Thanh Hải Vô Thuợng Su khai thị tại Hsindian, Ðài Bắc,
ngày 30 tháng 8, 1987 (nguyên văn tiếng Trung Hoa)

Ða số chúng ta hay mơ. Có người nào ở đây ngủ mà không bao giờ mơ không? (Có người giơ tay lên.) Chưa bao giờ nằm mơ hả? Vì quý vị có bao giờ ngủ đâu! (Sư Phụ cười.) Nếu không thì chắc quý vị là A-la-hán; nghe nói bậc A-la-hán không nằm mơ.

Ðôi khi chúng ta tu hành đến một đẳng cấp nào đó thường hay vấp phải chướng ngại. Ðừng để ý tới nó, cứ tiếp tục tu hành. Càng nhiều chướng ngại, chúng ta lại càng phải nên khiêm tốn, càng phải nên cố gắng tu hành. Có lúc thân thể bị bịnh, quý vị tự hỏi: "Sao tu nhiều hơn mà không khỏe hơn hồi truớc"? Chưa chắc! Có thể quý vị khỏe lúc đầu. Thí dụ như, mới gặp tôi là bệnh tật hết liền, rồi quý vị nghĩ mình nên tu lè lẹ (Sư Phụ cười) vì quý vị tham lam! Vì quý vị hết bịnh sau khi gặp tôi trong vòng năm phút, quý vị tưởng là tu hành nữa thì sẽ khỏe hơn. Ða số ai cũng để ý tới thân thể, sự an toàn và giàu sang cho chính mình. Họ nghĩ càng tu càng khỏe, càng mạnh, giống nhu Tiết Nhơn Quý (một vị tướng rất giỏi bên Trung Quốc thời xưa) hay Hẹc-quin (người có sức khỏe khác thường trong thần thoại Hy Lạp), chỉ cần nhấc tay lên một cái nhẹ là mười người té lăn ra. (Cười) Có người tưởng tượng là họ sẽ trở thành như vậy sau khi theo tôi tu pháp môn Quán Âm. Thì cũng sẽ được, nhưng họ cũng sẽ đạt đến những cảnh giới cao và sẽ trở thành rất khác!

Ðôi khi tới một đẳng cấp nào đó trong tiến trình tu học, thân thể chúng ta có thể cảm thấy không khoẻ gì cho lắm. Tại sao vậy? Như tôi đã nói trước đây, đó là vì "lực lượng" mạnh quá, thân thể yếu không chịu nổi. Khi chấn động trong thân thể thay đổi lẹ quá, chúng ta cảm thấy như bịnh. Nhưng không phải bịnh thật đâu, đừng có lo. Nếu lòng tin không vững, chúng ta sẽ rất dễ bỏ tu khi tới đẳng cấp này, vì chúng ta nghĩ rằng: "Ủa! Sao kỳ vậy! Theo Sư Phụ mà lại đau ốm nhiều hơn?" Không đúng! Ðó chỉ là chấn động của quý vị thay đổi mà thôi. Bên trong thân người này có rất nhiều chất độc, khí độc. Mỗi khi ghét hay tức giận người nào thì những khí độc này lưu lại trong thân thể.

Hồi nãy đang nói về nằm mơ, tại sao bây giờ lại nói về bệnh tật? Ðó là vì có những trường hợp bệnh tật được chữa trong mơ. Có một đồng tu, sau khi được truyền Tâm Ấn, không tới nữa. Nhưng đến khi đau ốm, hóa thân Sư Phụ tới chữa cho ông. Về sau hết bịnh, ông cảm động quá trở lại gặp tôi. Nếu không thì chúng ta đâu còn gặp ông ấy nữa. Ông ta đã biến mất sau khi thọ pháp rồi, vì không có lòng tin!

