Bài viết của nữ đồng tu Shen Su-yun, Ðài Trung, Formosa (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)

Bác Mã là cựu chiến binh Formosa, sống những năm cuối của cuộc đời ở nhà dưỡng lão Nhân Ái. Bác bị cú đột quỵ (tràn máu não) vào lúc 60 tuổi, nên một bên thân thể rất khó cử động và lúc bác nói chuyện thì nước giãi nhiễu ra ngoài miệng. Trong tình trạng ấy, lúc được gặp Sư Phụ và thọ Tâm Ấn, bác biết mình sẽ không còn sống được bao lâu và quyết định nỗ lực tu hành. Quan sát cuộc sống của bác sau khi thọ Tâm Ấn, ta sẽ cảm thấy cảm kích những phép lạ xảy ra do sự thành tâm tu hành Pháp Quán Âm.

Thời kỳ tận lực tu hành

Mỗi ngày những người già cả thường trú tại nhà dưỡng lão Nhân Ái đều theo một thời biểu cố định. Sau bữa ăn tối và thông thường là bắt đầu vào lúc sáu giờ, họ tập trung tại phòng khách của nhà dưỡng lão để xem ti-vi. Tuy nhiên, vào những lúc đó bác Mã lại thích lui về phòng để ngủ, rồi đến khoảng nửa đêm, khi đã hoàn toàn lại sức, bác tọa thiền đến sáu giờ sáng. Sau đó tập thể dục cho thư giãn thân thể và thỉnh thoảng giúp các nhân viên trong đội bảo trì Nhân Ái dọn dẹp chỗ ở. Ăn sáng xong lúc bảy giờ, bác vào phòng chợp mắt một hồi rồi đi ra ngoài dạo chơi hoặc đi xem chợ trong khu vực địa phương. Tiếp đến, sau bữa ăn trưa, bác nghỉ ngơi chút nữa rồi ngồi thiền thêm hai tiếng. Bác ghi xuống rõ ràng những suất thiền của mình và như vậy là mỗi ngày bác ngồi thiền tám tiếng.

Trong thời gian đó, trung tâm Cigu Ðài Nam tổ chức cộng tu mỗi thứ ba và thứ năm. Mỗi lần, đồng tu đều lái xe ghé qua đón bác, và bác không bao giờ lỡ hẹn. Khi có bế quan ở Trung tâm Tây Hồ cũng vậy, bác luôn luôn háo hức tham gia. Gần 6 tháng sau khi tu Pháp Quán Âm, bác Mã Ồ người mà trước đây cử động khó khăn Ồ đã biến thành một con người mới. Nước giãi không còn nhiễu ra nữa và tay chân trở nên nhanh nhẹn hơn, thậm chí đôi mắt u ẩn của bác giờ đây long lanh trong sáng.

Sau khi được Sư Phụ truyền Tâm Ấn, bác Mã luôn luôn chìm đắm trong lạc phúc của thiền định và không bao giờ than thở về những đớn đau thể xác hoặc cần gặp bác sĩ. Chỉ có một lần bác hỏi bác sĩ, đó là lúc một chút nước vàng rỉ ra từ trong kẽ ngón chân, nhưng bác sĩ cho biết đó là độc tố tự nhiên tiết ra từ thân thể, cho nên rất tốt.

Sau khi chuyên tâm tu hành được hai năm, một hôm bác Mã nói: "Sư Phụ chỉ thị cho tôi được thường trú tại Trung tâm Tây Hồ". Vì vậy, sau khi hoàn tất thủ tục giấy tờ và sắp xếp mọi việc đâu vào đấy để rời nhà dưỡng lão, bác đặc biệt đến nhà tôi chào tạm biệt chồng tôi và nhắc nhở tôi tinh tấn tu hành. Khi đi ra, thấy bác để quên cái nón lá, tôi vội vàng chạy ra xe đem trả, nhưng với thái độ vô tư, bác vẫy tay cười: "Giữ đi! Tôi không cần nữa đâu".

Ra đi bình an

Ngày thứ ba sau khi bác Mã dọn đến Tây Hồ, một vị thường trú báo cho nhà dưỡng lão Nhân Ái biết là bác đã qua đời trong lúc ngồi thiền. Sau đó người ta thuật lại rằng khi công tố viên địa phương muốn chụp hình làm bằng chứng về sự qua đời của bác Mã thì hào quang cực kỳ sáng đã phát ra từ thân thể bác làm hư hết cuộn phim.

Ðược bầu bạn với bác Mã và những người già thường trú ở nhà dưỡng lão Nhân Ái, tôi nhận thấy rõ ràng rằng sinh, lão, bệnh, tử là những giai đoạn mà người nào cũng phải trải qua. Tại đây, có những người nằm liệt giường lâu năm vì bệnh tật, sống khổ hơn là chết. Có những người trông có vẻ khỏe về thể xác, nhưng lại buồn bã chán chường, chỉ muốn kết liễu đời mình cho sớm.

Lúc nghiệp quả tới nhà thì ngay cả bác sĩ tài giỏi nhất cũng không thể nào giúp nổi. Gặp được một vị Minh Sư đắc đạo khó vô cùng, hàng tỉ năm qua nhiều kiếp. Pháp môn Quán Âm mà Sư Phụ truyền cho có thể giải thoát chúng ta ra khỏi vòng sanh tử, đưa chúng ta vượt lên mọi khổ đau và trở về hạnh phúc. Sự qua đời an bình của cụ Mã là bằng chứng hùng hồn nhất cho sự thật này mà tôi từng chứng kiến.