Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị
tại San Francisco, California, Hoa Kỳ,
ngày 27 tháng 11, 1993
(nguyên văn tiếng Anh) - Băng thâu hình #397

Hiếu kỳ là bẩm tính của đầu óc

Ða số chúng ta ai cũng có nhiều câu hỏi, dù được trả lời bao nhiêu chúng ta vẫn còn nhiều câu hỏi khác. Khi còn nhỏ thì hỏi cha hỏi mẹ, có câu không bao giờ được trả lời. Rồi lúc lớn lên, chúng ta hỏi thầy cô, bạn bè, những người có trí huệ, có những câu cũng không bao giờ được trả lời. Tôi cũng vậy, có nhiều câu hỏi, mãi tới khi gọi là khai ngộ mới thôi. Lúc đầu mới khai ngộ, tôi vẫn còn câu hỏi về những đề tài không quan trọng. Nhưng những điều này tôi chỉ hiểu được sau một thời gian dài.

Một số chuyện mà chúng ta tự hỏi và chấp vào đều không quan trọng, cho nên chúng ta mới khổ. Nhưng không nhằm nhò gì bởi vì tất cả những quan tâm này trước sau rồi cũng phai nhạt đi. Càng trưởng thành về phương diện tâm linh, chúng ta sẽ càng trở nên bình lặng, tính tình dễ chịu trong cách suy nghĩ, trong quan điểm cuộc đời. Cho nên người nào hỏi nhiều, tôi cũng cố gắng giải thích cho thỏa đáng, có người vẫn thấy khó hiểu dù giải thích bao nhiêu, bởi vì họ dùng sự hiểu biết hạn hẹp của họ để cố gắng hiểu những gì nằm ngoài tầm với.

Tôi cũng từng đặt nhiều câu hỏi, nên tôi rất thông cảm cho những người đến hỏi. Dường như trả lời bao nhiêu cũng không đủ; nhưng đầu óc này là vậy. Lúc nào chúng ta cũng tò mò vì lúc nào đầu óc cũng đòi tìm hiểu, cho nên mỗi ngày đầu óc đều thâu lượm đầy tin tức, dù tốt hay xấu. Ðầu óc không có khả năng suy xét phân biệt. Và đa số những khổ đau, bất mãn, thiên vị, phân biệt trong chúng ta và với những vấn đề khác trong đời sống, tất cả đều do bản tính tò mò từ đầu óc mà ra, chuyên môn lấy đủ thứ dữ kiện, rồi biến nó thành của riêng mình.

Xem xét kỹ càng rồi hãy tin

Cho nên đọc gì hay nghe gì cũng phải cận thận, bởi vì nếu chúng ta không biết phân biệt tốt xấu để chọn, thì những ý kiến, giả thuyết, triết lý của người khác mà nhiều khi không đúng lắm, sẽ in sâu vào đầu óc rồi trở thành của chúng ta, rồi chúng ta lại tưởng rằng mình là người nghĩ như vậy, là người chấp nhận điều này, điều kia, điều nọ. Về sau, tin tức khác đến, đúng hơn, lợi ích hơn, mình lại phủ nhận hoặc nghi ngờ, vì mình đã ghi trong đầu những tư tưởng, giả thuyết mà dường như đi ngược lại với dữ kiện mới này.

Ðây là một trong những vấn đề chúng ta gặp phải trong đời sống và trong thế giới, nơi nảy sinh ra nhiều thứ như là sân hận, kỳ thị, xung đột giữa tôn giáo, giữa những quốc gia, giữa hàng xóm láng giềng và giữa con người với nhau. Cho nên muốn thâu thập học thuyết, giáo điều hoặc lý tưởng gì, trước hết hay ít ra sau này chúng ta cũng phải xem xét lại coi mấy điều đó có lý lẽ, có căn cứ gì không, có ích lợi cho cuộc sống hàng ngày hoặc cho sự tiến bộ về tâm linh của mình hay không. Bằng không chúng ta sẽ khổ sở giằng co giữa những lý tưởng khác nhau, những đoàn thể hoặc những phương thức suy nghĩ khác nhau.

