Tường trình theo xếp hạng và đánh giá của Sư Phụ


Những nỗ lực của các quốc gia
Âu Châu trong việc hạn chế hiện
tượng hâm nóng toàn cầu


Do Ban báo chí Ðài Bắc (nguyên văn tiếng Anh)



* Anh Quốc


Chính quyền Anh Quốc đã kêu gọi thế giới hãy hành động ngay bây giờ những biện pháp giảm việc thải khí tạo nên nhiệt độ nhà kính, bởi vì về lâu về dài, cái giá phải trả sẽ vô cùng ít hơn là không làm gì cả.

Trong cuộc họp tại miền bắc nước Mễ Tây Cơ, ông Nicholas Stern, một khoa học gia chính quyền Anh kiêm kinh tế gia trưởng trước kia của Ngân hàng Thế giới, chỉ rõ rằng theo đuổi việc dùng tài nguyên năng lực xanh là điều có ý nghĩa về cả hai phương diện kinh tế và môi sinh. Ông kêu gọi nhắc nhở mọi người, rằng hành động càng trì hoãn thì sẽ càng tốn kém.

Ông David Miliband, Bí thư Môi sinh Anh Quốc đã trích lời ông Stern: "Ðiều cấp bách là chúng ta phải hành động ngay để ngăn ngừa sự thay đổi khí hậu, bởi vì cái giá phải trả về khía cạnh kinh tế, chưa nói đến sự trả giá của con người và môi sinh, sẽ trội gấp nhiều lần tổn phí của sự cắt giảm khí thải".

Những thành viên trong cuộc họp xảy ra tại thành phố Monterey, Mễ Tây Cơ, bao gồm những bộ trưởng về năng lượng và môi sinh từ 20 quốc gia với số lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính nhiều nhất trên thế giới, như là Hoa Kỳ. Ðề tài chính được thảo luận là đổi cách suy nghĩ cũng như đối thoại của khoa học về việc thay đổi khí hậu. Hầu hết các chuyên gia hiện thời đều đồng ý rằng hiện tượng hâm nóng toàn cầu là do việc đốt nhiên liệu dầu hóa thạch, thay vì là một hiện tượng tuần hoàn tự nhiên. Các chuyên gia dự đoán rằng chỉ cần mực nước biển tăng lên 1 mét, hàng triệu người sống tại các quốc gia nằm ở phần thấp như Bangladesh sẽ phải di tản.

Theo cơ quan NASA, năm 2005 là năm ấm nhất trên mặt đất kể từ năm 1860, và những ước lượng mới đã dự đoán rằng nhiệt độ có thể tăng lên 3 độ C vào cuối thế kỷ này, tạo nên nạn lụt, hạn hán và nạn đói. Bà Bộ trưởng Ngoại giao Anh Quốc, Margaret Beckett, đã đề cập rằng sự thay đổi khí hậu có thể tạo nên khủng hoảng cho những quốc gia đang phát triển, vì con người sẽ chiến đấu để dành những tài nguyên như nước sạch và vụ mùa. Bà bộ trưởng nói thêm rằng sự tranh chấp tại Darfur, Sudan, cũng một phần là do sự cạnh tranh đất ruộng và nước.



PHÁP QUỐC


Thủ tướng Pháp, Dominique de Villepin, đã tiết lộ "hiệp ước quốc gia về môi sinh" vào ngày 4 tháng 10, Kim niên 3 (2006), cống hiến khoản tiền 10 tỷ đồng Euro (12.6 tỷ mỹ kim) để cho vay lãi nhẹ cho những gia đình và công ty ở Pháp, nhằm mục đích tài trợ những dự án tiết kiệm năng lượng.

"Hiệp ước này sẽ đem tất cả mọi người đến cùng với nhau: công dân, các công ty, những hội đoàn địa phương và chính quyền. Hiệp ước sẽ giúp tất cả mọi người đóng một vai trò trong việc bảo vệ môi sinh", thủ tướng Villepin phát biểu trong cuộc họp báo hàng tháng. Ông cũng hứa cung cấp những biện pháp khuyến khích việc sử dụng nhiên liệu ít thải khí, và cho biết than sẽ bị đánh thuế.

