Phật Tánh của chúng ta là vĩ đại và vô hạn. Chúng ta phải phát triển nó, nhận ra nó mỗi ngày, thay vì chỉ hài lòng với một chút khai ngộ rồi thôi. Như vậy chắc chắn là không đủ!

Phật Tánh của chúng ta là vĩ đại và vô hạn

Quý vị phải thiền nhiều hơn! Nếu không, không những quý vị làm việc dở mà tinh thần còn khó chịu. Thiền nhiều, quý vị sẽ nhìn mọi sự một cách vui vẻ, tinh thần nhẹ nhàng, sảng khoái. Có phải vậy không? (Phải!)

Thiền định không phải chỉ xếp bằng ngồi đó. Quý vị cũng phải tập trung với lòng thành, trụ tâm hướng nội, không để ý tới những vấn đề trần tục. Nếu ở được trong trạng thái này hai mươi bốn tiếng mỗi ngày thì từ trường của chúng ta rất là dễ chịu. Chúng ta sẽ nhìn mọi sự một cách vô tư, đầu óc không bị vướng bận nhiều.

Ðừng có nghĩ rằng khai ngộ thôi là đủ. Nhìn Ðức Thích Ca Mâu Ni thì biết. Sau khi khai ngộ, mỗi ngày Ngài vẫn phải tiếp tục tọa thiền để được khai ngộ nhiều hơn nữa. Phật Tánh của chúng ta đâu có giới hạn như vậy. Thành thử quý vị đừng vội quá mừng khi mới trông thấy ngôi sao hay mặt trăng. Ðừng tưởng rằng mỗi ngày mình thấy được ánh sáng bên trong hay thấy được cảnh giới A-di-đà hay cảnh giới thiên đàng là đủ. Phật Tánh của chúng ta là vĩ đại và vô hạn. Chúng ta phải phát triển nó và mỗi ngày phải nhận ra nó, thay vì chỉ hài lòng với một chút khai ngộ rồi thôi. Như vậy chắc chắn là không đủ!

Ra khỏi những chuyện tầm phào và vươn lên thật cao

Có một số người tu hành không đủ, hoặc không ngồi thiền gì cả, nhưng lại than phiền là đời sống không dễ chịu. Khi đời sống không dễ chịu thì phải thiền nhiều hơn! Chỉ có tọa thiền thì đời sống chúng ta mới thoải mái hơn một chút. Nếu không, bầu không khí tệ hại của thế giới sẽ dìm mình xuống. Làm sao chúng ta có thể thấy dễ chịu dưới những hoàn cảnh như vậy được?

Thành thử tốt hơn hết quý vị phải bỏ đi những vấn đề nhỏ nhoi, vớ vẩn. Càng biết ít chuyện đời bao nhiêu thì càng tốt cho quý vị bấy nhiêu. Ðừng để tâm tới mấy chuyện lặt vặt. Quý vị cần phải vượt qua và đi lên. Lúc đó mới có thể thanh tịnh mà tu hành, đạt được quả vị cao, thiền thấy có kết quả rồi mới có động cơ thúc đẩy. Nếu không, cứ lo mấy chuyện nhỏ nhặt suốt ngày sẽ rất khó cho quý vị tập trung thiền. Nếu quý vị cứ ngồi đó mà chống chọi với những tư tưởng lộn xộn, tạp nhạp hiện ra liên tục thì làm sao mà ngồi yên cho được?

Cách hay nhất cho chúng ta là vút lên cao rồi đi lên, vượt ra khỏi tất cả những chuyện tầm phào ở đời này. Bởi vậy mà tôi luôn thay đổi về phương diện này hay phương diện khác, chỉ để cho quý vị học bài học này. Quý vị phải học lẹ lên, đừng có nhốt mình ở trong mấy góc cạnh nhỏ nhoi, vô dụng, vô giá trị của cuộc đời.