Không bao giờ nên tin một điều gì mà không suy xét hoặc không có chứng minh. Cái gì cũng phải có chứng minh, ngay cả về tâm linh cũng vậy, bởi vì đó là một khoa học, khoa học cao đẳng nhất, nhưng vẫn là khoa học. Những Minh sư trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều là những khoa học gia biết nhiều chuyện về vũ trụ mà người thường chúng ta có lẽ khó mà hiểu được hoặc tin được. Nhưng họ cũng dạy chúng ta hoặc dẫn dắt chúng ta đi vào khoa học này để mà về sau chính chúng ta cũng sẽ trở thành minh sư hay thành thầy, tối thiểu cũng là thầy của chính mình bởi vì làm thầy chính mình là khó nhất. Và muốn được như vậy, chúng ta phải có lực lượng cao cường nhất, đó là lực lượng của Thượng Ðế hay của trí thông minh trong vũ trụ mà mình đã có rồi từ trước tới nay.

Lúc Ngài còn tại thế, một số người phỉ báng chúa Giê-su là nói láo, nói bậy, vì Ngài nói Ngài đồng nhất thể với Thượng Ðế, rằng Ngài là con của Thượng Ðế và rằng Ngài và Ðức Chúa Trời là một. Nhưng chúng ta đã quên; ngay cả con người thời nay vẫn còn như vậy. Chúng ta quên rằng ngoại trừ Thượng Ðế ra, không còn gì hay ai khác ngự trong ngôi đền này.

Linh hồn không bao giờ luân hồi

Chữ “tôi” mà chúng ta tự gọi mình thật ra không bao giờ thật sự hiện hữu bởi vì lúc mới sinh ra mình đâu biết gì nhiều; ngay cả cái tên cũng không có. Thành thử cái “tôi” đó cũng không có, vì nếu nghĩ cho cùng thì chữ “tôi” từ lúc lọt lòng đó là cái gì mà mình gọi là “tôi”, hay gọi là “nó”, hay gọi là “cô ấy” hay “anh ấy”? Nó là cái gì? Quý vị có thể nào gọi một em bé sơ sanh là một nhân vật nào đó mà chúng ta kêu bằng “tôi” hay “nó” không?

Khi lớn lên, chúng ta lấy kiến thức từ thầy cô, họ hàng hay bạn bè, rồi mới bắt đầu sinh ra cá tính, trở thành một nhân vật, có thể là một người được tả là hay tức giận, tính tình nóng nảy, một người giàu tình thương, hay một người khôn ngoan trí tuệ. Nhưng những nhân vật thông minh, giàu lòng bác ái, tức giận hoặc dâm dục, tham lam này từ đâu mà ra? Chúng ta đâu có sinh ra với mấy thứ này; những thứ này đâu phải là “nó” lúc mới chào đời. Ðó chỉ là những thứ chúng ta thâu nhập rồi nhận diện mình với chúng.

Cho nên thuyết luân hồi thật ra không nên đem ra dạy người bởi vì chúng ta không có một nhân dạng để mà luân hồi. Có lẽ luân hồi là cái khuynh hướng bám víu, chấp nhứt vào những dữ kiện, tin tức mà chúng ta đã lấy, dù xấu hay tốt. Rồi cái khuynh hướng bám víu ấy đi tìm hết công cụ này sang công cụ khác để thỏa mãn điều ước mà kiếp trước chưa thành tựu.

Cho nên, sau khi sự hiểu biết, trí huệ hay Thượng Ðế Tánh ngự trong thân thể này ra đi hoặc rời khỏi ngôi đền này, nó sẽ sang một ngôi đền khác. Giống như là mình đi từ nhà thờ này sang nhà thờ khác, mình cũng là người đó. Thật ra, trong vũ trụ này không có nhân dạng riêng biệt nào hiện hữu mà chỉ có một khối lực trong từ trường đầy thương yêu, đôi khi chia ra làm nhiều phần khác nhau.

Giống như giòng điện trong bóng đèn và trong dây điện, nó đi qua máy vi âm, là một hình dạng khác. Nó đi vào tủ lạnh, cũng là một hình dạng khác, đi vào quạt máy, lại một hình dạng khác nữa. Nhưng điện ở bên trong giống y nhau. Cũng vậy, chúng ta chưa bao giờ tách ra khỏi Ðấng Tối Cao, lực lượng cao nhất. Từ trước tới giờ chúng ta luôn luôn là tối thượng. Nhưng vì khuynh hướng nhận diện mình với tin tức, dữ kiện mà mình đã thâu nhập, những thói quen tập quán mà mình đã lượm từ môi trường, hoàn cảnh sống của mình, chúng ta mới có cá nhân, con người mà chính nó nghĩ rằng mình riêng rẽ, cách xa với toàn thể.