Ðối với hầu hết tất cả mọi người, giấc mơ rất là quan trọng. Nếu ngủ mà không nằm mơ thì họ có thể ngã bịnh. Mơ là gì? Có nhiều khi ban ngày chúng ta không có cách nào để bày tỏ tư tưởng, thì chúng ta có thể xả bớt một phần trong mơ. Nếu không, trong người sẽ rất mệt mỏi, nặng nề. Hoặc có lẽ mình ghét người nào đó hay giận ai ban ngày mà không có cách nào bộc lộ hoặc nói ra không tiện - nhiều khi là vì mình không muốn gây bất hòa trong gia đình hay không dám nói ra. Thí dụ như, chúng ta giận quá nhưng vì ông chủ chức cao hơn, hay Sư Phụ đẳng cấp cao hơn, (Sư Phụ cười) chúng ta không dám lên tiếng, thay vào đó chúng ta xả bớt cơn tức giận đó trong mơ.

Người tập võ công thường thường có cách để đốt đi độc tố, cho nên họ không cần phải mơ nhiều. Tuy nhiên, giấc mơ rất quan trọng cho hầu hết mọi người. Không nằm mơ chúng ta có thể ngã bịnh, vì không xua tan được những độc khí trong cơ thể. Thành ra, người đau ốm rất khó ngủ ngon. Không ngủ ngon lại càng bịnh nặng bởi vì độc khí, những tư tưởng không tốt, tích tụ trong thân thể. Dù là tư tưởng tốt, nếu tích tụ nhiều trong thân thể, cũng đã là quá rồi.

Mơ là khi những phấn đấu trong ngày ngưng lại, độc khí xả ra, hay những ước muốn không được thỏa mãn ngoài đời được toại nguyện. Trong mơ chúng ta được tưởng tượng, được hưởng thụ một chút, để an ủi đầu óc phần nào. Thí dụ như, một người rất thích tiền có thể mộng thấy mình là người giàu có. Tối thiểu cũng cảm thấy sung sướng thảnh thơi được hưởng giàu sang phú quý một tiếng hay nửa tiếng đồng hồ. Như vậy tốt hơn cho họ, vì họ sẽ không cảm thấy quá tuyệt vọng trong đời sống thật.

Ðôi khi tình trạng trong mơ có thể ảnh hưởng tới chúng ta cả ngày. Ví dụ như sau khi trải qua một cơn ác mộng nào đó, lúc tỉnh dậy chúng ta cảm thấy hãi hùng phải không? (Thính chúng: Phải) Nếu bị ác mộng nhiều quá thì một hai ngày sau chúng ta vẫn còn sợ. Thành thử, giấc mơ có thể ảnh hưởng ít nhiều tới chúng ta giống như đời sống thật. Ðôi khi có những giấc mơ không được tốt, chúng ta tỉnh giấc cảm thấy nóng nảy, bực bội, khó chịu với người khác. Nó cũng không tốt cho thể xác và tinh thần của người nằm mơ.

Vì vậy tôi mới dạy quý vị ngồi thiền, tập trung đầu óc vào mắt huệ, nghĩ tốt và niệm Hồng Danh trước khi ngủ. Làm như vậy tối thiểu chúng ta cũng giảm được ảnh hưởng của bầu không khí phủ định xung quanh. Ở thế giới này, dù mình không nghĩ xấu đi nữa, bầu không khí trong gia đình, xã hội vẫn ảnh hưởng tới chúng ta, làm chúng ta cảm thấy buồn bã, ngu si, hồi hộp, thiếu nhân từ.

Mặc Tử (người lập ra Mặc giáo, chủ yếu dạy tình thương đại đồng và hòa bình vào thời thượng cổ Trung Hoa) gọi xã hội là một tử địa khủng khiếp. Ngay cả thánh nhân cũng bị ô nhiễm nếu tới đây! Phật Thích Ca mới đầu là Bồ Tát Hồ Minh từ Cung trời Ðâu Xuất xuống (là cõi Tịnh Ðộ của Phật giáo tràn đầy trí tuệ và viên mãn, nơi không có lòng tham hay dục vọng). Ngài cực kỳ thông minh, vừa sinh ra đời là có thể bước đi. Ngài học điều gì cũng lẹ, giỏi hơn tất cả vị thầy của Ngài. Nhưng ngài vẫn vô minh; cho tới khi gần ba mươi tuổi được đi ra ngoài, trông thấy chúng sinh đau khổ, lúc bấy giờ mới tỉnh ngộ, đi tìm Ðạo. Ngài vốn đã là Bồ Tát, đã tu hành đời đời kiếp kiếp, thâu thập không biết bao nhiêu là công đức dùng không hết. Vì thế ngài mới độ được nhiều chúng sinh như vậy. Nhưng khi xuống thế giới này, Ngài vẫn bị nhiễm như thường. Lão Tử, Khổng Tử và Trang Tử (các đại hiền triết Trung Hoa thời xưa) cũng đều bị nhiễm. Chỉ một thời gian sau họ mới tỉnh ngộ, rồi mới bắt đầu tu hành. Cho nên, không phải họ sinh ra là thánh liền.

