Ăn chay là đúng với nguyên tắc trong Phật giáo


Do sư huynh đồng tu S.S.Aik, Yangon, Miến Ðiện (nguyên văn tiếng Miến Ðiện)


Tôi là một Phật tử truyền thống, như nhiều người trong vùng Ðông Nam Á. Từ Miến Ðiện, tôi đi Nam Dương vào năm 1992 và bắt gặp cuốn Sách Biếu Bí quyết tức khắc khai ngộ. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Tôi thích nó lắm và muốn mang về cho bạn bè tôi đọc. Tôi được phép dịch cuốn này sang tiếng Miến Ðiện. Năm 1993 tôi trở về lại thành phố Yangon; năm 1996 tôi in Sách Biếu tại Miến Ðiện. Tới năm 1997 thì tôi thọ Pháp. Ðời sống tôi hiện giờ an lành hơn 10 năm trước rất nhiều. Tôi vô cùng biết ơn Sư Phụ.

Là đệ tử của Sư Phụ, chúng ta không bị trở ngại gì trong việc ăn chay. Mối quan tâm của tôi bây giờ là làm sao thuyết phục được những Phật tử truyền thống tại đây, vì nhiều người tin rằng Phật ăn thịt heo, và không cấm ăn thịt. Họ nói rằng trong giới luật cho những vị xuất gia, Ðức Phật chỉ cấm ăn thịt của mười chúng sinh (người, chó, ngựa, voi, hổ, báo, sư tử, gấu, thú vật có lông dài, và rắn), nhưng cho tín đồ ăn ba loại "tịnh nhục".

Về việc này, Sư Phụ giải thích rất rõ ràng trong bài thuyết giảng của Ngài ngày 12 tháng 6 năm 1993 tại Vọng Các, Thái Lan (Băng thâu hình số 378): "Trong nhiều cuốn kinh, Phật giảng rằng các con không nên ăn thịt chúng sanh. Nhưng trong thời gian đầu khi ngài mới ra giảng pháp, ngài cho phép mọi người ăn ba loại tịnh nhục. Có nghĩa là không tự mình giết; không nghe thấy tiếng khóc than của con vật đang bị giết; và những con vật đã chết vì bệnh tật, chết tự nhiên vì già, thì ăn được. Nhưng sau này trong kinh Lăng Nghiêm, ngài nói với các vị tỳ kheo rằng: "Bây giờ các con đã tiến bộ rồi, đã trưởng thành, các con không ăn thịt nữa". Và trong kinh Niết Bàn, một quyển kinh khác, một vị xuất gia hỏi Phật rằng nếu có người cúng dường thức ăn và trong đó có thịt, thì phải làm sao? Phật nói rằng: ‘Rửa hết thịt đi rồi ăn’. Cho nên nếu ngài dạy đệ tử đừng ăn thịt thì chính ngài cũng đâu có ăn thịt. Và trong một cuốn kinh khác, Kinh Lăng Già, Phật nói rằng: ‘Ăn thịt sẽ có ảnh hưởng rất xấu cho thế giới, tạo nên chiến tranh và nhiều loại ma ăn thịt và hút máu’".

Trong Sách Biếu của Sư Phụ, Ngài cũng giải thích rằng Phật không có ăn thịt heo, mà là một loại nấm tên là nấm "giò heo" hay nấm "heo vui". Nấm này không thể tìm thấy trên mặt đất; nó mọc ở dưới mặt đất. Nếu muốn tìm thấy thì người phải được sự giúp đỡ của một con heo già, heo này rất thích ăn thứ nấm ấy. Heo kiếm nấm bằng cách dùng khứu giác ngửi, và khi tìm thấy, nó dùng chân bới đất sình lên tìm rồi ăn. Vì vậy mà loại nấm này được gọi là "heo vui" hay là "giò heo". Bởi vì thông dịch không cẩn thận và vì người ta không thật sự hiểu cái tên đó lấy từ đâu, nên những thế hệ về sau họ bị hiểu lầm, tưởng Phật là người ham ăn thịt. Thật là một điều đáng tiếc.

Một số người cũng nghĩ rằng thịt trong chợ không phải là do họ giết, cho nên ăn được. Tuy nhiên, làm như vậy là giết gián tiếp bởi vì "không có người mua thì không ai giết". Một số còn nghĩ rằng ăn chay không cần thiết về phương diện tâm linh.

Tuy nhiên, trong kinh Hoa Nghiêm có nói rất rõ ràng rằng: "Các chư Phật, Bồ Tát đều tập đức tính đại từ bi, và từ đức tính đại từ bi này phát sanh ra đại trí huệ, và với đại trí huệ này họ đạt được đại khai ngộ".

