Phỏng vấn điện thoại với Tiến sĩ Antonia Demas – Một đời cống hiến cho việc cải tổ đang tạo ảnh hưởng tốt


Học sinh tiểu bang HạUy Di trồng khoai môn để dùng vào những món ăn nấu trong trường.
Do sư tỷ đồng tu Ling Gao, Chicago, Illinois, Hoa Kỳ (nguyên văn tiếng Anh)


Tiến sĩ Antonia Demas, người thiết lập Viện Nghiên cứu Thực phẩm, là một nhà nghiên cứu và giáo sư nổi tiếng về thực phẩm chay, đồng thời là một chuyên gia nấu chay tài giỏi. Tại Hoa Kỳ, giáo trình đầy sáng kiến và đoạt giải thưởng của bà tên là “Thức ăn là điều cơ bản” đã giúp rất nhiều trẻ em, từ mẫu giáo tới tuổi đại học, biết được lợi ích của thức ăn chay và noi theo phép ăn uống lành mạnh này.



V: Ðiều gì đã khiến bà quyết định ăn chay năm 14 tuổi?

Ð: Tôi suy nghĩ nhiều về thức ăn và đặt câu hỏi nó từ đâu đến. Ăn thịt thú vật trở nên ghê tởm đối với tôi. Tôi nghĩ tới những con vật bị giết, trong lòng thấy rất khó chịu nghĩ đến việc ăn máu thịt của chúng. Cho nên tôi bỏ luôn không ăn thịt nữa, mặc dù hồi đó sự ăn chay không phổ biến chút nào. Tôi không được sự ủng hộ của xã hội cũng như sự ủng hộ của bố mẹ tôi. Tôi tự nấu một mình và họ cũng chịu thôi.


V: Lúc đó bà có biết rằng quảng bá vấn đề ăn chay sẽ là sứ mệnh trong đời mình hay không?

Ð: Tôi có biết chút đỉnh vì trước đó tôi cũng đã thích để ý tới đề tài thực phẩm. Vì lai Ý nên tôi cũng thừa hưởng cảm giác làm thế nào nấu thức ăn ngon đẹp và bổ dưỡng, cũng như tôn trọng cây trái hoa quả sản xuất thực phẩm cho chúng ta.

Học sinh học lối sống lành mạnh bằng cách sáng chế và nấu những món ăn chay
Học sinh trình bày những món chay tự làm lấy.


V: Từ đâu bà có ý kiến đem đề tài ăn chay ra giới thiệu cho trẻ em trong trường?

Ð: Ðó cũng là niềm đam mê khác của tôi: trẻ em. Khi làm mẹ, tôi bắt đầu xung phong làm việc cho một nhà trẻ. Tôi cảm thấy những thức ăn mà họ cho trẻ em ăn trong trường không mấy bổ dưỡng cho lắm. Vì trẻ em và thức ăn là hai niềm đam mê của tôi, đây là một sự kết hợp rất hay.


V: Gia đình bà có ăn chay không?

Ð: Tôi cố gắng nuôi con cái thành người ăn chay. Nhưng tôi cũng cởi mở về vấn đề này vì tôi nghĩ họ cũng có quyền lựa chọn. Chồng cũ và con cái tôi đều thích thức ăn tôi nấu. Tôi cũng là đầu bếp nấu chay và tôi nấu rất ngon.


V: Nấu ngon là điều rất quan trọng trong việc giới thiệu ăn chay cho người khác?

Ð: Phải. Có những người thích ăn thịt trước kia từng đến nhà tôi dùng cơm, họ không cảm thấy thiếu thịt thà gì cả. Ðó là yếu tố quan trọng để thu hút người khác chuyển sang lối sống này.


V: Bà sáng tạo giáo trình tên là “Thức ăn là điều cơ bản”, và bà đã và đang giới thiệu chương trình này tới nhiều trường học trên nước Mỹ. Thế bà có biết là đã có bao nhiêu trường hiện đang áp dụng chương trình này không?

Ð: Có lẽ hơn 500 trường ở 30 tiểu bang. Tôi không theo dõi kịp vì con số tăng mau quá. Tôi mải miết với công việc ở ngoài và cũng bận rộn ghi chép những dữ kiện. Tôi cũng liên tục đi khắp nơi trong nước huấn luyện những nhà giáo chuyên về thực phẩm; hai tiểu bang nữa sắp sửa gia nhập chương trình này.


V: Bà ghi chép dữ kiện bằng cách nào? Ðó không phải là chuyện dễ vì kết quả không hiển nhiên.

Ð: Tôi có học cách nghiên cứu và có bằng tiến sĩ. Mình phải chuẩn bị và thăm dò trước khi bắt đầu vào chương trình. Phải biết mình muốn thâu lượm những dữ kiện gì. Phải thử nghiệm trước và sau. Việc này rất là quan trọng, có vậy mình mới được sự chú ý của những người làm chính sách. Chương trình về thức ăn cần phải là một phần trong chương trình học căn bản ở nhà trường; trẻ em có quyền biết những thức ăn này lấy từ đâu và ảnh hưởng như thế nào tới thân thể của chúng. Những tin tức đó không nằm trong chương trình học của những trường công cộng hiện nay.