Ðừng mắc vào gai nhỏ

Mỗi lần chúng ta tức giận hay phê bình ai, tâm của chúng ta trở nên hẹp lại, và không thể bao dung tất cả. Cũng giống như khi quần áo bị mắc vào một cọng gai nhỏ ở trên cây, quý vị không thể nào được tự do trừ phi gỡ cọng gai đó ra, dù nó nhỏ như thế nào đi nữa. Thành ra, chúng ta không nên bận tâm tới mấy người hàng xóm hay tới Sư Phụ, hay tới những chuyện hay, dở của bất cứ người nào. Chỉ có thế mình mới hết lòng ngồi thiền được. Nếu trong tâm hãy còn một chút rác rến nào, chúng ta sẽ bị mắc vào chỗ đó, sẽ bị cản trở.

Tại sao quý vị tu hành tiến bộ mau như vậy? Bởi vì tôi thay đổi hoài, quý vị không làm sao "bắt kịp" với tôi. (Sư Phụ và mọi người cười) Quý vị không đủ lẹ để mà bị vướng, để mà khen hay bám vào một hình dáng nào đó. Chỉ còn cách là theo giáo lý của tôi mà tu hành, quý vị sẽ được lợi ích và tiến bộ, rồi sẽ cảm thấy hạnh phúc, thích thú và vui sướng. Tôi hành động như thế nào thì đó là vấn đề của tôi, không có quan hệ gì tới quý vị. Ðó là lực lượng Minh Sư, lực lượng trong vũ trụ, không phải tôi, cái người này đang giúp quý vị. Thành ra đừng có để ý tới những gì tôi làm, và nhất là đừng có để ý tới những điều phải quấy của người hàng xóm và của đồng tu. Ðương nhiên, nếu thấy người kia làm việc gì đó sai, quý vị không chịu nổi nữa, thì nói cho họ biết. Nếu họ không nghe, thì bỏ qua. Ðừng có giữ ở trong đầu lâu quá.

Nhiều khi tức giận người nào thì chúng ta thiền không định, phải không? (Phải). Quý vị càng muốn quên bao nhiêu, thì mặt mũi dễ ghét của người đó lại càng hiện ra, (cười), giống như xem ti-vi. Nhưng ti-vi thì dễ tắt, còn bộ mặt của người đó không điều chỉnh được, nó cứ hiện ra ngay mắt huệ của quý vị. Thật chịu không nổi!

Thành thử ráng đừng có để ý vào những khía cạnh tốt xấu của người khác. Hãy để chuyện to thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không. Ráng hết sức mà tha thứ, thông cảm cho người khác. Càng tha thứ, thông cảm, thì càng tốt hơn. Ðừng giận kẻ khác. Khi mình giận lâu, bệnh ung thư có thể phát ra trong thân thể. Tất cả quý vị đã biết rằng tức giận là một thứ cảm xúc tai hại nhất cho cơ thể.

Ðánh tan tức giận sẽ có lợi cho mình và cho người

Khi quý vị giận lên thì phải ráng cố gắng hết sức mà giảm nó xuống; nếu đó chỉ là một sự tức giận nho nhỏ, thì hãy ráng giảm nó xuống thành không còn gì cả. Sau đó cứ cười xuề rồi bỏ qua chuyện ấy. Như vậy thì tốt hơn cho mình. Chúng ta có thể kiềm chế những cảm xúc, không phải là không làm được. Nếu kiềm chế được thì rất tốt cho mình.

Tôi đã thử điều này. Cũng giống như chúng ta điều chỉnh âm thanh to nhỏ, chúng ta cũng có thể điều chỉnh sự tức giận của mình. Cái đó tùy ở mình. Nếu vặn tức giận lên thì suốt ngày hôm đó chúng ta sẽ ở trong trạng thái bực mình, khó chịu, và cũng có hại cho người khác nữa. Nếu vặn tức giận xuống một chút, thì về sau thấy giống như là không có chuyện gì xảy ra. Như vậy tốt cho chúng ta và cũng tốt cho người khác nữa.