Thành thử sau khi khai ngộ qua nỗ lực của chính mình – tôi nhắc lại qua nỗ lực của chính mình hay qua một người bạn tâm linh – chúng ta sẽ nhìn mọi sự khác hẳn. Lúc đó, tuy rằng vẫn còn cái vỏ cá biệt bên ngoài, nhưng chúng ta biết mình không phải là cái đó, và lúc bấy giờ, tất cả những câu trả lời tự nhiên hiện đến, hoặc là chúng ta không muốn hỏi gì nữa cả. Như vậy là tốt nhất bởi vì không có câu hỏi nào hết mới là câu hỏi hay! Khai ngộ rồi, chúng ta vượt lên khỏi quan điểm tốt, xấu, ra khỏi bản tính phân biệt của đầu óc. Lúc đó mới thấy rằng: “À, cái đó chỉ là cái vỏ của mình thôi, quần áo của mình thôi. Ðây mới là tôi”. Nó khác.

Càng nhận diện mình với kiến thức và tài sản vật chất, chúng ta càng không biết mình vĩ đại như thế nào. Những người nhiều trí thức khó thiền hơn, khó đạt được trí huệ cao hơn những người ít học bởi vì những người ít học không cần phải gội rửa nhiều, không cần phải gỡ rối nhiều. Giống như nhà của mình, nếu nhà đồ đạc quá nhiều thì phải mất nhiều thời giờ dọn dẹp hơn, để mới có thể mang đồ mới vào. Nhưng nếu chỉ có vài món thôi thì rất lẹ.

Làm bạn với đầu óc

Thành ra, được giải thoát trong kiếp này cũng là chuyện rất dễ tin, vì thật ra chúng ta đã liễu thoát rồi. Từ trước tới giờ chúng ta vẫn giải thoát và sẽ mãi mãi giải thoát. Cái làm cho chúng ta cảm thấy bị bó buộc, không tự do, là cái khuynh hướng bám víu vào khối kiến thức, vào thói quen tập quán mà chúng ta gọi là “tôi” để cho mình quên đi không nhìn vào vật thật. Tôi nghĩ nhiều người quý vị hiểu điều này. Thật ra, những người đã khai ngộ, hoặc những người sáng suốt, có đẳng cấp cao không cần phải thuyết giảng hay giải thích nhiều. Chỉ một lời, hay một câu là đủ, đó cũng là một loại tức khắc khai ngộ (đốn ngộ).

Từ trước tới giờ chúng ta luôn luôn khai ngộ, và bây giờ chúng ta cũng luôn luôn khai ngộ. Chỉ có bị mờ đi một chút vậy thôi. Muốn mang về mấy tư tưởng trừu tượng với những lời bình thường giản dị này không phải là chuyện dễ. Nhưng khi hiểu rồi, nó nằm sâu trong tâm thức, trở thành một phần của mình, chúng ta sẽ cảm thấy rất nhẹ nhàng, dễ chịu.

Nhưng đó cũng chỉ là một trong những sự khai ngộ của trí óc mà thôi. Trong Thiền Tông, đôi khi họ gọi là “đốn ngộ” hay “tức khắc khai ngộ” vì một chữ từ vị thầy có thể giải thoát quý vị một phần, hoặc giải thoát rất nhiều hoặc hoàn toàn giải thoát. Vậy tại sao mình phải ngồi thiền sau khi khai ngộ rồi hay là sau khi đã hiểu những điều vị Minh sư hay vị Thầy muốn nói? Ðó là vì chúng ta có quá nhiều thói quen, quá nhiều kiến thức từ quá khứ; thành ra một lần không đủ để thuyết phục chúng ta rằng mình đã khai ngộ. Có lẽ ngày mai hay ngày mốt lại quên.

