Do sư huynh đồng tu Richard Stewart, Los Angeles, California, USA (nguyên văn Anh Ngữ)


Nhà soạn nhạc lừng danh trên thế giới của thế kỷ 19, Frederic Chopin (1810-1849) là một trong những nhạc sĩ với tâm hồn sáng tạo nguyên thủy nhất trong lịch sử âm nhạc. Phong cách âm nhạc của ông không chịu ảnh hưởng của những nhạc sĩ khác và trên thực tế, rất nhiều những tác phẩm của ông, như là những bài nhạc Ba Lan và tình ca, đã tạo nên một thể loại mới riêng biệt. Một nhà phê bình thời nay đã viết: "Trong những kết cấu và hình thái từ những sáng tác của ông, ông thật đơn độc; ý thức của ông về sự cân xứng và cấu trúc âm nhạc dường như xuất hiện từ một nguồn gốc rất đặc thù". Do đó, cảm hứng của Chopin dường như đến trực tiếp từ sự câu thông khai ngộ với Thiên quốc, một "nguồn gốc đặc thù", và không phải đến từ những thí dụ của những nhạc sĩ đi trước hay bạn đồng sự. Quan điểm này đã được một người bạn ông xác nhận, nhà soạn nhạc người Hung Gia lợi Franz Liszt:

Trình tấu âm nhạc đến Ðịa cầu,
Thượng Ðế chấp thuận và gửi đi,
Ðể thêm hoàn mỹ vào tuyệt mỹ,
Sáng tạo mới trổ hoa làm trọn vẹn,
Những sáng tạo cũ và diễn giải,
Mỹ thuật của Ngài qua âm thanh giai điệu

~~ Trích từ Lời Tựa quyển "Cuộc Ðời Chopin" của tác giả Liszt

 

Chopin sinh ra tại thành phố Warsaw trong một gia đình giàu có. Cha ông người Pháp và mẹ là người Ba Lan từ một gia đình vọng tộc. Từ thuở ấu thơ, ông đã yêu thích nhạc dương cầm, và bắt đầu học dương cầm từ năm lên sáu. Ông bắt đầu soạn nhạc khi lên bảy, ngay cả trước khi biết ghi xuống giấy những cảm hứng của mình. Khả năng âm nhạc của ông chẳng bao lâu đã lừng lẫy, được so sánh với những thần đồng âm nhạc như Mozart. Khúc nhạc đầu tiên của ông được ấn hành vào năm 15 tuổi, và vào tuổi 17, Chopin được công nhận là một nhạc sĩ dương cầm hàng đầu của Warsaw và một thiên tài soạn nhạc.

Tuy nhiên, do sự thay đổi về chính trị tại Ba Lan, năm 20 tuổi ông dời sang Ba Lê, là trung tâm của Phong trào Lãng mạn trong nghệ thuật, và trừ một vài chuyến du hành ra nước ngoài, ông sống cuộc đời còn lại tại Pháp quốc. Bản tính hướng về nội tâm, Chopin tránh những buổi trình diễn trước công chúng. Ông chỉ trình diễn trước thân hữu, kiếm sống bằng nghề dạy đàn dương cầm và tiền bán các bản nhạc do ông soạn.

 

 

"Nếu phẩm chất đẹp đẽ nhưng khó nắm bắt này không phải thuộc về con người mà thuộc về Thượng Ðế, thì đây là món quà cao quí nhất của Chopin dành cho chúng ta. Nói tóm lại, Chopin đã đến gần hơn bất cứ nhà soạn nhạc nào trong cách bày tỏ những bản chất thế giới bên trong của âm thanh và thể nghiệm".

 ~~ Một bình gia tân thời phát biểu

 

