The Way to Eternal Wealth and Prosperity

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị, Tây Hồ, Formosa, ngày 10 tháng 5, 1992

(nguyên văn tiếng Trung Hoa)
Băng thâu hình số 245B 

Qua sự tu hành chúng ta có thể khai thác trí huệ của mình, rồi sau đó làm việc gì cũng suông sẻ. Bởi vậy tôi mới nói rằng "người tu hành là những người giúp cho thế giới này nhiều nhất". Chúng ta khó mà giúp đỡ thế giới nếu mình không có tài, trí huệ hay không có đạo đức, dù mình muốn cách mấy đi nữa.

Như tôi đã nói, nếu người dân hay chính phủ của một quốc gia mà không có đạo đức thì cho dù họ có dự án kinh tế hay nhất, có kỹ thuật khoa học văn minh nhất, nền hưng thịnh ở quốc gia đó cũng sẽ không tồn tại. Cứ xem nhiều quốc gia hùng mạnh trên thế giới bị suy đồi thì quý vị biết những gì tôi nói là đúng. Trái lại, có những quốc gia nhỏ bé, nghèo nàn, thiếu hụt về nguồn lợi tài chánh thì họ lại phát triển đều đều, mau chóng. Bởi vì những nước này có đạo đức cao, biết tôn trọng tín ngưỡng, nhân quyền và phẩm giá con người.

Lấy ví dụ như nước Tân Gia Ba, một quốc gia có diện tích rất nhỏ, rất ít nguồn lợi về tài chánh, sao lại có thể phát triển hùng mạnh tới nỗi thế giới phải khâm phục? Ðó là vì chính phủ Tân Gia Ba tôn trọng người dân. Chính quyền thật sự làm việc vì dân, chứ không phải vì quyền hành cho riêng họ hay vì muốn bảo đảm địa vị của họ. Trong những quốc gia như vậy, tất cả tôn giáo đều được tôn trọng. Chính phủ rất quý chuộng người tu hành. Khi tôi đi đến đó thuyết pháp, quý vị đều biết họ quý trọng, thương yêu, cảm phục tôi như thế nào, vì họ biết những gì tôi nói là đúng. Trong nước đó không có sự phân biệt tôn giáo. Quý vị tin tưởng cái gì, theo tôn giáo nào cũng được, miễn sao quý vị khai ngộ, nói chuyện hợp tình, hợp lý, làm một người thật sự đức độ, là họ theo học.

Cho nên chúng ta không thể nào mà không tu hành, bởi vì bất luận làm nghề gì, dù đó là chính trị, nghệ thuật hay kinh tế, chúng ta cũng vẫn phải khai triển trí huệ của mình tới mức tối đa để có thể tiến tới sự hoàn mỹ trong nghề nghiệp và phục vụ cho thế giới.

Người tu hành là công dân tốt nhất của tinh cầu

Khi tôi dạy quý vị cách thức tu và hướng dẫn quý vị một cách nghiêm khắc, không phải tôi chỉ nhìn vào những khuyết điểm của quý vị mà quên đi ưu điểm. Nhưng vì những ưu điểm này đã có sẵn từ lúc đầu rồi, nên không cần gì phải nói. Chúng ta đáng lý ra là phải có những phẩm tính này rồi, vốn là như vậy, thì khen làm chi cho mất công? Chúng ta cần phải sửa đổi bởi vì chúng ta còn khuyết điểm. Khuyết điểm của mình làm cho mình thụt lùi, ngăn cách mình với người khác, nhiều khi còn cản trở không cho mình phát triển lòng từ bi. Vì vậy chúng ta phải chặt đi những khuyết điểm này. Không cần phải thay đổi nghề nghiệp, địa vị xã hội hay là sự giàu có của mình, mà chỉ cần sửa đổi khuyết điểm của mình thôi, rồi thì chúng ta làm việc mới giỏi hơn, sẽ giàu có hơn, và phát triển tài năng của mình hơn.

Ðồng tu chúng ta chỉ cần tập trung vào công việc cải huấn chính mình về phương diện tâm linh, thì tài năng sẽ tiếp tục tiến bộ. Chúng ta không hận đời hay chạy trốn cuộc đời, mà chúng ta tu hành để hoàn toàn phát triển tài năng, trí huệ và đạo đức của mình. Trong việc chỉ dạy quý vị tu hành, tôi đâu có bao giờ bảo tất cả quý vị phải xuất gia hay lên Hy Mã Lạp Sơn. Quý vị vẫn ở nhà tu hành, vừa chăm sóc cho gia đình vừa phát triển quốc gia. Ðây là mục đích duy nhất của một người tu hành. Tu hành có ích gì nếu chúng ta tách rời mình với đại chúng? Công đức tu hành để làm gì ngoài việc phụng sự cho đại chúng?

