Dù là theo tôn giáo hay tín ngưỡng nào, chúng ta đều biết rằng thú vật có linh hồn, vì chúng có khả năng tự di chuyển theo ý riêng. Bất cứ loại chúng sinh nào có thể tự cử động, có tinh thần để di động và có trí óc để kiểm soát sự di chuyển của chúng, sẽ tạo thành những mối nhân duyên ràng buộc với nhiều chúng sinh khác, sẽ thâu thập rất nhiều kinh nghiệm và phát triển trí thông minh, tất cả những việc này đưa đến kết quả là sự ràng buộc. Khi những chúng sinh này bị ràng buộc vào trí thông minh và những kinh nghiệm thâu thập trong quá khứ, chúng có cảm giác tham sống sợ chết. Do sự ham thích kéo dài đời sống, có thêm nhiều kinh nghiệm, thêm nhiều hoạt động cũng như là cơ hội gieo duyên và học hỏi với những chúng sinh khác, lòng chúng tràn ngập lòng yêu mến sự sống, sợ chết, và những cảm giác hận thù, thương yêu và biết ơn.

Nếu ăn thịt thú vật, vô tình chúng ta đã bước vào từ trường của chúng, với đặc điểm là lòng tham sống sợ chết. Chúng ta bị dính ở đó, giống như là khi đạp lên trên keo, chân bị dính lại một chỗ không di chuyển được. Bước trên cát không sao vì cát không dính. Tất cả mọi thứ đều có những đặc tính khác nhau. Nhưng nếu chúng ta bước trên đặc tính tham sống sợ chết của thú vật, bị từ trường thù hận của chúng bám vào linh hồn chúng ta, ràng buộc, áp chế chúng ta và khiến chúng ta bị mất tự do.

Nếu gió không thổi, cây cỏ không di chuyển được, nên chúng có ít kinh nghiệm và trí thông minh hơn. Với ý thức thấp kém này, chúng cũng ít bị ràng buộc hơn. Ðối với loài thảo mộc, chết đi rồi tái sinh không quan trọng bởi vì chúng có ít kinh nghiệm và sự ràng buộc. Ngược lại, thú vật có nhiều kinh nghiệm hơn, vì chúng có thể tự ý di chuyển. Thí dụ như, một con chó có thể đi tìm bạn cái, ngày hôm sau lại đi tìm nữa và nghĩ: "Chà! Con này đẹp hơn con hôm qua!" (Sư Phụ và mọi người cười). Sự ràng buộc phát sinh từ những kinh nghiệm này, là lý do tại sao chúng bám víu vào cuộc sống. Dưới ảnh hưởng của những hiện tượng này, tất cả mọi thú vật trở nên tham sống sợ chết. Nhưng trường hợp này không xảy ra đối với thảo mộc vì chúng có rất ít kinh nghiệm để bám vào. Vì vậy, khi chúng ta tiêu thụ thực vật, từ trường của chúng không bám vào chúng ta.

Do đó, chúng ta không thể nói rằng thú vật và cây cỏ đều giống như nhau. Nếu nói giống nhau thì cũng như nói rằng keo, cát và đá đều giống nhau, như vậy không đúng. Cát và đá không dính vào chúng ta khi chúng ta bước lên chúng; chỉ có kẹo cao su mới dính. Tất cả mọi thứ đều có những phẩm chất khác nhau, cho nên chúng ta không thể nói thú vật cũng giống như cây cỏ. Chúng hoàn toàn khác nhau (mọi người vỗ tay). Chúng ta có thể hiểu được điều này qua sự quan sát. Không phải vì Sư Phụ Thanh Hải nói vậy, hay vì chư vị Bồ tát nói vậy nên chúng ta mới hiểu. Ðiều này rất đơn giản và hợp lý; chúng ta có thể biết những điều này chỉ qua sự quan sát.

Tất cả mọi thứ trong vũ trụ đều có những đặc điểm khác nhau. Vì vậy, khi chọn thức ăn, dĩ nhiên chúng ta nên chọn những thực phẩm tạo ít gánh nặng cho mình và cho phép chúng ta tu hành dễ hơn và tiến bộ nhanh hơn. Chỉ khi đó chúng ta mới không bị trói buộc hay kéo xuống bởi những từ trường rất nặng nề.