Chopin soạn nhạc hầu hết cho đàn dương cầm, khiến chiếc đàn dấy lên những tiết tấu mà không soạn giả nào trước đó có thể sáng tác được, và từ đó đã được tặng danh hiệu "Thi nhân của Dương cầm". Hứng cảm thiên tài của ông trong tình tiết và giai điệu đã tạo nên những khúc nhạc tuyệt vời chưa từng có, những tấu khúc dương cầm của ông là những khúc nhạc được trình diễn nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc. Ông là một trong số ít những bậc thầy trong vũ trụ, và danh tiếng của ông chưa bao giờ lu mờ. Hầu hết những khúc nhạc ông soạn đều nằm trong những tiết mục trình diễn, và những soạn phẩm của ông được biết đến trên khắp thế giới. Nhà dương cầm người Mỹ lừng danh của thế kỷ 20 Arthur Rubinstein đã xác nhận: "Khi những nốt nhạc đầu tiên của Chopin trổi lên trong hội trường, khán giả đều tỏ vẻ vui mừng. Trên toàn thế giới, tất cả mọi người đều biết đến nhạc của ông, được khán giả yêu thích và rung động, với những tiết điệu truyền cảm và nghệ thuật khác thường". Không những nhạc của ông thường được nghe trong những buổi hòa nhạc và trên băng dĩa, những khúc nhạc của Chopin còn được dùng cho kịch vũ ba lê nổi tiếng Les Sylphides, và xuất hiện trong vô số phim ảnh như: Nhạc sĩ Dương Cầm (The Pianist), Tỏa Rạng (Shine) và Chương Trình Truman (The Truman Show).

Sức hấp dẫn lớn lao của Chopin chắc chắn phải là khả năng của ông trong cách gợi lại ký ức về Âm nhạc Thiên đàng, những âm thanh của thế giới bên trong, là nguồn cảm hứng sáng tác của nhạc sĩ. Khả năng này cũng tương tự như tài nghệ của một thần tượng lớn của Chopin là nhạc sĩ Johann Sebastian Bach, người tin rằng những khúc nhạc của ông không phải do chính ông sáng tác, mà trổi dậy từ Thượng Ðế để vinh danh Ngài. Những thần đồng âm nhạc này đã vượt lên trên ước vọng chỉ diễn tả những kinh nghiệm con người qua âm nhạc, để cuối cùng đến với Thượng Ðế. Một bình gia phát biểu: "Nếu phẩm chất đẹp đẽ nhưng khó nắm bắt này không phải thuộc về con người mà thuộc về Thượng Ðế, thì đây là món quà cao quí nhất của Chopin dành cho chúng ta. Nói tóm lại, Chopin đã đến gần hơn bất cứ nhà soạn nhạc nào trong cách bày tỏ những bản chất thế giới bên trong của âm thanh và thể nghiệm".

Vì vậy, bản chất bén nhạy, bí ẩn và sự câu thông với âm thanh Thiên giới của Chopin, là cái bí quyết của thiên tài vô tận của ông ở lãnh vực một nhà trình diễn và soạn nhạc. Nhạc sĩ dương cầm danh tiếng của thế kỷ 19, Anton Rubinstein, đã gọi Chopin là "Nhà thơ và sử gia, tâm trí và linh hồn của dương cầm", và nói thêm: "Tôi không biết có phải linh hồn của nhạc cụ thở vào ông hay không, nhưng tất cả những cách diễn đạt đều được tìm thấy trong âm nhạc của ông, và đều được ông hát lên qua nhạc cụ này".

Cách diễn tả rộng lớn của Chopin được trình bày, thí dụ như, trong Nhạc Bản 34, số 2, tựa đề Valse Brillante (Nhạc Ðiệu Valse Rực Rỡ), nói về tinh thần nhân loại một cách mật thiết, phản ảnh nét đẹp của âm nhạc thiên giới - "giáo lý bằng âm điệu du dương của Thiên đàng", dùng theo một từ ngữ của Thanh Hải Vô Thượng Sư. Thật sự, nhiều nhạc sĩ dương cầm và học giả đã diễn tả những bài nhạc Valse của Chopin như là "những vũ điệu của linh hồn" diễn tả sự phản ảnh tâm linh sâu xa - những bài thơ tình âm nhạc gửi đến Thượng Ðế và nhân loại, biểu lộ tâm thức cao thượng của nhạc sĩ, những giây phút tưởng nhớ bên trong và những cảm xúc tình cảm con người mãnh liệt. Le Ménestral (Nhạc Sĩ), một tạp chí trong thời đại của Chopin, đã ghi: "[Ông là] thiên thần của dương cầm, gắn bó với thế giới phàm trần này qua việc sử dụng ngón tay, và được nuôi dưỡng bởi những giấc mơ từ thiên giới. Hãy lắng nghe Chopin trình diễn! Nghe như tiếng thở dài của một bông hoa, tiếng thỏ thẻ của những đám mây, hay tiếng thì thầm của những vì sao".