Thành ra, người tu hành đúng là những công dân tốt, những công dân thật sự tốt của thế giới. Dù làm tổng thống hay tài xế tắc xi, người tu hành luôn luôn cảm thấy tâm hồn hòa bình, thanh tịnh trong bất cứ công việc gì mà họ làm. Họ rất trong sạch, thanh liêm, rất vui vẻ và thân thiện. Ai gặp cũng thích, rồi hỏi sao họ lại trở thành như vậy và có bí quyết gì không. Ðây là dịp cho chúng ta truyền bá tin lành. Nếu mỗi đồng tu chia sẻ pháp môn Quán Âm mỗi tháng hai người, hay cho họ biết về lợi ích tu hành của chúng ta thì toàn thể giới sẽ được độ trong một ngày rất gần! Nếu họ không tu pháp Quán Âm cũng không sao; ít ra mình cũng cho họ biết về khía cạnh đạo đức, nhắc nhở họ tới bổn phận làm người, tới thời đại Hoàng Kim và tâm hồn đơn thuần, đạo đức, sáng ngời mà mình có trước khi mình xuống dưới thế giới này..

Muốn thuyết phục người nào tu hành, dùng lời nói không chưa đủ. Chính mình cũng phải tu hành đàng hoàng trước, rồi lời nói của mình mới có lực lượng. Hơn nữa, một khi họ tin rồi, chúng ta cũng vẫn phải tiếp tục giúp họ, vì có thể họ sợ ăn chay trường, hay sợ ngồi thiền. Cho nên chúng ta vẫn phải chăm sóc cho họ trong từng bước họ đi. Không phải bạ đâu nói đấy, rồi bỏ mặc họ để họ không biết phải làm sao. Ðó không phải là cách. Chúng ta nên nhớ hoàn cảnh khó khăn của mình hay của đồng tu khi mới bắt đầu tu. Nhiều khi bị người nhà hay bị người đời hiểu lầm. Chúng ta phải để ý tới những vấn đề như vậy. Giúp người nào thì phải giúp cho trọn. Mục đích đây không phải là kiếm thêm người tu mà là thanh tịnh hóa thế giới này.

Phát triển năng khiếu vô hạn của mình

Tu pháp Quán Âm từ trước tới giờ quý vị đã gặt hái được rất nhiều lợi ích, thấy có rất nhiều thay đổi trong hành động của quý vị, trong lời nói, tư tưởng và trong gia đình quý vị. Vậy thì đương nhiên quý vị cũng nên giúp người khác đạt được cùng những lợi ích đó, cho họ trở thành những người tốt hơn, thông minh hơn, có khả năng hơn. Sau khi khởi sự con đường tu học, chúng ta có thể phát triển tất cả tài năng của mình một trăm phần trăm. Cho nên, trở thành bác sĩ hay một tay thợ xây cất tài giỏi thôi chưa đủ; chúng ta còn phải phát triển những tài năng khác nữa. Những tài năng, trí huệ này chúng ta chỉ có thể khai thác sau khi tu pháp Quán Âm. Ðây là kinh nghiệm bản thân của tôi.

Chúng ta không cần nhiều thứ từ thế giới này, nhưng lại có khả năng đóng góp rất nhiều cho thế giới. Do đó dường như chúng ta là những người rất giàu có, mà thật như vậy, chúng ta thật sự giàu có. Chúng ta không thiếu gì cả bởi vì chúng ta tu pháp Quán Âm! Cho nên ở đời này mình không cần phải giàu sang hay có quyền hành để mà được một đời sống tốt, phát đạt, nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, chúng ta nên có đạo đức, có trí huệ thì cái gì mình muốn cũng được cả.