Bởi vậy mới cần phải lập đi lập lại thể nghiệm khai ngộ đó cho tới khi nào đầu óc mình cũng chấp nhận. Linh hồn, Chân Ngã nhận ra chính nó thôi chưa đủ, bởi vì dầu sao Chân Ngã cũng luôn luôn biết Chân Ngã; Ðại Ngã của mình đã biết chính nó rồi. Nhưng vì còn ở thế giới này, chúng ta phải làm mọi việc với một công cụ, công cụ đó là đầu óc hay máy điện não. Chúng ta phải dùng dụng cụ đó để mà làm việc ở thế gian này, để mang lại sức gia trì, ái lực đến cho môi trường sống đầy hỗn loạn của mình hầu giúp thế giới này tốt đẹp hơn cho con cháu và nhiều thế hệ mai sau.

Ðầu óc là dụng cụ vô cùng mãnh liệt, là cái gây trở ngại cho chúng ta từ kiếp này sang kiếp khác để chúng ta không thể biết Thượng Ðế, không thể biết ngôi vị thật của mình trong vũ trụ. Cho nên không thể coi nhẹ đầu óc được, mà phải làm bạn với nó. Phải cho nó biết tại sao mình làm cái này, tại sao mình làm cái kia, cho tới khi nào đầu óc hoàn toàn chấp nhận và trở thành bạn tốt; lúc đó chúng ta mới có thể vui vẻ, thư thả. Nếu không, nếu đầu óc không đồng ý thì kể như là khỏi thiền, sẽ không có kết quả vì quý vị ngồi thiền mà nó cứ hỏi: “Tại sao ngồi thiền? Ngồi thiền để làm chi? Ta muốn đi xem xi-nê, hay ta muốn đi gặp bạn gái. Sao ngồi đây giống như thằng ngố vậy? Ði uống cà-phê tốt hơn, ăn bánh sướng hơn” – đủ thứ chuyện.

Thành ra, ngoài việc truyền kiến thức khai ngộ thật sự trong im lặng, các vị thầy tâm linh vẫn phải giáo huấn con người qua lời nói để thỏa mãn bản tính tò mò của đầu óc. Ðầu óc lúc nào cũng thắc mắc, cân nhắc, suy tính, bởi vì những điều nó nhận vào trước kia thấy không giống với dữ kiện mà nó nhận vào bây giờ, thậm chí nó có thể không hiểu những dữ kiện mới này, nhưng cũng nói là không giống.

Do đó mà nhiều người trong chúng ta không hiểu rằng tôn giáo này không khác tôn giáo kia. Ðó là vì đầu óc. Tuy nhiên, sau khi khai ngộ rồi, chúng ta vượt lên khỏi đầu óc. Lúc đó chúng ta mới thấy khác và thật tình hiểu rằng không có sự khác biệt. Ðiều này giản dị tới nỗi sau khi khai ngộ chúng ta chỉ có lắc đầu, không thể tin rằng tại sao hồi đó mình không hiểu. Thấy dễ dàng như là bây giờ chúng ta nhìn thấy nhau vậy, nhưng nếu không khai ngộ thì không thấy nhau. Ðó là tình trạng rất, rất là rắc rối phức tạp mà Ma vương đã tạo ra để giữ con người trong bóng tối. Sau khi khai ngộ rồi, quý vị sẽ ngạc nhiên khám phá ra nhiều lần rằng điều giản dị như vậy, dễ hiểu như vậy mà trước kia mình không sao hiểu được.

Giáo lý của vị Thầy, của Minh Sư hay một người bạn Ðạo được gọi là giáo huấn bằng lời, phần lý thuyết trong tiến trình tu học. Nhưng phần quan trọng hơn đó là phần truyền trong im lặng 24 trên 24, sau khi vị Thầy đó đã nhận họ làm người bạn nhỏ hơn, bạn mới hay làm học trò mới.

Cho nên, phần dạy về lý thuyết của bất cứ minh sư nào, trong quá khứ, hiện tại hay vị lai đều chỉ là một phần nhỏ của toàn thể. Nếu chỉ học lý thuyết thôi, chúng ta cũng có thể khai ngộ đôi chút hoặc tối thiểu trở thành một người đạo đức. Ví dụ như chúng ta sẽ hiểu sự cần thiết của việc giữ giới, ban rải tình thương thay vì dùng bạo lực, chia sẻ với hàng xóm láng giềng thay vì ăn cắp, ăn trộm, v.v... Nhưng sau khi vị Thầy đó qua đời, phần giáo huấn về lý thuyết ấy thế nào cũng được ghi lại bởi đệ tử hay những người đã dự các buổi thuyết giảng của Họ. Rồi những thế hệ về sau dựa vào những tài liệu ghi chép đó, có lẽ để tu hành hoặc được hướng dẫn làm sao tìm Thượng Ðế. Vì khát khao kiến thức, có gì họ cũng nắm lấy để tìm hiểu Thượng Ðế, và từ đó tôn giáo hình thành.


