Hành động Tình thương

 

Tường trình về cứu trợ cho Nạn nhân bão táp tại Grenada

Thăng hoa "Hương Ðảo" với tình thương Sư Phụ

Vincent Nguyễn từ Trung tâm Virginia, Hoa Kỳ, ghi chép (nguyên văn tiếng Âu Lạc)

Grenada là một quốc gia thanh bình nằm trong vùng quần đảo Caribbean, giữa vùng biển Caribbean và Ðại Tây Dương. Nguồn lợi chính của Grenada là kỹ nghệ du lịch và trồng trọt: ca-cao, hành, quế, gừng và hạt nhục đậu khấu (nutmeg). Do đó, Grenada còn được mệnh danh "Hương Ðảo vùng Caribbean", sản xuất hạt đậu khấu đứng thứ nhì sau Nam Dương, cung cấp một phần ba tổng số hương vị này cho toàn thế giới.

Nhưng vào ngày thứ ba 7 tháng 9 năm 2004, lần đầu tiên trong 49 năm, trận bão Ivan cấp 4, với tốc độ gió 150 dặm 1 giờ (241 km giờ) đã càn quét Grenada. Ba vùng bị thiệt hại nặng nhất là St. George, St. Andrew và St. John thuộc miền nam đảo quốc Grenada. Hơn 90% nhà cửa trong những vùng này đều bị sập hoặc tróc nóc, kể cả nhà của Thủ tướng Dr. Keith Mitchell và Thống đốc toàn quyền Sir Daniel Williams. Ngành trồng trọt của Grenada kể như bị tàn phá hoàn toàn, hầu hết những cây ca-cao và đậu khấu đã bị hủy hoại, phải mất từ 7 đến 10 năm để những cây đậu khấu có thể sản xuất trở lại. Hầu hết những khách sạn dành cho khách du lịch cũng gánh chịu thiệt hại nặng nề.

Ðược chỉ thị của Sư Phụ, ngày 24 tháng 9, 2004, một nhóm đồng tu Hội Quốc tế Thanh Hải Vô Thượng Sư đã bay sang quần đảo Grenada để tìm hiểu tình hình. Hơn hai tuần sau cơn bão Ivan, toàn quốc gia vẫn chưa có điện và điện thoại, một số không có nước. Sau khi mặt trời lặn, toàn quốc gia chìm trong bóng đêm. Hầu hết các cửa tiệm còn đóng cửa, số còn lại chỉ mở đến 12 giờ trưa. Cũng giống như người dân, các cơ quan và cửa tiệm không có điện và điện thoại. Hầu hết các vị chủ tiệm vẫn còn bận rộn lo sửa nóc nhà, cửa sổ và những thiệt hại do cơn bão gây ra. Ðường xá đầy những giây điện và cột điện nằm ngổn ngang giữa lộ. Chánh quyền ban lệnh giới nghiêm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng, đồng thời yêu cầu dân chúng đừng ra đường trong ngày, để các nhân viên an ninh và cấp cứu tái thiết những đường giây điện, điện thoại và ống nước đã hư hại. Ngoài ra, hầu hết các hãng hàng không đã hủy bỏ những chuyến bay đến Grenada, và do tình trạng di chuyển khó khăn, nên các hội đoàn cứu trợ không thể mua phẩm vật từ địa phương hay nước ngoài.

Trong thời gian cứu trợ, các đồng tu đã mướn một chiếc taxi để di chuyển đến những nơi bị thiệt hại trầm trọng nhất ở Grenada, bao gồm cả bờ biển vùng quần đảo Marquis. Họ dừng lại để an ủi nhiều gia đình mà nhà cửa bị tàn phá, tặng họ hiện kim và sách biếu Sư Phụ, hy vọng tình thương của Thượng Ðế sẽ giúp đem lại chút hạnh phúc và an toàn.

Dù trải qua trận bão nặng nề chưa từng có trong suốt 49 năm qua, người dân Grenada vẫn giữ vững tinh thần qua cơn bão. Một số người đang đọc Thánh Kinh khi chúng tôi đến thăm, họ nói rằng có lẽ Thượng Ðế đã nghe được lời cầu nguyện, nên đã gửi đến cho họ chút quà qua các đồng tu. Một bà mẹ của một gia đình tám người con, trong căn nhà bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão tố, đã ngỏ lời cảm tạ ân điển của Sư Phụ, đồng thời xin địa chỉ của Hội Quốc Tế Thanh Hải Vô Thượng Sư để bà viết thư đến Sư Phụ.

Ngày các nhân viên cứu trợ rời đảo quốc xinh đẹp Grenada, viên tài xế của họ là một người địa phương nói rằng nhiều đồng bào trong cộng đồng của anh đã nhờ anh gởi lời tri ân đến Thanh Hải Vô Thượng Sư đã kịp thời giúp đỡ họ trong thời điểm ngặt nghèo nhất. Nhóm đồng tu cầu nguyện cho quốc gia sẽ mau được tái thiết, và tình thương Thượng Ðế sẽ ban rải cho tất cả dân chúng trên "Hương Ðảo vùng Caribbean".