Bởi vậy Thánh kinh mới nói rằng: "Trước hết hãy tìm Thiên Quốc trong con và những điều thiện lành, rồi tất cả những thứ này các con sẽ được". (Matt 6:33) Thiên Quốc trong con là gì? Ðó là lực lượng vĩ đại nhất, tiềm năng bên trong mà Thượng Ðế đã ban cho chúng ta. Vì Cha chúng ta là tối cao, nếu là con cái của Ngài thì chúng ta cũng phải giống như Ngài chứ. Ngay cả cho dù không tin rằng mình tối cao giống như Thượng Ðế thì tối thiểu cũng phải gần gần giống như vậy! ít nhất cũng phải hai phần ba! Thượng Ðế là tối cao; Ngài chiếu rọi khắp cùng vũ trụ, thì ít ra chúng ta cũng phải có hai phần ba lực lượng này và soi sáng hai phần ba vũ trụ!

Vậy có nghĩa là chúng ta rất mạnh. Tuy nhiên, trong lúc mải mê, chúng ta bận rộn với những vai trò không quan trọng, vùng vẫy trong cảnh đời vật chất mà quên đi khả năng vĩ đại nhất của mình. Thiên Quốc ở trong ta; Phật tánh ở trong mỗi chúng sanh. Ðại Minh Sư nào cũng nói như vậy mà người phàm không hiểu, rồi ngày nào cũng tụng kinh mà họ không hiểu ý nghĩa gì cả. Chỉ có chúng ta những người tu pháp Quán Âm mới hiểu được vì mình đã tìm ra Thiên Quốc rồi. Chúng ta biết Thượng Ðế là ai, Phật tánh ở đâu, và có thể áp dụng Nó vào đời sống hàng ngày. Dù quả vị mỗi đồng tu mỗi khác và mức độ khai ngộ có thể không giống nhau, nhưng tất cả đều đã bước vào Thiên Quốc.

Hòa việc tu hành vào đời sống hàng ngày

Những thiền sư ngày xưa không dạy học trò làm sao ngồi thiền khi những người này mới đến học với họ. Ðọc chuyện của họ, chúng ta đâu có nghe tới việc đệ tử ngồi thiền mỗi ngày. Ða số chỉ thấy nói họ giã gạo, bửa củi, nấu cơm, có thể là họ đánh chuông hay lau nhà! Ở đây cũng vậy. Nhiều khi tôi cũng chỉ thị những đệ tử xuất gia làm rất nhiều việc vượt ngoài cái gọi là khả năng của họ. Nhưng như vậy tốt, huấn luyện mà! Nếu tôi bảo quý vị ngày nào cũng làm cùng một việc thì nó sẽ cột quý vị ở trong một cái góc đó hoài, quý vị sẽ không có cơ hội để mà nhận ra những tài năng khác của mình. Quý vị sẽ không có cơ hội để nhận thức coi trí huệ của mình đã khai triển tới mức nào. Chúng ta có khả năng vượt ngoài sức tưởng tượng của mình, nhưng lại không có dịp xài cho nên không biết rằng mình có. Thành ra, quý vị đồng tu đừng sợ khó khăn cực khổ, đừng sợ làm việc, đừng sợ những công tác mới. Cứ thử đi, cái gì quý vị cũng làm được vì cái gì "tôi" cũng làm được. (Vỗ tay)

Tôi có rất nhiều đệ tử. Ðương nhiên, những người được truyền Tâm Ấn đều là đệ tử thân cận nhất của tôi. Bằng không thì tôi cũng có vô số tín đồ hữu hình cũng như vô hình, không đếm hết được! Dĩ nhiên giữa đệ tử và tín đồ có sự khác biệt. Ðệ tử là những người theo tôi học. Tôi dạy họ cách tu hành bằng cách chỉ dẫn riêng cho từng cá nhân một để họ có thể dạy người khác và được lợi ích cho năm, sáu, bảy, tám, một trăm đời trong gia đình họ. Tín đồ là những người tin vào khả năng, lực lượng của vị Minh Sư, những người cầu giải thoát cho chính mình, "một người" mà thôi. Cái này gọi là "Tiểu thừa". Nhưng quý vị đệ tử thọ pháp rồi là đệ tử "Ðại thừa" của tôi.*

Mặc dầu tôi có nhiều đệ tử, có thể được bất cứ điều gì tôi muốn, và tin rằng không có một cái gì mà quý vị không cho tôi, nhưng tôi vẫn làm việc để trang trải những cần thiết về tài chánh của chính mình. Sao tôi phải vẽ tranh, làm thủ công, ngay cả trét hồ cũng tự mình làm lấy? Vì tôi muốn quý vị noi gương, cho quý vị thấy rằng một người khai ngộ có khả năng làm gì cũng được. Tôi cũng muốn quý vị biết rằng những người tu hành như chúng ta không phải là những kẻ ăn bám thế giới này.