Sau khi khai đại ngộ, chúng ta thấy rõ ràng thế giới này chỉ là một giấc mơ. Lúc đó thấy như mình vừa mới tỉnh dậy sau cơn mơ. Giấc mơ mà chúng ta có mỗi ngày chỉ là những giấc mơ nhỏ thôi, trong khi thế giới này là một giấc mộng dài, rất khó cho chúng ta tỉnh dậy. Khi một người trong cơn ác mộng, họ la lối om xòm, cần phải có người trấn tỉnh: "Ê! Tỉnh dậy! Không có gì đâu!" Cũng vậy, trong giấc mộng dài này, chúng ta cũng cần một vị Minh Sư khai ngộ để nhắc nhở chúng ta, nhưng người nào không muốn được nhắc và muốn tiếp tục ngủ vùi thì chúng ta kệ họ. Những người này bịnh nặng và họ cũng đang nằm mơ. Không lay họ tỉnh được thì chúng ta để họ tiếp tục ngủ. Giống như họ bị thuốc mê, không thể tỉnh. Tuy nhiên, sau một thời gian nào đó họ cũng sẽ tự khỏi bịnh. Thành ra, người nào muốn theo tu hành thì đến, nếu không muốn thì chúng ta cũng không thể nào bắt buộc họ được.

Tôi thường nói với quý vị rằng những người tu pháp Quán Âm như chúng ta trong mơ được lên những cảnh giới siêu đẳng để học hỏi. Bởi vì ban ngày quý vị bận quá, đầu óc kháng cự mãnh liệt, nhiều khi tôi muốn dạy quý vị mà thấy khó, nên tôi dạy quý vị trong mơ. Có người nằm mơ lên tới cảnh giới Thứ Năm, nhưng điều này rất hiếm. Ða số người chỉ đi đến những cảnh trong Tam giới trong lúc mơ. Người nào nằm mơ lên được cảnh giới Thứ Năm là những người phi thường. Thật ra, những "giấc mơ" này không hẳn là mơ, vì chúng ta có thể nhớ và biết được mọi chuyện sau khi tỉnh dậy.

Bên Ấn Ðộ, có một người, trước khi tu pháp Quán Âm, nằm mơ thấy Ðức Giáo Chủ của cảnh giới Thứ Năm cho ông biết đủ thứ. Khi tỉnh dậy, ông bắt đầu tìm kiếm Minh Sư và tu pháp Quán Âm. Cho nên, giấc mơ cũng rất là quan trọng. Nếu ngủ không đủ, quý vị cũng có thể gặp vấn đề, vì đời sống sẽ không được quân bình. Tuy nhiên, cũng có người tu khắc khổ, họ không muốn ngủ. Quý vị không cần phải ép mình quá mức. Nếu cảm thấy tinh thần căng thẳng thì phải từ từ. Nếu cảm thấy mình vẫn khỏe thì ngủ ít cũng không sao.

Nhưng không phải lúc nào cũng đợi Sư Phụ mỗi ngày dạy trong giấc ngủ. Ban ngày cũng phải nên tự dạy dỗ mình, nhận thức thế giới này chỉ là một giấc mơ, và dùng đầu óc một cách đúng đắn để mở rộng trí tưởng tượng của mình, phát triển khả năng sáng tạo của mình. Chúng ta nên dùng trí tưởng tượng vào những khía cạnh tốt hơn, dồi dào, phong phú hơn, tưởng tượng mình lên cảnh giới Thứ Năm thì một ngày nào đó chúng ta sẽ được!