Tâm điểm mọi tôn giáo
đều có cùng Chân Lý

Bởi vậy trước Chúa Giê-Su đâu có Thiên Chúa giáo, và trước Phật đâu có Phật giáo. Chữ Phật tử (Buddhist) là từ chữ Phật (Buddha) hay chữ Bồ Ðề mà ra, tiếng Phạn có nghĩa là khai ngộ hay sự khai ngộ. Do đó một người khai ngộ chúng ta gọi là Phật. Ki-tô là cái tên Do Thái chỉ sự khai ngộ; một người khai ngộ được tôn là Ki-tô (Chúa). Cho nên, sau khi Chúa về với Ðức Chúa Trời, chúng ta tạo ra một tôn giáo gọi là Thiên Chúa Giáo; sau khi Ðức Phật nhập Niết Bàn cũng vậy.

Thành ra, được giải thoát trong kiếp này cũng là chuyện rất dễ tin, vì thật ra chúng ta đã liễu thoát rồi. Từ trước tới giờ chúng ta vẫn giải thoát và sẽ mãi mãi giải thoát. Cái làm cho chúng ta cảm thấy bị bó buộc, không tự do, là cái khuynh hướng bám víu vào khối kiến thức, vào thói quen tập quán mà chúng ta gọi là “tôi” để cho mình quên đi không nhìn vào vật thật. Tôi nghĩ nhiều người quý vị hiểu điều này. Thật ra, những người đã khai ngộ, hoặc những người sáng suốt, có đẳng cấp cao không cần phải thuyết giảng hay giải thích nhiều. Chỉ một lời, hay một câu là đủ, đó cũng là một loại tức khắc khai ngộ (đốn ngộ).

Một chữ chỉ đạo Thiên Chúa ở bên Ðức là chữ Ki-tô (Chúa), cho nên chữ Thiên Chúa giáo dễ hiểu hơn, dễ nghe hơn. Còn chữ Phật (Buddha) là từ chữ Bồ Ðề ra, nên những người theo Phật và giáo lý của Phật gọi là Phật tử. Sau khi Lão Tử, người dạy Ðạo, ra đi thì người ta lập ra Ðạo Giáo, rồi sau đó mới có Ðạo sĩ. Như vậy chưa chi đã có ít nhất là ba tôn giáo, thế là rắc rối rồi! Nếu mỗi người chỉ theo đuổi những gì họ muốn học hay muốn tin, thì không sao, dù đúng hay sai. Nhưng khổ nỗi chúng ta lại cãi vã, tranh chấp với nhau vì sự khác biệt về triết lý. Vậy là chúng ta tự hạ nhục mình, hạ nhục những vị Thầy đã qua đời vì các vị luôn giảng về hòa bình, tình thương và chính trực.

Cho nên, bất luận bây giờ chúng ta tin rằng Thiên Chúa giáo là tôn giáo vĩ đại nhất hay Phật giáo là tín ngưỡng cao nhất thế giới, chúng ta không cần phải bàn cãi. Ngược lại nên tìm hiểu tôn giáo chân chính của mình, tinh hoa thật sự trong đạo mà Ðức Phật đã để lại, vị Thầy của Ðạo Giáo đã để lại, Chúa Giê-su đã để lại. Bấy giờ chúng ta mới biết rằng cách duy nhất, tốt nhất và lẹ nhất đó là khai ngộ.