Chúng ta đã trưởng thành, đã trở nên hiểu biết, nếu vẫn không săn sóc cho bản thân mình được thì làm sao săn sóc cho thế giới? Nếu những người tu hành hay gọi là khai ngộ như chúng ta phải nhờ vả người khác làm đủ mọi thứ cho mình, tự mình không biết làm gì cả, chậm chạp, biếng nhác, lệ thuộc vào kẻ khác, người ở hay đồng tu về mọi thứ, thì chúng ta là thứ Minh Sư khai ngộ gì? Cho nên không phải là tôi muốn khoe khoang tài nghệ của tôi; không bao giờ tôi có những tài năng này. Tôi chỉ làm những việc nào cần phải làm, rồi mới phát hiện ra là mình có những tài năng này. Cũng như quý vị, tôi không đoán trước tương lai, tôi chỉ phản ứng tự nhiên trong mỗi hoàn cảnh xảy đến và giải quyết tùy theo tình trạng. Cho nên chớ có sợ bất kỳ diễn biến gì xảy ra trong cuộc đời quý vị. Khi kinh nghiệm nào tới thì bình tĩnh trước đã rồi quý vị sẽ biết phải đối phó ra làm sao!


Giải trừ thiên tai và nhân họa bằng con đường tình thương

Ðương nhiên có những việc chúng ta không thể giải quyết được vì nó có liên quan tới số đông trên thế giới. Cộng nghiệp và những guồng máy phức tạp của người đời, chính quyền của họ, những định kiến, phong tục tập quán và thói quen của họ không giống như chúng ta. Ðể tránh đụng chạm phiền phức, chúng ta cố gắng hết sức mình nhưng không dính dáng quá nhiều vào những chuyện chạm trán với thế giới. Cho nên nhiều khi thấy giống như là chúng ta không có khả năng đối phó ở một vài khía cạnh nào đó vì nó có liên hệ tới việc trần tục. Nếu vấn đề đó chỉ liên quan tới chúng ta hay đồng tu của chúng ta thì có thể giải quyết được liền. Giữa chúng ta, Sư Phụ và đệ tử, và giữa các đồng tu với nhau, không bao giờ có gì mà không thể giải quyết được. Có phải vậy không? (Thưa phải!) Chúng ta thật sự là đồng một thể vì chúng ta tu pháp Quán Âm.

Chúng ta biết những điều này thành thử chúng ta rất là sung sướng. Bây giờ, mỗi lần chia sẻ tin lành cho người nào thì chúng ta làm hết sức mình. Tuy nhiên đừng có ép buộc người ta. Chỉ cần cho họ biết là có một sự chọn lựa như vậy đó, rồi để họ quyết định. Nếu họ chọn con đường khác cũng không sao. Chúng ta thương yêu toàn thế giới kể cả những người đồng tu, không phải đồng tu, người tin, người không tin, bạn, thù, kẻ thù của kẻ thù, bạn của kẻ thù, kẻ thù của bạn, v.v... Người nào mình cũng thương. (Vỗ tay nhiệt liệt) Vì người đời hay phân biệt cho nên họ vật vã khổ sở, giết hại lẫn nhau, làm cho tinh cầu đẹp đẽ mầu mỡ bị thoái hóa trở thành một tinh cầu nghèo nàn, yếu đuối, suy đồi, đau khổ. Bởi vậy chúng ta mới thua sút những tinh cầu khác. Những người tu hành pháp Quán Âm như chúng ta nên trải rộng tình thương không phân biệt đến toàn thế giới. Chỉ có con đường tình thương này mới có thể giải tỏa được tất cả thiên tai, chiến tranh, và biến thù thành bạn. (Vỗ tay)

Chúng ta nên hành động với tấm lòng thành, công bình, không thiên vị và không phân biệt. Người đời sẽ nhìn thấy mà theo học với chúng ta. Khi hành động như vậy, thế giới sẽ càng ngày càng hòa bình. Hãy nhớ rằng: Những người tu pháp Quán Âm phải có trí huệ và ảnh hưởng toàn thế giới thay vì bị số đông vô minh làm ảnh hưởng!

* Tiểu thừa và Ðại thừa là hai nhánh chính trong Phật giáo. Ở đây có nghĩa là "lợi ích nhỏ" và "lợi ích lớn".