Kinh nghiệm thực tế tốt hơn là lý thuyết trống rỗng

Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị, Tây Hồ, Formosa, ngày 25 tháng 4, 1992, (nguyên văn tiếng Trung Hoa) Băng thâu hình số 243

 

Thời cổ Trung Hoa, có vị đại tướng quân đang lâm chung, nhà vua đến hỏi ông: "Sau khi tướng quân qua đời, ai có thể là người thay tướng quân?" Thay vì đề cử con trai của mình, vị tướng quân đề cử một người khác.

Ngạc nhiên, nhà vua hỏi: "Con trai tướng quân là kẻ am tường binh thư từ nhỏ. Anh ta có tài phân tích binh pháp rất giỏi. Không phải anh ta là kẻ xứng đáng nhất sao?"

Tướng quân đáp: "Không, không! Con trai hạ thần chỉ có thể nói nghe hay. Dù có tài luận binh pháp, nó không có chút kinh nghiệm thực tế trên chiến trường. Ðó là lý do tại sao hạ thần không tiến cử nó."

Tuy nhiên, sau khi vị đại tướng qua đời, nhà vua không nghe theo lời khuyên của ông. Nhà vua tin chắc rằng con trai tướng quân là một người ưu việt, do tài đối đáp lỗi lạc về binh pháp và chiến lược của anh, nên đã phong tướng cho anh ta. Kết quả là, con trai vị đại tướng thua hết trận này đến trận khác, không giống như phụ thân bách chiến bách thắng của anh, vì anh không có kinh nghiệm thực tế về chiến trận mà chỉ dựa vào binh thư.

Tình huống trên chiến trường thật thiên biến vạn hóa, không thể dựa theo binh thư để ứng phó. Thêm vào đó, mỗi địa phương có hình thế, phong thủy và khí hậu khác nhau, vậy làm sao áp dụng binh thư cho mỗi chiến trận? Mỗi khi ra trận, quân đội của đối phương cũng thay đổi. Nhuệ khí và tình trạng cơ thể của quân nhà cũng bị ảnh hưởng, do phong thổ và địa thế của từng khu vực, cho nên không thể tùy tiện áp dụng binh thư trên trận địa. Con trai vị đại tướng chưa bao giờ ra trận bên cạnh phụ thân, chính bản thân anh cũng không có kinh nghiệm thực tế, cho nên không thể chiến thắng.

Ðiều này cũng áp dụng cho tất cả mọi việc chúng ta làm. Càng thực hành, phản ứng tự nhiên của chúng ta càng bén nhạy, rồi dần dần sẽ phát triển thành tập quán.

 

Giới thiệu trang này đến bạn