Sư Phụ giảng thêm: "Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật Thích Ca Mâu Ni nói rằng: Người tu hành nếu ăn thịt của chúng sanh, tối đa chỉ đạt tới đẳng cấp Ma Vương. Như vậy không có nghĩa là ăn thịt thì chúng ta có thể trở thành Ma Vương, mà có nghĩa là đẳng cấp của chúng ta quá thấp và tàn nhẫn tới nỗi chỉ xứng đáng làm Ma Vương thôi. Ăn chay không làm cho con người thành Phật, mà ăn thịt cũng không làm con người thành ma. Có điều những người vẫn còn ăn thịt, vẫn còn thụ hưởng thịt của chúng sanh, tức là trong tim họ có rất ít lòng từ bi, bởi vậy họ mới có thể hưởng thụ đời sống trong khi vẫn ăn thịt! Phật Tánh trong họ không thể nào thể hiện được hoàn toàn. Nếu Phật Tánh trong họ hoàn toàn phát triển thì họ sẽ thấy khó chịu mỗi lần trông thấy thịt; họ sẽ cảm nhận sự đau đớn của chúng sanh; họ sẽ không dám hoặc không muốn ăn thịt! Sẽ vô cùng thống khổ cho họ khi nuốt miếng thịt nào vào, họ không thể nào ăn nổi. Thể xác và tinh thần của họ không thể nào chấp nhận. Mắt họ từ chối nhìn; miệng họ từ chối nếm, sẽ là một phản xạ tự nhiên".
(Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị trong buổi cộng tu tại Ðài Bắc, Formosa, ngày 14 tháng 4, 1989)

Một số người nói rằng họ ăn thịt nhưng không chấp vào thịt, không ham mùi vị thịt. Họ tranh luận rằng có người ăn chay mà lại ăn cá giả, thịt gà giả, thịt heo giả, v.v... tức là họ hãy còn quyến luyến thịt. Theo sự hiểu biết của tôi thì những thực phẩm thay thế thịt này được chế biến để lôi cuốn và làm vui lòng những ai đã quen mùi vị thịt và giúp họ chuyển sang ăn chay dễ dàng hơn; quan trọng hơn hết là những thứ này không liên quan gì tới sự giết chóc và như vậy giúp bản tánh nhân từ của chúng ta phát triển.

Ăn chay là theo đúng nguyên tắc của nhà Phật, không nghi ngờ gì cả. Tại sao Ðức Phật lại đề chữ "không sát sanh" ngay hàng đầu của năm giới luật, nếu ngài không ăn chay và nếu ngài không yêu cầu đệ tử của ngài ăn chay?

Sau đây là một số lời dạy của Phật Thích Ca về việc ăn chay:


Kinh Phạm Võng

"Người nào ăn thịt là phá hủy cái nhân đại từ bi của Phật tánh trong họ, và những chúng sanh khác trông thấy họ sẽ bỏ chạy. Cho nên, tất cả các vị Bồ Tát đều phải tránh ăn thịt của bất kỳ chúng sanh nào, vì như vậy sẽ gây nên trọng tội". Kinh Lăng Nghiêm

"Những ai ăn thịt sẽ bị rơi vào vòng luân hồi rất khủng khiếp và phải chịu muôn vàn đau đớn."

"Những ai ăn thịt sẽ không bao giờ thành công trong việc cầu xin gia trì hay phước báu."

"Người ăn thịt khiến những thiên nhân phải tránh xa và chúng sanh khác phải sợ hãi".

Kinh Lăng Già

"Tất cả thánh nhân đều ghê tởm việc ăn máu hay ăn thịt... Thiên nhân không bao giờ tới gần những người ăn thịt vì miệng họ luôn luôn có mùi hôi... Thịt không tốt, thịt không sạch; ăn thịt phát sanh điều ác, sai quấy và hủy hoại phước báu và sự gia trì. Tất cả thánh nhân đều lên án việc ăn thịt!"

"Có những nơi, ta cấm không ăn mười loại thịt và cho phép họ ăn ba loại tịnh nhục, để giúp họ bỏ thịt dần dần rồi từ đó mới có thể tu hành. Bây giờ ta nói: Ta cấm tất cả các loại thịt, dù đó là thịt súc vật chết tự nhiên hay bị giết. Ta không bao giờ cho phép đệ tử của ta ăn thịt, và ta sẽ không cho phép trong hiện tại hay tương lai".

"Tất cả chúng sanh đều phát xuất từ cùng nguồn cội. Qua bao nhiêu kiếp luân hồi, tất cả chúng sanh đều đã là họ hàng với nhau. Sao chúng ta lại ăn thịt họ hàng của mình chứ?"

Kinh Niết Bàn

Kasyapa hỏi Phật rằng: "Sao hồi trước Ngài cho Tỳ kheo ăn ‘ba loại tịnh nhục’ hoặc thậm chí ‘chín loại tịnh nhục’?" Phật trả lời: "Bắt đầu là như vậy theo sự cần thiết lúc đó, làm bước đầu đi dần dần lên cho tới khi thật sự bỏ được thịt".