Tường trình theo xếp hạng và đánh giá của Sư Phụ


Cuba



Lòng quyết tâm từ bi của một quốc gia


Do Ban báo chí Ðài Bắc (nguyên văn tiếng Anh)


Cuba được nổi danh từ lâu về các loài hoa lạ và vẻ đẹp miền nhiệt đới. Nhưng gần đây hơn hết, quyết tâm không dứt của quốc gia này trong việc mang lại những phục vụ cho xã hội đã trở thành câu chuyện đàng sau sự thành công của họ.
Chủ tịch Cuba, Fidel Castro, và Ðức giáo hoàng Gioan Phao Lô Ðệ Nhị


Vào năm 1989, Cuba chào mừng chuyến viếng thăm đầu tiên của một Ðức Giám Mục đương vị, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô Ðệ Nhị. Ðiều này cho thấy sự cởi mở của quốc gia về tín ngưỡng tôn giáo. Một tháng sau khi Ðức Giáo Hoàng đến thăm, Chủ tịch Fidel Castro tuyên bố chống lại việc dùng phá thai như một hình thức hạn chế sinh đẻ. Vào tháng 12 năm 1998, Castro cũng chính thức đặt lại ngày Giáng Sinh là ngày lễ chánh thức, có nghĩa là, lần đầu tiên từ năm 1969, dân chúng Cuba được phép ăn mừng Giáng Sinh trở lại và được công khai tổ chức lễ hội theo nghi thức tôn giáo.

Vào năm 1989, Tổ chức Y tế Thế giới công nhận hệ thống y tế Cuba như là "kiểu mẫu cho thế giới". Cuba cũng được Quỹ Liên Hiệp Quốc cho Trẻ em (UNICEF) báo cáo là có tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh thấp nhất, một số tỷ số cao nhất thế giới về chủng ngừa cho trẻ em (96%) cũng như là ghi danh đi học (94%). Cuba có một chương trình chủng ngừa cho trẻ sơ sinh hoàn hảo nhất trong thế giới chậm tiến. Thêm vào đó, chương trình giáo dục y tế và dinh dưỡng bao gồm sự phát triển và sử dụng sản phẩm trồng trọt hữu cơ.

Sức khoẻ tốt của công chúng là một việc ưu tiên đối với chính quyền, như đã phản ảnh trong hầu hết những đề xướng của họ gần đây. Dù trên thực tế là việc trồng xì-gà đã hiện hữu từ năm thế kỷ trước, chính phủ Cuba đã cấm chỉ việc hút thuốc trong các nhà hàng vào tháng 2 năm 2005. Ðây là một điều càng đáng ghi nhận bởi vì kỹ nghệ thuốc lá và xì-gà mang lại một lợi tức khổng lồ cho quốc gia. Ðạo luật mới cũng cấm chỉ việc bán thuốc lá trong các cửa hiệu cách trường học dưới 100 thước Anh và cho trẻ em dưới 16 tuổi.

Học sinh Cuba dưới hệ thống giáo dục miễn phí


Hệ thống giáo dục đứng hàng đầu thế giới của Cuba cũng miễn phí cho tất cả người dân Cuba cho đến trình độ cao nhất của bậc đại học. Từ tuổi tiểu học, học sinh được giáo dục với tất cả kỷ luật hầu trang bị cho chúng những kỹ năng trở thành công dân hữu ích để có thể góp phần giúp đỡ cải thiện quốc gia. Sự nhấn mạnh về giáo dục này đã đem đến kết quả là mức độ thất học đến gần như con số không.

Cuba cũng áp dụng những cải cách nhanh chóng và thường xuyên đổi mới mà hiện nay đang làm kiểu mẫu cho những quốc gia khác. Ngoài việc đứng đầu thế giới về săn sóc y tế và giáo dục, hệ thống nông nghiệp của Cuba đề cao sự phát triển và sử dụng sản phẩm hữu cơ sản xuất tại địa phương. Kết quả là dân Cuba có thể mua được thực phẩm dinh dưỡng với giá phải chăng, hay được miễn phí ở trường học, nhà thương và nhà dưỡng lão. Chính phủ Cuba cũng đặt quyết tâm lớn vào những nghiên cứu khoa học đem lợi ích đến cho dân chúng.

Nông nghiệp hữu cơ của Cuba


Hơn nữa, nhà nước mua một chỉ số thực phẩm của các nông gia địa phương và họ được phép bán phần thặng dư ra để lấy lời, nhờ thế bảo đảm cho họ có nguồn lợi kiếm sống. Con số do Tổ chức Thực phẩm và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (UN Food and Agriculture Organization -UNFAO) đưa ra cho thấy nạn đói ở Cuba đã sụt từ 8% trong năm 1990 xuống 3% trong năm 2004. Hệ thống nông nghiệp của Cuba là một kiểu mẫu thực dụng cho các quốc gia muốn sử dụng phương pháp hữu cơ, những phương pháp không thâm canh thay vì theo một hệ thống nông nghiệp kỹ nghệ quy mô trên một bình diện lớn.

Cuba đang dấn thân ngày càng nhiều vào việc cung cấp trợ giúp cho nước ngoài, đặc biệt là về y tế. Quốc gia Cuba nổi tiếng là đào tạo bác sĩ rồi gởi đến nơi nào cần thiết nhất. Trường Y khoa Châu Mỹ La- Tin (LASMS) thành lập vào năm 1999 đã cung cấp nhiều học bổng y khoa miễn phí cho giới trẻ từ Châu Mỹ La-Tin và Caribê. LASMS đào tạo ít nhất là 500 bác sĩ mỗi năm. Vào năm 2001, Chủ tịch Castro tặng thêm 500 học bổng y khoa hàng năm để giải quyết nạn khủng hoảng y tế trong nhiều cộng đồng người Mỹ gốc Phi nghèo khó ở Hoa Kỳ. Ðiều kiện duy nhất là các sinh viên phải trở về Hoa Kỳ sau khi học y khoa để phục vụ các cộng đồng Mỹ gốc Phi đang cần sự giúp đỡ. Ngày nay, có hơn 12 ngàn sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đang học y khoa ở Cuba hoàn toàn miễn phí, và con số này tiếp tục gia tăng một cách nhanh chóng.

Vào năm 2004, Cuba đem chương trình giải phẫu nhãn khoa miễn phí của họ, "Operation Miracle" (Sứ mạng Thần diệu), đến Phi Châu và Á Châu. Một công trình huấn luyện vĩ đại cho 200 ngàn chuyên viên y tế trong thời gian hơn 10 năm, rồi gửi họ đi duy trì và hoàn lại thị giác cho hơn 6 triệu người từ Châu Mỹ La-Tin và Caribê, là một việc chưa từng có trên thế giới. Gần đây hơn nữa là vào tháng 12 năm 2005, Castro đã gửi 100 nhân viên y tế đến Botswana, nơi mà họ đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại bệnh liệt kháng (HIV/AIDS) ở Botswana. Qua tấm gương hữu hiệu trong âm thầm, Cuba đang cho thế giới thấy rằng phục vụ công chúng là trên hết và là việc ưu tiên quan trọng nhất của một chính quyền.


Chương trình giải phẫu nhãn khoa miễn phí của Cuba, "Operation Miracle",
hoàn lại thị giác cho hàng triệu người.