Ðịa ngục cũng vậy, không khác nào một giấc mơ do chính tư tưởng mình tạo ra. Ðôi khi, bầu không khí xung quanh và hành động của chúng ta giống như gạch trộn với xi măng xây thành tường. Tư tưởng và hành động không tốt của chúng ta xây lên địa ngục. Mặc dù vô hình, không có hình thể nào cả nhưng nó lại là một thực tại đối với chúng sinh trong địa ngục. Ðịa ngục là chỗ đầy đau khổ. Tôi bảo đảm là có. Nhà tù ở thế giới này cũng là một thứ địa ngục. Cho nên, ngay cả thế giới này còn có địa ngục thì cảnh giới vô hình làm sao không có?

Những lúc thất vọng, chúng ta cảm thấy thế giới này không đẹp đẽ tí nào, đồ ăn không ngon, ông chồng hay bà vợ bỗng nhiên xấu hẳn. Vì khi buồn bã, chán đời, thế giới không có gì hay đối với mình. Dù có ở lầu vàng, điện ngọc, thì cũng thấy giống như ở trong tù vậy. Thành thử, tâm trạng ảnh hưởng tới cảnh vật chung quanh. Tu hành là để huấn luyện đầu óc, cho nó ngày càng nghĩ nhiều về khía cạnh tốt. Có vậy bầu không khí xung quanh mới ngày càng thanh tịnh. Thanh tịnh hóa chính mình tức là thanh tịnh hóa địa cầu. Nếu người nào cũng vui vẻ, hạnh phúc thì không phải cả thế giới cũng hạnh phúc hay sao? Cho nên, tu hành rất có lợi!

Qua sự khai sáng tâm linh, một ngày nào đó chúng ta sẽ tỉnh ngộ, nhận thấy rằng thế giới ảo mộng này không khác gì một giấc mơ dài. Nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ tỉnh dậy, cứ đi từ giấc mơ này sang giấc mơ khác, và vĩnh viễn sống trong mơ. Giống như đêm ngủ nằm mơ, có khi chúng ta đi từ giấc mơ này sang giấc mơ kia hay từ nơi này sang nơi khác. Ví dụ như mới đầu chúng ta nằm mơ thấy bị khủng bố tinh thần, có người nào đó muốn giết mình hay muốn đánh mình, rồi bị người ta giựt tiền. Sau đó lại nằm mơ thấy cưới một người đàn bà đẹp, rồi bị bắt, rồi bị bỏ tù. Thế là chúng ta cứ đi từ giấc mơ này sang giấc mơ khác.

Cũng vậy, nếu không tỉnh dậy trong thế giới này, chúng ta sẽ tiếp tục mơ ở những thế giới khác, như thế giới A-tu-la. Ðến đó, giấc mơ của chúng ta sẽ tiếp diễn một trăm năm, hai trăm, ba trăm, năm trăm hay một nghìn năm nữa. Sau đó, có thể là vào địa ngục, rồi mơ thêm vài ba thế kỷ nữa hay năm thiên kỷ nữa. Rồi trở lại tiếp tục mơ thành loài giun đất, bò, chim, rồi không bao giờ ra khỏi. Ðêm ngủ chiêm bao, chúng ta không biết rằng mình đang chiêm bao. Nhiều khi, dù biết đi nữa, chúng ta cũng không sao tỉnh dậy. Tương tự như vậy, khi làm kiếp chim, chúng ta không biết rằng mình đang ở trong giấc mơ của một con chim, vì từ trường của mình đã đổi. Mặc dù linh hồn vĩnh viễn không đổi, vĩnh viễn hoàn mỹ và trong sạch, nhưng chúng ta đã bị nhận chìm, không động đậy gì được.

