Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị
ngày 12-18 tháng 8, 1988
(nguyên văn tiếng Trung Hoa) - MP3-1
Ðầu óc - Những thói quen tích trữ từ nhiều kiếp


Lúc nào quý vị cũng bị đầu óc mình điều khiển, lúc nào cũng nghe theo nó, nó bảo làm gì thì làm liền như vậy. Do đó mà kiếp này sang kiếp khác quý vị không sao đứng lên nổi, không thể thành thánh nhân hay thành chủ nhân ông của chính mình. Mỗi người trong chúng ta đều có vị Chủ nhân ở bên trong. Vị Chủ nhân đó là trí huệ, nhưng chúng ta lại không nhận ra, vì không dùng nhiều cho nên lúc nào cũng bị đầu óc mình gạt gẫm. Thật ra đầu óc chỉ là một công cụ, nó không biết phân biệt tốt xấu như thế nào mà chỉ phản ứng từ thói quen.

Giả sử quý vị từ nhỏ đã thích ăn cơm. Ðầu óc biết như vậy và nó nói rằng: "À, ta đã ăn cơm mỗi ngày từ hồi nào tới giờ, nên lúc nào cũng phải ăn cơm". Nó nghĩ như vậy, nên về sau nếu được qua Mỹ quý vị ngày nào cũng chỉ có bánh mì, không dễ có cơm ăn, nên quý vị cảm thấy khó chịu. Nhưng cái này không phải là phản ứng của Chân Ngã, mà là đầu óc nói với quý vị: "Ngày nào cũng ăn bánh mì, thật chán, hôm nay ta phải có cơm mới được!" Ða số người Trung Hoa đi đâu xa là phải có cơm ngày ba bữa, vì dùng bánh mì, khoai tây thường nhật họ không chịu nổi. Người Mỹ cũng như chúng ta, họ cũng có mắt, tai, mũi, lưỡi, tuy nhiên ăn bánh mì, khoai tây mỗi ngày chẳng thành vấn đề đối với họ. Nhưng nếu quý vị bảo họ ăn cơm thường nhật, họ cũng không chịu nổi. Thành ra chúng ta biết đó chỉ là vấn đề của đầu óc, của tập quán mà thôi.

Ðầu óc là gì? Ðầu óc không là gì cả ngoại trừ một thứ công cụ tương tự như máy thâu băng. Mình thâu gì vào thì khi bấm nút nó sẽ phát ra y như vậy. Cho nên tuyệt đối đừng nghe lời dụng cụ này. Ðối với những người bị thói quen điều khiển thì đời sống của họ rất là nhàm chán vì cả ngày chỉ làm những công chuyện thường nhật. Những khuôn mẫu thói quen này tích trữ trong đầu óc, vậy mà chúng ta lầm lẫn chúng và đầu óc với chính mình, khiến chúng ta không có cách nào nhận ra được con người thật của mình.

Cho dù chúng ta là người Mỹ, người Trung Hoa, người Pháp hay bất cứ người nước nào, Tự Tánh của chúng ta đều giống như nhau. Bản Tánh nguyên thủy hiện hữu trước khi mình bắt đầu tập ăn cơm hay ăn khoai hay tập uống bia; đó là con người thật hay Chân Ngã của chúng ta. Sau này mình đổi thành người khác sau khi theo những thói quen tập quán hành động thường nhật của mình, rồi tin mình là người thích ăn cơm hay ăn khoai, hay uống bia, nhưng thật ra đó không phải là mình. Người này được tạo ra dưới ảnh hưởng của lề lối, phong tục, bởi những ham muốn ở đời, bởi những nhu cầu về thể xác; nó không phải là Chân Ngã.

Người tu hành đều được khuyên là tốt nhất hãy nghe lời Sư Phụ bên trong thay vì nghe lời thói quen, đầu óc của mình. Càng nghe đầu óc mình bao nhiêu thì chúng ta càng bị nó mê muội, không sao thoát ra được. Nếu không cẩn thận thì cả đời mình sẽ rất là nhàm chán, không khác chi cục đá. Mỗi ngày đều sống như vậy, nghĩ như vậy, cùng những tục lệ đó, hành động đó, không có chút trí huệ nào cả.

Muốn có trí huệ cao thì chúng ta phải đem ra ứng dụng một cách thực tiễn. Thí dụ như nếu chúng ta không xài tiền mình có thì tiền đó có ích gì không? Có thể là chúng ta có rất nhiều tiền, nhưng nếu cứ để dành hết trong nhà băng hay cất vào một xó, trong khi ngày nào cũng đi làm cực khổ, chỉ xài tiền mình kiếm được rồi để tất cả tiền bạc còn lại trong nhà băng hay một góc thì nó trở thành vô dụng, và một ngày nào đó nó sẽ mục nát thôi!

Cùng một lý luận này, nếu chúng ta không mau mau nhận thức ra được Tự Tánh độc lập của mình và biết rằng nó hoàn toàn tự do, không lệ thuộc vào bất cứ một thứ gì, thì chúng ta sẽ rơi vào sự điều khiển của thói quen. Rồi chúng ta sẽ bỏ sức lực, sự chú ý của mình vào những mẫu hành vi đã hình thành từ lâu đời. Sự chú ý đó mang một lực lượng mạnh mẽ, rồi một khi đã hòa với nhiều mẫu hình này, nó sẽ đóng thành khuôn. Thí dụ, cái khuôn này thích ăn cơm, thích đàn bà, rượu, thuốc lá. Tất cả những khuynh hướng này sẽ hợp lại với nhau thành một họa đồ nào đó, rồi kỳ sau đầu thai lại chúng ta sẽ hành động gần giống y như vậy, cộng thêm những cử chỉ hành vi mới khác.

Giả như một người có đường lối hành động như thế nào đó trong kiếp trước cũng như trong kiếp này; mặc dầu họ ra đời ở một nơi khác, nhưng họ vẫn giữ lối sống kiếp trước, lại phát huy thêm nhiều cái mới nữa, khiến cho tình trạng càng thêm rắc rối. Cho nên có những lúc chúng ta không biết mình là con người như thế nào. Hôm nay vui nhưng ngày mai lại không vui, hôm nay thấy khá nhưng ngày mai lại thấy tệ, hôm nay nói như người Á Ðông, ngày mai lại nói như người Tây Phương; không thể làm một người độc lập hay làm chủ được chính mình; không thể quyết định cho mình được, tất cả chỉ vì mình bị điều khiển bởi thói quen hành động. Ðầu óc chẳng qua chỉ là sưu tập của những khuôn mẫu này; thành ra muốn sửa mình, trước hết chúng ta cần phải thay đổi lề lối hành động theo truyền thống của mình.

Thật ra, cá nhân vốn không hiện hữu. Chúng ta từ cùng một lực lượng mà ra, lực này dùng một số những công cụ nào đó để thể nghiệm và học hỏi. Nhưng chúng ta lại tưởng những bài học này là mình rồi đóng khuôn năng lực vĩ đại của mình lại, do đó tự mình đã giới hạn chính mình rồi để con người thật của mình chịu sự cai quản, khống trị của mẫu mực thói quen, ra lệnh cho lực lượng vạn năng của mình lúc nào ăn cơm, lúc nào hút thuốc. Lực lượng này đâu cần làm mấy chuyện đó, nhưng nó làm vì đang bị đầu óc mình điều khiển.

...... trang kế