V: Làm sao bà giải thích cho trẻ em thịt là từ đâu ra? Bà cho các em xem hình chăng?

Ð: Không, tôi không làm vậy bởi vì như vậy quá xúc động, quá có vẻ chính trị. Tôi nghĩ nhiều phụ huynh sẽ giận dữ. Ðiều cơ bản là tôi chỉ cho các em những thức ăn lấy từ thực vật, rồi giải thích thức ăn chay từ đâu ra. Tôi không đi vào mấy thứ “máu me phèo phổi”. Nhà trường sẽ tức giận nếu có điều gì chính trị. Tôi nói về sự thay đổi và cách thức mà nhà trường có thể dùng trong học đường. Ðây là phương pháp tích cực để giới thiệu thực phẩm mới mà họ chưa thử qua nhiều hoặc chưa bao giờ thấy qua. Tôi giới thiệu cho họ thấy cả một thế giới mới lạ, trong đó trẻ em được thể nghiệm những điều tốt lành với rau trái. Các em học trồng trọt và nấu nướng, một việc mà trẻ em rất thích. Rồi sau này, khi ăn thịt các em sẽ bắt đầu tự hỏi lòng mình những thức ăn này là từ đâu. Tôi nghĩ để các em tự đặt câu hỏi là một điều tốt. Ðối với tôi, đó là tinh hoa của giáo dục. Tôi không chê trách hay phán đoán các em vì những thứ các em ăn. Thay vào đó, tôi giới thiệu các em một thế giới mới với những thức ăn mới mà ít khi nào các em thử nghiệm qua.


V: Trẻ em và các trường học phản ứng như thế nào đối với chương trình của bà?

Ð: Họ thích lắm; quả thần kỳ! Các em học về văn hóa, được nếm, được sáng chế, và dùng hết cả năm giác quan. Kết quả rất là khích lệ.

Trên tường phòng ăn trang hoàng đầy màu sắc với bức họa do học sinh vẽ trình bày về dinh dưỡng có trong thức ăn chay.


V: Bà nghĩ con đường này còn dài không?

Ð: Vâng. Mục đích của tôi là làm sao cho càng nhiều người biết đến càng tốt, trong càng nhiều cộng đồng càng tốt. Trường học thường hay có thành kiến rằng trẻ em sẽ không bao giờ ăn những thứ mình giới thiệu, rằng việc này chỉ mất công cho họ thôi. Nhưng một khi ban giáo chức và quản lý trông thấy lợi ích và cảm thấy xứng đáng, họ làm thử. Thông thường họ hay nhìn vào điểm thi của các em và không liên kết điểm với đồ ăn. Nhưng thức ăn chắc chắn là có ảnh hưởng tới tiến trình suy nghĩ.


V: Công việc hiện giờ của bà là gì?

Ð: Tôi đi khắp nơi trong nước để dạy những nhà giáo. Thời khóa biểu của tôi rất bận rộn, đôi khi đi lại nhiều mệt lắm. Tôi cũng huấn luyện các giáo viên, giúp họ soạn bài vở cho một năm học. Tôi không muốn bắt đầu một kế hoạch rồi lại không thực hiện.


V: Về việc nghiên cứu của bà thì bà đo lường kết quả bằng cách nào?

Ð: Nghiên cứu thật sự không phải là một việc dễ làm bởi vì có rất nhiều biến số, chẳng hạn như không kiểm soát được hoàn cảnh của trẻ em trong một ngày nào đó, không kiểm soát được thời tiết, thậm chí không biết được trường học sẽ mở cửa hay không. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là phải ghi xuống những dữ kiện dù có trở ngại, vì không có dữ kiện gì là thật ở ngoài kia. Tôi tập trung vào ba điểm cần phải đo lường:

1) Thành tích học vấn: Trong chương trình của tôi thì trẻ em lưu lại trong trí những gì chúng học nhiều hơn là chương trình học bình thường, vì các em dùng hết mọi giác quan.

2) Sức khoẻ: Sức khoẻ của trẻ em bắt đầu khá ra sau khi chuyển sang lối ăn uống này. Các em cũng ảnh hưởng tới gia đình và phép ăn uống của cha mẹ.

3) Hành vi: Ăn uống không đủ dinh dưỡng thì hành động cũng không được tốt lắm. Ăn đồ ngọt, đồ béo suốt ngày không dẫn đến một hành vi tốt. Một việc nữa mà tôi sắp sửa thử nghiệm, đó là dị ứng; tôi sẽ làm việc cùng với một bác sĩ y khoa tại Baltimore để học về dị ứng có ảnh hưởng tới hành vi của trẻ em như thế nào. 


Kết luận:

Ðược đàm thoại với một nhân vật thánh thiện như tiến sĩ Demas là một kinh nghiệm rất hứng thú cho tôi, bà không những chỉ có sáng kiến mới mà còn có một sự quyết tâm, nhất chí thi hành cho bằng được những sáng kiến này. Bà cố gắng làm những gì bà tin tưởng và tạo một sự thay đổi trên thế giới. Tiến sĩ Demas là một tấm gương sáng cho tất cả chúng ta trong việc thể hiện ý kiến và tình thương của mình qua hành động bằng mọi cách hầu thăng hoa thế giới.


<< >>