Hiệp ước của ông Villepin bao gồm việc bảo đảm gia tăng số trạm xăng tại Pháp có bơm nhiên liệu dựa trên ethanol (chất cồn), một biện pháp giảm bớt sự lệ thuộc của Pháp vào nhiên liệu hóa thạnh cũng như là giảm thiểu khí thải. Thêm vào đó, khoảng 100 triệu đồng Euro (127 triệu mỹ kim) sẽ được trao tặng cho những khảo cứu phát triển động cơ hỗn hợp. Những ngân quỹ này sẽ được sẵn sàng vào tháng 1, Kim niên 4 (2007). Số tiền 10 tỷ Euro dành cho những chương trình tiết kiệm năng lượng sẽ đến từ quỹ tiết kiệm Codevi cho công dân Pháp, sẽ trả 2,75% tiền lời, với số tối đa là 4.600 Euro (5.767$ mỹ kim) cho mỗi đầu người.

Ðể gây quỹ thêm, số tiền đầu tư tối đa này sẽ được nâng lên đến 6.000 đồng Euro (7.522$ mỹ kim) bắt đầu từ ngày 1 tháng 1, 2007. Ông Villepin phát biểu: "Mục đích của chúng ta là huy động quỹ tiết kiệm của người dân Pháp để giúp đỡ môi sinh".



NA UY


Là quốc gia xuất khẩu xăng dầu đứng hàng thứ ba, một ủy ban do chính phủ chỉ định cho biết Na Uy có thể giảm bớt việc thải khí nhà kính đến 80% trước năm 2050 mà không bị hậu quả kinh tế. "Giảm thiểu việc thải khí... là điều quan trọng, điều này có thể thực hiện được và rất rẻ tiền", ông Joergen Randers, giáo sư kinh tế tại Trường Quản lý Na Uy là trưởng ủy ban đã phát biểu trong buổi họp báo cùng với Bộ trưởng Môi sinh Helen Bjoernoy. Ủy ban đã đề nghị 15 biện pháp khác nhau để cắt giảm khí nhà kính từ 50 đến 80% vào năm 2050, như một nỗ lực để làm chậm bớt sự thay đổi khí hậu. Những quốc gia khác bao gồm Anh, Pháp, Thụy Ðiển và những tiểu bang của Hoa Kỳ như California cũng dự trù cắt giảm khí thải từ những xưởng điện lực, công nghệ và xe cộ trong những thập niên tới.

Chương trình cắt giảm dài hạn đã được 35 quốc gia công nghệ bao gồm Na Uy phê chuẩn, với sự đồng ý rằng đến năm 2008-2012, chỉ số khí thải phải giảm xuống thêm 5,2% từ chỉ số của năm 1990, theo nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc. Nhiều chính quyền các quốc gia lo rằng sự cắt giảm sẽ tốn kém quá nhiều, nhưng giáo sư Randers cho biết, đến năm 2050, đề nghị của ủy ban sẽ ảnh hưởng tổng sản lượng quốc gia (GDP, Gross Domestic Product) của Na Uy ít hơn 0,5% sau hơn bốn thập niên, so với dự đoán không có biện pháp khí hậu nào.

Thêm vào đó, sự tiết kiệm năng lượng trong những lãnh vực khác, bao gồm việc sưởi nhà cửa, cao ốc theo cách thức hiệu quả hơn, sẽ bù lại tổn phí. Sự phát triển thán khí giữ lại từ những xưởng điện lực cũng sẽ cho Na Uy lợi thế về kỹ thuật. Bà Bộ trưởng Môi sinh Bjoernoy cho biết những quốc gia thịnh vượng có lượng khí thải cao theo mỗi đầu người như Na Uy có "bổn phận đạo đức" là hành động trước tiên, trước những quốc gia đang phát triển như Trung Quốc. Bà cũng phát biểu rằng Na Uy, quốc gia xuất khẩu dầu đứng hàng thứ ba trên thế giới với khoảng 3 triệu thùng dầu xuất cảng mỗi ngày, sẽ giảm bớt khí thải nhà kính để đạt được mục tiêu vào năm 2012 theo nghị định thư Kyoto, dù rằng khí thải hiện tại của quốc gia cao hơn mục tiêu của năm 2012 rất nhiều.

Tổ chức môi sinh Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF, World Wildlife Fund) đã khẩn thiết kêu gọi chính quyền Na Uy hãy chấp thuận đề nghị của ủy ban. Tổ chức này cho biết, ngay cả những công ty dầu của Na Uy như Statoil và Norsk Hydro cũng kêu gọi chính quyền nên tìm biện pháp làm chậm lại hiện tượng hâm nóng toàn cầu. 




Tham khảo:



Giới thiệu trang này đến bạn