Ví dụ tay chân chúng ta thường cử động được, nhưng khi bị trói thì chúng ta không đi được dù có chân, không làm việc được dù có tay. Hay giả sử người nào đó bỏ chúng ta vào thùng rồi liệng xuống sông. Dù chúng ta có biết bơi cũng không bơi trong đó được. Dù biết tình trạng nguy ngập, cũng không tự cứu mình được. Có khi chính mình cũng không biết. Có thể đã bị người ta đánh bất tỉnh, không tự cứu mình được. Cuối cùng phát giác ra cũng vô ích mà thôi, bởi vì lúc đó mình đã nằm dưới đáy biển hay dưới đáy sông rồi. Nhiều lắm chỉ còn sống được hai phút nữa thôi.

Tương tự như vậy, nếu không lo cho linh hồn chúng ta bây giờ, giải thoát nó, thì trong tương lai, linh hồn sẽ tiếp tục bị giam hãm, chỉ chuyển từ cái hộp này sang cái hộp kia, hay từ cái túi này sang cái túi kia. Bị ném vào chỗ nào cũng không chống cự nổi; đó gọi là luân hồi. Cho nên, chúng ta tu hành là để huấn luyện bản thân biết trước cách để phản ứng trong giây phút từ trần, và cách để tự cứu mình khi bị cột trói, thay vì không biết làm gì cả khi thời điểm đến.

Không phải chỉ có ban đêm thôi mà ban ngày chúng ta cũng mơ, đó gọi là "mơ mộng", chẳng hạn như một người mơ mộng rằng họ rất quan trọng, có niềm tin mãnh liệt, tu hành giỏi giang, rất có đạo đức. Tuy nhiên, cuối cùng thì họ chẳng ra gì cả, tu hành bết bát. Như vậy họ chỉ lừa bịp bản thân, lừa bịp Minh Sư. Cho nên đừng có mơ mộng nhiều quá. Tu hành chăm chỉ, thành thật, biết sám hối, khiêm nhường, tin tưởng Minh Sư, kính trọng Minh Sư là đủ. Ðối với những người này thì dù ở trong tình trạng nào, chắc chắn tôi cũng sẽ kéo lên. Dù có phải xuống địa ngục vì họ, tôi thấy cũng đáng bởi vì những người này quá tốt! Họ rất xứng đáng được như vậy! Dù tôi có phải hy sinh bản thân, cho họ hết phước báu của tôi cũng được. Từ cổ chí kim, những người này xứng đáng được sự gia trì của Minh Sư.

Khi quý vị làm cho một vị Minh Sư đắc Ðạo cảm động, ngài sẽ ban cho quý vị cả Tam Giới hay cả một thế giới, hay cho quý vị làm vua, làm một bậc đại tu hành, một Minh Sư khai ngộ hay một Thánh Nhân khai ngộ. Miễn sao vị Minh Sư vì tình thương sẵn sàng ban cho quý vị thì quý vị sẽ được tất cả sự gia trì. Dù quý vị là tội nhân, là người số phải bị đày địa ngục, hay một kẻ sát nhân, quý vị vẫn được độ lên tới đẳng cấp A-la-hán. Quý vị có nhớ câu chuyện Ðức Thích Ca Mâu Ni cứu độ một tên sát nhân không? Người này ta đã giết chín mươi chín mạng, còn muốn giết luôn Ðức Phật nữa, vậy mà Phật cũng vẫn độ ông lên quả vị thánh nhân giải thoát. Vì một vị Minh Sư phước báu vô lường, miễn sao vị đó sẵn lòng và quý vị cũng sẵn lòng muốn được cứu độ, thì quý vị sẽ được nâng lên bất cứ đẳng cấp nào. Thành ra, nếu quý vị làm điều gì đó cảm động một vị Minh Sư thì rất có lợi cho quý vị!

 

Ráng đừng nuôi dưỡng những tham vọng nhỏ nhen, ích kỷ, bởi vì chúng ta sẽ trở thành những gì chúng ta tưởng tượng. Ðiều này rất quan trọng! Trí tưởng tượng của chúng ta rất mãnh liệt và phong phú. Ðẳng cấp tu hành càng cao, những gì mình tưởng tượng càng dễ trở thành sự thật. Cho nên, chúng ta phải coi chừng. Chỉ nên kỳ vọng những điều tốt lành để có lợi cho chính mình cũng như cho những chúng sinh khác thay vì làm hại cho mình và cho người. Cho nên, quý vị thấy rằng khi tu hành tiến bộ, hoàn cảnh sống hình như có vẻ thỏa mãn hơn. Có phải vậy không? (Thính chúng: Phải) Mỗi khi quý vị cần cái gì, lập tức nó hiện ra giống như từ trên trời rơi xuống vậy. Ðó là vì khi trí tưởng tượng dồi dào và lực lượng mạnh mẽ hơn, chúng ta có thể rút một cái gì đó từ thiên đàng xuống để dùng.

