân từ cao cả của Thanh Hải Vô Thượng Sư. Bà chia sẻ: "Tôi nhớ có lần Sư Phụ nói rằng kể từ ngày trở thành Minh Sư, Ngài đã không có được ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật nào để nghỉ ngơi cả. Vì đệ tử của Ngài mỗi ngày một đông và nhiều hơn bất cứ những người thầy bình thường khác, nên Ngài phải hoàn toàn hy sinh để đáp ứng nhu cầu của họ. Vì vậy, không những Ngài thuyết pháp cho công chúng, giảng dạy những điều thiết thực để chúng ta hiểu và hấp thụ được bằng trí óc, mà còn dạy dỗ bằng ví dụ và thực hành, ban phát tình thương và quan tâm chăm sóc theo sự đòi hỏi của từng đệ tử. Ðây là điều mà những người thầy khác không thể làm được. Ngài cho chúng ta những lời pháp Cam Lồ đầy trí huệ và săn sóc đệ tử thật tỉ mỉ mà không một vị thầy nào có thể làm! Ngài đối xử với tất cả đệ tử bằng tình thương vô lượng, vô biên. Tất cả giáo lý của Ngài đều tuyệt hảo, cho dù là qua lời khuyến khích hay qua sự hiển lộ về tâm linh. Tinh thần hy sinh vị tha và cống hiến của Sư Phụ thật phi thường"!

"Tôi vẫn còn nhớ có lần, sau buổi thuyết pháp, Sư Phụ đã chân thành nói với thính chúng: ‘Tôi đi đây. Nếu quý vị là Phật tử, hãy tiếp tục là một người Phật tử vui. Nếu quý vị là người đạo Công Giáo thì hãy là một người đạo Công giáo vui’. Khi nghe những lời này, tôi cảm động đến rơi lệ. Tư tưởng khoáng đạt của Sư Phụ thật siêu phàm. Tôi có thể cảm nhận một cách sâu sắc rằng lúc đó Ngài đang thành tâm gia trì cho mỗi người trong chúng tôi và tình thương của Ngài đã khiến tôi vô cùng xúc động".


Trang kế: Tiềm năng khai mở qua sự tu hành và ứng dụng trong công việc hàng ngày