Bí quyết của Minh sư - Làm chủ chính mình và trở nên toàn hảo

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị, cộng tu tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ, ngày 13 tháng 3, 1996 - (nguyên văn tiếng Anh) -
Băng thâu hình số 536

Minh sư không phải là một người toàn thiện, toàn hảo - không bao giờ trong hiện tại, và sẽ không bao giờ trong tương lai. Quý vị cần biết điều này. Nhưng Minh sư là người có thể làm chủ những lỗi lầm của chính mình. Chúng ta có thể học hỏi từ lỗi lầm và hứa sẽ cải thiện chính mình mỗi ngày. Giống như làm một thiên tài là công việc liên tục khó nhọc để duy trì, làm Minh sư cũng vậy, tất cả đều là chuyện làm chủ chính mình chứ không có điều gì khác. Nếu có ai theo quý vị, đó chỉ là nhân tiện, chỉ vì từ trường của quý vị, sự thành tâm chân thật của quý vị thu hút họ từ bên trong. Ðó là lý do tại sao quý vị không cần phải nói chuyện. Quý vị thậm chí không cần phải bảo người ta điều gì mà họ vẫn tin quý vị. Làm Minh sư là như vậy.

Ðừng tưởng rằng tôi sinh ra đã toàn hảo, tôi toàn hảo ngay trong hiện tại, hoặc là tôi sẽ luôn luôn toàn hảo. Không! Tôi cũng học hỏi giống như quý vị. Nhưng tôi đã làm chủ chính mình. Tôi không để cho đầu óc sai khiến tôi phải làm gì, bởi vì tôi biết đầu óc. Tôi làm bạn với nó; chúng tôi thương lượng với nhau, nói rằng: "Ngươi làm chuyện này và ta sẽ làm chuyện kia, chúng ta không làm phiền lẫn nhau. Nếu ngươi làm tốt, ta sẽ thưởng cho. Ta cho ngươi ăn ngon, phải không?" Tôi nói với nó: "Ta sẽ cho ngươi bất cứ điều gì khi ngươi muốn". Chỉ là hiện tại nó không muốn gì nhiều, bởi vì nó biết không đòi hỏi được gì nhiều với tôi, nên nó bỏ qua. Ngay cả khi nó muốn ngủ, tôi nói: "Không! Hãy dậy làm việc". Rồi nó phải làm. Cho nên, nó đã quen như vậy sau mười năm. Nó nói: "Nói chuyện với bà này cũng như không. Bả rất cứng đầu. Bà muốn làm gì là làm, cãi cũng không được".

Làm Minh sư là chỉ vậy thôi, luôn luôn cố gắng duy trì một sự toàn thiện, một cá tính tốt đẹp, cao quý hơn - đúng ra là một lý tưởng tốt đẹp hơn là một cá tính, bởi vì khi nói về cá tính, chúng ta vẫn có ý thích danh vọng và tất cả những thứ này. Chúng ta biết rằng mình vẫn còn ngã chấp, còn muốn hãnh diện về mình; không phải như vậy. Chỉ là nếu chúng ta nghĩ bất cứ điều gì mình muốn làm, bất cứ điều gì chúng ta cho là cao quý, là lý tưởng cao đẹp, ích lợi cho kẻ khác, là điều tốt, thì chúng ta phải cố gắng thực hiện. Không cần biết phải trả giá cao đến đâu, chúng ta chỉ làm và không nói gì. Ðó là sự khác biệt duy nhất. Bằng không thì có gì khác đâu?

Nếu chúng ta được mổ xẻ ngay bây giờ, không ai có bộ óc tốt hơn người khác bao nhiêu. Có thể điểm thông minh của tôi hay của quý vị cao hơn một chút, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta khác nhau nhiều lắm. Bộ óc của chúng ta giống nhau. nghị lực chúng ta giống nhau, ngoại trừ việc chúng ta có tập luyện cho nó kiên cường hơn hay không, đó là ý chí tự do của chúng ta. Hầu hết chúng ta sử dụng ý chí tự do của mình một cách sai lầm, trì trệ, làm chậm sự phát triển của mình lên đến một đẳng cấp ý thức cao hơn.

Ðừng hỏi tôi tại sao chúng ta phải cố gắng lên cao hơn. Làm một chúng sinh cao quý, có trí huệ thì dễ chịu hơn là luôn luôn ngu độn, trì trệ, chậm, lười biếng, như một "củ khoai trên giường", chỉ nằm đó chờ sung rụng. Tốt hơn là đừng chiêm bái tôi, tốt hơn là đừng chạy theo tôi, chỉ theo gương của tôi mà thôi. Chiêm bái những kết quả đến từ nỗ lực của tôi và rồi hãy thực hành. Hãy làm giống vậy, và rồi quý vị sẽ thành Minh sư mau chóng.

Hãy dạy mình làm tốt hơn những gì người bình thường làm, làm những điều kẻ khác không làm được, khi điều đó giúp ích cho nhân loại và chính mình; chịu đựng những điều kẻ khác không chịu đựng nổi nếu nó giúp ích cho người khác, và phát triển sự phán đoán cũng như là trí huệ của mình. Làm bất cứ gì bằng hết sức mình để nhận biết chính mình, để khám phá rằng sức mạnh vĩ đại nhất của mình vẫn chưa được khám phá hết, rằng mình cao quý hơn mình trong hiện tại, rằng mình có thể làm rất nhiều điều khác có lợi rất nhiều cho chính mình và kẻ khác. Rồi khi vãng sanh quý vị sẽ biết. Khi đó có thể là đã quá trễ để nhìn lại và hối hận, để rồi quý vị sẽ cảm thấy rất đau khổ. Ðó là lý do tại sao hầu hết mọi người lúc vãng sanh rất khổ sở. Họ chưa kết thúc những điều cần nên làm, và lương tâm họ cắn rứt. Ðầu óc họ khống trị cơ thể, và lương tâm ảnh hưởng thể xác. Cho nên, nếu lương tâm bất an thì quý vị sẽ cảm thấy bệnh hoạn, đau đớn.