Do sự quen thuộc sẵn có của ông với những cảnh giới cao đã cho Chopin khả năng soạn nhạc thật tự nhiên và thanh thoát, như người bạn đồng sự của ông, nhà văn Aurore Dudevant (viết dưới bút hiệu George Sand) đã nhận xét thật hùng hồn rằng: "Những sáng tác của ông thật tự nhiên và tuyệt diệu. Ông soạn mà không phải tìm kiếm, không tính trước. Những sáng tác này đến trên đàn dương cầm của ông thật đột nhiên, thật hoàn hảo, thật siêu phàm, hoặc là hát trong đầu ông trong buổi dạo chơi, và ông vội vàng nghe lại bằng cách ném lên nhạc cụ của ông". Lời bình này làm nhớ đến lời diễn tả của Thanh Hải Vô Thượng Sư về cách Ngài sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật của Ngài một cách mau lẹ và tự nhiên từ cảm hứng bên trong: "Cảm hứng của tôi đến từ bên trong tâm trí! Ðôi khi những màu sắc và hình ảnh đến trước khi tôi kịp vẽ chúng. Vì vậy tôi phải thực hiện thật nhanh trước khi quên mất. Ðôi khi tôi rất có hứng khởi. Trong một ngày, tôi có thể tạo nên mười hay hai mươi kiểu mẫu khác nhau, hoặc là trong một đêm có thể là ba mươi kiểu y phục".

Chopin cũng sở hữu tánh khiêm nhường, sự buông bỏ và tính giản dị của một chúng sinh khai ngộ. Thí dụ như, khi nhà soạn nhạc nổi danh người Ðức Robert Schumann hồi âm cho Chopin về một tác phẩm đầu tay của ông, Những giai điệu của Nhạc bản 2 cho dương cầm (Opus 2 Variations for Piano), bằng một câu trả lời bất hủ đã đi vào lịch sử âm nhạc: "Xin ngả nón chào ngài, một thần đồng!" Chopin phản ứng rất khiêm nhường, không thích sự kích động của quần chúng đã nhanh chóng đưa ông lên đài danh vọng quốc tế. Những trích đoạn sau đây từ những lá thư của ông cũng cho thấy thái độ không vương vấn và bản tính giản dị của ông: "Tôi là một người cách mạng, tiền bạc chẳng có nghĩa gì đối với tôi" và "Sự giản dị là mục tiêu tối thượng, có thể đạt được khi chúng ta đã vượt qua tất cả những khó khăn". Như Thanh Hải Vô Thượng Sư đã nói: "Chúng ta phải trở thành trẻ thơ mới vào được Thiên Quốc của Thượng Ðế. Chúng ta không nên quá phức tạp, không nên quá chú tâm vào tất cả mọi thứ. Thậm chí khi đã trưởng thành, chúng ta nên giữ trái tim như trẻ thơ". Qua sự quan sát cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông, đã cho thấy Chopin rõ rệt đã sống với lý tưởng này.

Theo lời một nhân chứng, linh mục Abbé Jelowicki, khi Chopin sắp qua đời vào tuổi 39 do bệnh lao, ông có vẻ như thật sự hạnh phúc, và kể lại sự mãn túc của ông với những người chung quanh. Vào thời điểm này, ông chỉ bày tỏ sự vui sướng cực độ, lòng yêu mến Thượng Ðế, sự buông bỏ thế giới, và niềm ước vọng được nhanh chóng rời khỏi thân thể vật chất. Ông kêu danh hiệu Giê-Su, Maria và Joseph, hôn chiếc thánh giá ông đang đeo và đặt lên trái tim, khóc rằng: "Tôi hiện đang ở cội nguồn của ân sủng", như là nhận biết được rằng mình đang bước vào vùng ánh sáng Thiên đàng. Như Thanh Hải Vô Thượng Sư có nói, khi khai ngộ chúng ta "vượt qua giới hạn của sự chết và sống vĩnh cửu. Một khi linh hồn yếu đuối và sợ sệt của chúng ta vượt lên khỏi nỗi sợ hãi về cái chết và hiểu được, chúng ta sẽ vĩnh viễn tồn tại". Có lẽ tại thời điểm này, Chopin đã thật sự đạt đến trạng thái mà ông ghi trong một bức thư: "Sự giản dị là mục tiêu tối thượng, sẽ đạt được khi chúng ta vượt qua tất cả mọi khó khăn".