Càng lên cao trong tiến trình tu học, chúng ta càng dễ mãn túc. Tuy vậy, mỗi lần muốn điều gì chúng ta vẫn phải tự dạy dỗ bản thân, huấn luyện tư tưởng mình hướng về điều tốt. Chúng ta nên muốn giải thoát, muốn lên cảnh giới Thứ Năm và muốn có trí huệ và lực lượng. Chỉ những ước mơ này mới có giá trị. Ðừng mong cầu gì khác bởi vì chúng sẽ tự nhiên tới. Sư Phụ sẽ chăm sóc về phương diện vật chất, nhưng quý vị cũng phải mãn túc nữa. Không nên nghĩ là có hai chén cơm chưa đủ, trong bụng than phiền: "Tại sao không cho tui ba chén"? Như vậy là không được. Khi đủ là đủ. Việc ăn uống cũng vậy; tôi đã khuyên quý vị là đừng ăn nhiều quá. No tám mươi phần trăm là đủ. Ăn nhiều quá sẽ đầy bụng, mệt, không tốt cho sự phát triển tâm linh. Thậm chí sự suy nghĩ cũng sẽ gặp vấn đề. Ngược lại, ăn ít quá quý vị sẽ mệt, cơ thể sẽ không được khoẻ, đi đứng, leo trèo khó khăn. Thành ra, làm việc gì cũng phải trung dung, bình thường - không nhiều quá mà cũng không ít quá.

Nếu chưa đạt tới một trình độ nào đó trong sự tu hành thì phải cẩn thận. Trước khi làm bất cứ việc gì, trước hết hãy cân nhắc và tự hỏi mình: "Việc này tôi làm có mục đích tốt không? Việc này có quan trọng không? Tôi có nên làm không? Làm việc này có lợi không? Có đúng với Ðạo không"? Mỗi ngày, trước khi làm việc gì, luôn luôn hỏi mình như vậy, thì quý vị sẽ không lầm lỗi. Như tôi đã nói: "Làm việc gì cũng phải luôn luôn nghĩ rằng mình làm cho Sư Phụ". "Làm cho Sư Phụ" có nghĩa là gì? Có nghĩa là nên suy xét coi: "Nếu Sư Phụ làm việc này thì Sư Phụ có làm như vậy không? Sư Phụ có phản ứng như vậy không? Sư Phụ có hài lòng với đường lối mình đang làm không"? Ðó là ý nghĩa của câu "làm cho Sư Phụ", cũng có nghĩa là cống hiến tất cả thân, khẩu, ý cho Minh Sư.

Như vậy không có nghĩa rằng quý vị để cho tôi "ăn thịt" quý vị, chỉ huy sự suy nghĩ của quý vị và nói giùm quý vị. Không phải vậy! Quý vị vẫn phải tự mình suy nghĩ, tự mình cử động thân thể và tự trả lời bằng chính miệng của mình. Tuy nhiên, quý vị nên làm điều tốt bằng thân thể của mình, nghĩ điều nhân đức bằng trí óc của mình, và nói lời phúc thiện bằng miệng của mình. Thậm chí khi mắng ai cũng nên mắng vì lý do tốt chứ không phải mắng người ta vì giận, hay vì muốn làm cho người ta buồn. Ðiều quan trọng quý vị nên nhớ, đó là: tránh mơ mộng; nếu phải mơ thì hãy mơ điều tốt, mơ cảnh giới Thứ Năm, nghĩ như những chúng sinh ở cảnh giới Thứ Năm nghĩ, hành động như những chúng sinh ở cảnh giới Thứ Năm hành động. Lúc đó quý vị mới có thể cho rằng mình "mơ điều tốt".