Sự khai ngộ tối hậu chỉ đến
qua một vị Minh sư tại thế


Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị,
Ðài Nam, Formosa, ngày 1 tháng 3, 1989
(nguyên văn tiếng Trung Hoa) MP3-CL05


V:   Con có một câu hỏi, thưa Sư Phụ. Trong Phật giáo có câu: "Buông dao đồ tể xuống là lập tức thành Phật". Vậy tại sao Phật Thích Ca Mâu Ni phải tu hành hàng a tăng kỳ kiếp mới thành Phật? Có điều gì khó hiểu ở đây?


SP:   Ðó là bởi vì chúng ta không hiểu lời của Ðức Phật. Một người chắc chắn không thể thành Phật chỉ bằng cách buông dao đồ tể. Nếu không gặp Phật, thì dù có buông xuống một trăm con dao cũng không có kết quả gì. Thậm chí những người chưa bao giờ cầm dao đồ tể còn không thể thành Phật, đừng nói đến những người đã từng làm nghề đồ tể. Ý nghĩa thật sự của câu này là: Nếu chúng ta gặp được Minh sư tại thế, rồi sám hối và buông dao đồ tể, thì vị Minh sư sẽ rửa sạch nghiệp chướng và tội lỗi của chúng ta, và chỉ khi đó chúng ta mới có thể thành Phật. Chúng ta có thể thành Phật dễ dàng bởi vì tất cả mọi người đều có Phật Tánh bên trong. Trước khi nhận thức được Phật Tánh nội tại này, chúng ta không thể thành Phật, dù có tu hành cả vô lượng a tăng kỳ kiếp, đừng nói là chỉ có ba a tăng kỳ kiếp! Như vậy còn quá sớm. Do đó, chúng ta nên hiểu rằng, khi gặp vị Minh sư tại thế, tất cả tội lỗi của chúng ta sẽ được xóa bỏ, và chúng ta có thể lập tức thành Phật. Không gặp được Minh sư tại thế, dù có tu hành a tăng kỳ kiếp cũng vô dụng! Có thể là Thích Ca Mâu Ni Phật không gặp được Chân sư trong số 3 a tăng kỳ kiếp này, đó là lý do tại sao Ngài không thành Phật.


V:   Có thể được giải thoát và thành Phật chăng, nếu chúng ta không thọ Tâm Ấn?


SP:   Có thể được giải thoát, nhưng rất khó đạt được quả vị Phật. Những người không thọ Tâm Ấn thường không biết cách tu hành, không biết Phật là như thế nào, không biết trưởng dưỡng Phật Tánh của họ mỗi ngày để khai mở trí huệ. Giả sử quý vị gặp Minh sư khai ngộ nhưng không thọ Tâm ấn với Ngài, quý vị chỉ tán thán, kính trọng Ngài và câu thông với Ngài bên trong, theo cách này quý vị cũng được giải thoát. Ðiều này cũng được xem như là thọ Tâm Ấn bên trong. Thọ Tâm Ấn chính thức có nghĩa là quý vị theo Ngài học hỏi, rồi sẽ thành Phật. Hoặc giả nếu thân nhân hay bạn bè quý vị đã thọ Tâm Ấn, thì nhờ đó quý vị cũng được giải thoát. Tuy nhiên, cũng còn tùy theo nghiệp chướng của mỗi người.  


Khoa học, tôn giáo và lòng từ bi


V:   Khi những khoa học gia phát minh ra điều gì giúp cho nhân loại, việc này có thể xem là lòng từ bi không? Có giống như là lòng từ bi mà tôn giáo đã nói đến? Khoa học có thật sự chăm sóc cho con người được không?


SP:   Khoa học chỉ có thể chăm sóc về mặt vật chất. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần những khoa học gia, bởi vì không phải người nào cũng tu hành nghiêm túc sau khi tin theo một tôn giáo, và không phải tất cả các tổ chức tôn giáo đều dạy người ta tu hành tâm linh. Ða số các tổ chức tôn giáo chỉ dạy về chủ thuyết, như là chúng ta phải làm tốt; thiên đàng và địa ngục là có thật v.v... Họ không dạy người ta cách đi lên thiên đàng và làm sao để tránh địa ngục. Do đó, khoa học cũng cần thiết, bởi vì nó chăm sóc khía cạnh vật chất của thế giới này.

Nhiều người vẫn tiếp tục bám vào thế giới phàm tục này và yêu thích vật chất. Một số khác theo đuổi việc tu hành tâm linh nhưng chưa đạt được Chân lý tối thượng, họ vẫn cần những dụng cụ khoa học để giúp cho chúng sinh được lành mạnh. Do đó khoa học vẫn cần thiết. Tuy nhiên, nếu các khoa học gia không làm công việc của họ với tình thương, thì không thể nói rằng họ cũng tương tự như những người theo tôn giáo. Ðôi khi các khoa học gia sáng chế ra điều gì do tánh hiếu kỳ, hoặc vì họ thích phát minh, không nhất thiết là vì mục đích giúp đỡ nhân loại. Ðó là lý do tại sao một số khoa học gia dùng lực lượng trí óc của họ để sáng chế nhiều thứ không tốt. Người theo tôn giáo thì khác; ngay từ đầu, họ làm việc bằng lòng từ bi và tình thương đại đồng, vì lợi ích của chúng sinh. Do đó, hai việc này không hoàn toàn giống nhau. 


<< >>
Giới thiệu trang này đến bạn