Minh Sư tại thế nối chúng ta về với Chân Tánh khai ngộ của mình

Nhiều người tự họ có thể khai ngộ một phần nào qua giáo điều của một vị Thầy hay qua nỗ lực của chính họ vì họ thành tâm, khao khát. Nhưng nhiều người không làm được. Cho dù tự mình khai ngộ được đi nữa, cũng còn nhiều thứ khác cần phải có một người bạn còn sống dọn đường hay một vị Thầy tại thế đã đi hết con đường, trở đi rồi trở về, bởi vì con đường tu hành tuy vô hình nhưng vẫn giống bất cứ con đường nào. Chúng ta có thể tinh thông nó, bước đi và hoàn tất nó, nhưng đây chỉ là một lối nói thường ngày thôi. Bởi vì trí huệ trong vũ trụ này mênh mông vô tận, không bao giờ trong một lúc hay một kiếp mà dùng hết được. Thành ra, nếu nói rằng chúng ta đã hoàn tất cuộc hành trình, chúng ta vẫn không dùng hết tất cả trí huệ của mình cùng một lúc, trừ khi nào cần.

Nhiều người đến hỏi tôi có biết tương lai thế giới không, hay có biết tương lai của họ không, v.v... Tôi nói: “Tôi không biết”. Tôi không nhìn vào tương lai mà chỉ nhìn hiện tại, biết mình phải làm gì trong giờ phút này. Như vậy đủ rồi. Có khi nếu cần thì tôi cũng có thể nhìn vào tương lai một chút, ngay cả vào quá khứ, nếu quý vị muốn biết. Nhưng chuyện đó chỉ khi nào cần lắm và có lợi cho người nào đó hay cho thế giới, thì lúc đó Trời Phật sẽ cho tôi thấy, như vậy đủ rồi. Còn không, biết quá nhiều những chuyện xảy ra chỉ là gánh nặng cho mình.

Cho nên đừng có ảo tưởng gì về khai ngộ, mà hãy nhìn thực tế, biết rằng từ trước tới nay chúng ta luôn luôn có bản lai thật sự của mình. Và bây giờ, nếu muốn biết thì có một cách, vì lúc nào nó cũng có ở đó rồi. Nếu chúng ta thật sự thành tâm trong thiền định thì mọi câu trả lời sẽ đến khi nào cần. Quý vị không cần phải viết thư cho Sư Phụ bởi vì lúc nào chúng ta cũng câu thông, Tâm Ấn rồi thì lại càng câu thông hơn nữa. Chúng ta sẽ vĩnh viễn câu thông với nhau cho tới khi nào quý vị thành minh sư.

Nhiều khi tôi nói nhiều quá; không biết quý vị có tin một nửa những gì tôi nói hay không, nhưng Chân lý lúc nào cũng tuôn ra, nhiều khi không cản được. Vì Thượng Ðế nói qua miệng tôi, nếu quên không chặn lại thì Ngài cứ nói hoài, nói huyên thuyên đủ thứ chuyện bí mật. Nhiều khi người khác tưởng tôi khoe khoang, khoác lác, nhưng tất cả đều là Chân lý. Nếu quý vị đi khám bác sĩ, ông ta phải nói quý vị biết là ông ta biết chữa bịnh cho quý vị. Nếu không, gặp ông ta làm chi? Nếu quý vị đến với một người bạn để được khai ngộ, người đó phải cho quý vị biết khả năng của họ chứ, rằng họ có thể giúp quý vị nhận thức được Bản Lai khai ngộ của quý vị.

Sớm muộn gì chúng ta ai cũng có thể trở thành người mang Ánh sáng vì chúng ta là Ánh sáng rồi. Chỉ vì mình quá bận rộn với đủ mọi tài liệu, dữ kiện – những việc cần phải làm, những vấn đề tài chánh cần phải đối phó – mà quên mất mình vĩ đại như thế nào, quên không dùng đại trí huệ của mình để mà tìm cách giải quyết những vấn đề nho nhỏ. Chúng ta chỉ lo sửa chữa vấn đề, rồi bị giam hãm ở trong đó, bị nhận chìm hay nuốt trửng, thành ra khó giải quyết. Nhưng nếu mình nhìn lại, biết chỗ đứng của mình, hoặc là thay vì bỏ hết tất cả sự chú ý vào vấn đề đó thì chúng ta lùi lại, nhớ rằng mình không phải là vấn đề đó, thì chúng ta sẽ thấy sự việc một cách rõ ràng hơn. Bởi vậy mới cần phải ngồi thiền. Chúng ta phải hướng vào trong để nhớ lại ai là chủ, ai là xếp và cần phải làm gì.