Solving Life's Problems and Finding True Happiness

Ðôi khi chúng ta có quá nhiều sự chọn lựa cho nên chúng ta không cố gắng. Khi có nhiều sự chọn lựa hoặc nghĩ rằng mình có thể chọn những cái khác thì chúng ta so sánh. Chúng ta so sánh với quá khứ, so sánh với một mô hình ảo tưởng của tương lai rồi chúng ta làm cho hiện tại trở thành đau khổ. Nếu cứ tiếp tục như vậy hoài thì chúng ta không bao giờ vui hưởng cuộc sống. Cho nên hãy luôn luôn nhớ rằng, nếu không có cái mình thích thì nên thích cái gì mình có. Ðó là cách giúp cho chúng ta tìm hạnh phúc ở đời.

Ngoài việc làm một người tu hành, chúng ta cũng phải nên hài lòng, tự tại trong tất cả mọi hoàn cảnh. Chúng ta cũng nên huấn luyện đầu óc của mình, bảo mình phải tự điều khiển chính mình, bởi vì chỉ chúng ta mới có thể làm chủ được chính mình mà thôi. Tất cả những gì tôi dạy quý vị đều là những điều tôi đã học từ sai lầm của bản thân tôi. Nhờ vậy mà tôi trở thành Minh Sư: Sai lầm là mẹ của Minh Sư.

Làm sai bao nhiêu cũng được, không sao cả; đều tha thứ được, nhưng phải học hỏi từ những sai lầm đó và đừng có lập lại nữa. Ðó tức là trí huệ, và đó là cách để quý vị học hỏi. Trên thực tế, không ai có thể dạy được chúng ta ngoại trừ chính chúng ta. Chúng ta phải tự học qua kinh nghiệm bản thân, bằng cách luôn luôn khôn ngoan coi chừng, cảnh giác. Mỗi một tình trạng, mỗi một hoàn cảnh có đó là để cho chúng ta học hỏi. Thượng Ðế đâu muốn quý vị khổ một cách vô ích, trừ phi quý vị muốn học một bài học khó hơn.

Hôm qua, có người hỏi tôi rằng có phải khổ là rửa nghiệp không. Ðúng vậy, nó rửa nghiệp. Nhưng nếu chúng ta thiền tốt và nếu chúng ta học hỏi từ những kinh nghiệm bản thân thì chúng ta không phải khổ. Chúng ta chỉ chịu khổ khi nào Thượng Ðế cần dạy chúng ta một bài học, một lần, hai lần hay ba lần, mà nếu cứ lập lại cùng lỗi lầm đó hoài thì đương nhiên chúng ta phải khổ.

Cho nên, hãy quên tương lai, quên quá khứ, học hỏi từ quá khứ nhưng đừng bám vào đó. Như vậy quý vị sẽ hạnh phúc. Mỗi một tình trạng khổ đau đều là do mình tạo ra hay do những người chung quanh mình tạo ra, vì đa số người nào cũng bám vào quá khứ mà quên đi hiện tại. Họ quên sống. Chúng ta phải sống từng giây từng phút! Mỗi một giây phút là một sự nhiệm mầu. Mỗi giây phút là có một cái gì mới lạ, một cái gì đó đang chờ đợi, và chúng ta phải quý trọng. Chúng ta có thể vui hưởng từng giờ từng phút thì sao lại làm cho đời mình đau khổ? Dầu gì đi nữa, bây giờ đã có trí huệ rồi thì chúng ta cũng nên biết rằng không điều gì có thể thật sự khiến cho mình quá phiền não.

Tình trạng nào cũng có thể lo liệu được, và người nào cũng có thể thay đổi được, miễn là quý vị có đủ tình thương và sự kiên nhẫn. Mỗi sự công kích là một thứ kêu la xin được để ý tới. Nhiều khi gia đình quý vị không biết làm sao để tỏ bày tình thương của họ đối với quý vị, cho nên họ công kích quý vị, họ la lối quý vị hay làm điều gì đó không tốt để được quý vị để ý tới. Nhưng quý vị phải hiểu mới được. Phải nói chuyện với họ, phải hiểu và biết cách giải quyết vấn đề.

Không có gì mà không giải quyết được. Quý vị phải cố gắng hết sức, trong lúc tọa thiền nghĩ coi, dùng trí huệ của mình, viết xuống giải pháp rồi đem ra làm thử. Quý vị sẽ cảm thấy trong lòng nên làm như thế nào. Nếu thiền đầy đủ thì mọi chuyện trong đời quý vị sẽ không sao cả.

Thiền là quan trọng, nhưng giáo lý cũng quan trọng. Tối thiểu mỗi ngày phải đọc hay nghe giáo lý của Sư Phụ. Nếu cảm thấy giáo lý của tôi không hay lắm thì nghe Minh Sư khác. Lấy Thánh kinh hay kinh Phật ra đọc, họ còn dạy nhiều hơn tôi nữa. Tôi chỉ có cho quý vị ngũ giới, còn Thánh kinh có tới mười điều răn, quý vị cứ việc chọn. Có rất nhiều điều từ những Minh Sư quá khứ và hiện tại để cho chúng ta học hỏi. Quý vị nên giữ một số giáo lý ở trong đầu để mà điều khiển đầu óc mình. Ðó chỉ là cho đầu óc thôi, linh hồn không cần tới.

Cho nên mỗi lần gặp phải vấn đề nào hay có một thói quen xấu nào thì quý vị nên đọc giáo lý của Minh Sư. Như vậy đầu óc sẽ thuần hóa rất nhiều. Mỗi ngày quý vị cần phải đọc hoặc nghe những lời giảng dạy hay, những đạo pháp cao cả, chứ không phải chỉ có ngồi thiền là đủ. Nếu không, quý vị sẽ không biết tại sao mình lại ngồi thiền. Nếu không biết mục đích thì quý vị sẽ không có kết quả tốt. Trong tâm sẽ không có một sự khát khao, đầu óc sẽ không đủ thanh tịnh để mà nhập định và sẽ không đạt được trí huệ sau đó.

Giả sử quý vị đã làm tất cả những việc này rồi và mỗi ngày đều tọa thiền, nhưng vẫn thấy rằng mình có một thói quen xấu hoặc mình hãy còn bám víu quá nhiều vào cái này, cái kia. Không sao; đừng lo lắng. Quý vị đã cố gắng hết sức rồi thì ít ra lương tâm quý vị cũng an ổn, theo thời gian quý vị sẽ ra khỏi khuynh hướng không tốt đó. Bởi vì một số người trong chúng ta nghiệp chướng rất sâu dầy từ những kiếp trước, chúng ta đã làm nhiều chuyện có thể nói rằng không nên làm hết lần này đến lần khác, từ kiếp này sang kiếp khác cho nên không điều khiển được mình nữa.

Cũng giống như con ngựa, ngày nào nó cũng đi cùng một con đường đó. Về sau, không có chủ hoặc ngay cả bị che mắt mà nó vẫn có thể đi con đường đó. Lúc nào cũng theo con đường đó mà đi, giống như xe lửa cứ chạy trên cùng một đường rầy, không thể điều khiển được. Nhưng tới một ngày nào đó chúng ta sẽ chán cái khuôn mẫu thói quen ấy, rồi chúng ta sẽ bỏ.

Cho nên đừng có lo lắng quá, đừng tự trách mình quá. Tiếp tục cố gắng làm hết sức để cho mình tiến bộ. Không còn cách nào khác ngoại trừ làm hết sức mình. Vì nếu cố gắng hết sức mình là quý vị đã cảm thấy dễ chịu rồi.