Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị, Florida, Hoa Kỳ, ngày 4-5 tháng 10, 1998 (nguyên văn tiếng Anh) băng thâu hình 638

Có một ông thầy kia đi sang Ấn Ðộ. Thời đó chưa có hệ thống thông tin, máy bay hoặc là những phương cách di chuyển như chúng ta có bây giờ. Cho nên ông thầy đi bộ qua Ấn Ðộ. Ông ta chưa sang Ấn bao giờ, có lẽ ông là người Ba Tư. Khi tới đó ông thấy rất nhiều trái cây. Ở Ấn, họ bán rất nhiều hoa quả, nhưng đa số là đắt tiền vì nước hiếm hoi không trồng trọt được nhiều. Rồi ông trông thấy một cái rổ, một cái rổ rất lớn có một ít quả dài đỏ chói. Cái đó rẻ nhất trong tiệm, không đắt gì cả.

Thế là ông tiến tới hỏi: "Bao nhiêu tiền một ký lô?" Người bán hàng trả lời: "Hai rupee." Hai đồng rupee bên Ấn Ðộ không thấm thía gì cả, rẻ mạt. Rồi ông mua nguyên một ký, xong ông bắt đầu ăn. Nhưng vừa ăn một chút xíu: Chúa ơi! Nước mắt chảy, nước miếng chảy, nóng bỏng, mắt cũng cay, đầu nóng bừng bừng, mặt đỏ như gấc. Ông ta vừa ho, vừa sặc, vừa thở hổn hển, nhảy tưng tưng, la: "Á, á, á!"

Vậy mà ông vẫn tiếp tục ăn! Có vài người đứng đó trông thấy lắc đầu nói: "Ông ơi, sao ông điên vậy. Mấy trái đó là ớt, đâu có ăn nhiều được; không tốt cho ông đâu! Người ta dùng nó làm gia vị, và chỉ cho vào đồ ăn một chút xíu cho có vị thôi. Ông ăn cả nắm như vậy không được đâu; cái đó đâu phải trái cây!" Ông thầy ngu dốt kia nói: "Không được, tôi không được ngừng. Ðã trả tiền rồi thì bây giờ phải ăn thôi. Ðó là tiền của tôi!"

Quý vị thấy ông thầy đó có ngu không? Cũng vậy, đôi khi chúng ta cũng làm nhiều điều giống như vậy. Chúng ta bỏ ra thời giờ, tiền bạc, công lao vào một mối quan hệ nào đó, nghề nghiệp hay công việc làm ăn gì đó. Mặc dù đã từ lâu, những kinh nghiệm đắng cay cho thấy nó không hiệu quả, và mình biết không có hy vọng gì chuyện này sẽ thay đổi trong tương lai -- trực giác chúng ta biết chắc chắn là như vậy -- mà chúng ta vẫn cứ tiếp tục vì đã mất công bỏ tiền bạc, thời giờ, sức lực và tình thương vào trong đó. Nếu là vậy thì đầu óc chúng ta bị hư rồi. Cũng giống như người ăn ớt kia, đau khổ như vậy mà vẫn không ngừng được vì không muốn phí tiền.

Thành ra, cho dù quý vị có mất mát một cái gì đó thì cũng bỏ đi, đừng luyến tiếc. Như vậy tốt hơn là cứ tiếp tục mất nữa; điều này quý vị phải biết. Ðừng nói là: "Sư Phụ bảo phải chịu đựng, thương vô điều kiện", rồi để cho ông chồng lúc nào muốn đá đít mình thì đá hoặc để cho bà vợ tiếp tục hành hạ mình. Như vậy là không tốt! Tôi không ủng hộ chuyện đó; tôi đã nói nhiều lần rồi.

Trong một câu truyện khác về ông thầy tu và con rắn, ông thầy dạy con rắn không được dùng bạo lực. Thế là con rắn để cho mọi người đánh đập, liệng đá vào mình mẩy, quay tròn nó, v.v... Ông thầy nói với con rắn rằng: "Ta bảo ngươi đừng cắn, nhưng ta đâu có bảo ngươi đừng có khè đâu," có nghĩa là nó nên dọa cho người ta sợ mà chạy; chúng ta phải làm như thế, phải bảo vệ chính mình bằng bất cứ cách nào mà mình có thể làm được.