Những cải thiện tích cực trên tinh cầu
Quyền lợi thú vật trên địa cầu
Tổng hợp từ Truyền hình Vô Thượng Sư
Nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển những đạo luật nhân ái đối với thú vật để bảo vệ mạng sống của những thú vật vô tội trên trái đất, bao gồm cả những loài sống dưới đại dương. Càng ngày càng nhiều nhân vật trong giới lãnh đạo và quần chúng làm việc với cùng một mục đích, cống hiến cho phúc lợi của thú vật.

Một trong những dự án bao quát nhất của Hoa Kỳ để bảo vệ hải dương sinh đã được chấp thuận. Một hội đồng tiểu bang của California đã bỏ phiếu cấm hoặc giới hạn sự câu cá và đánh cá trong hơn 200 dặm vuông ngoài bờ biển trung bộ California. Những người đánh cá hoặc câu cá thương mại và giải trí không được xâm phạm 13 trong số 29 khu bảo tồn đại dương được Ủy ban Kiểm soát Ðánh cá và Săn bắn chỉ định. Việc đánh cá ngoài khơi cũng bị cấm trong 16 khu còn lại. Các Ủy viên và nhà bảo tồn thiên nhiên ca ngợi luật này là sự kiện đánh dấu việc bảo tồn đại dương (Kỳ phát hình 217).

Ngoài ra, Liên hiệp Bảo tồn Thế giới đang cố gắng bảo vệ đại dương xanh xinh đẹp! Một quyển sách hướng dẫn thiết lập một hệ thống những khu bảo tồn hải dương đã được Liên hiệp Bảo tồn Thế giới phác thảo. Trong cuộc họp thượng đỉnh về Vùng Ðại dương được Bảo vệ vào tháng 4, Kim niên 4 (2007), tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, 50 chuyên viên và nhà bảo tồn hải dương họp lại để kế hoạch việc gia tăng những vùng đại dương được bảo vệ. Ông Dan Laffoley, phó chủ tịch Ủy ban Thế giới về Vùng Bảo vệ cho biết: "Ðại dương của chúng ta đóng một vai trò cơ bản trong việc thay đổi và điều hòa khí hậu". (Kỳ phát hình 233)

Những quốc gia Nam Thái Bình Dương đã đồng ý chấm dứt thả lưới dưới đáy biển hầu bảo vệ hải dương sinh. Một hiệp ước lịch sử được ký kết tại Chí Lợi sẽ bảo vệ một phần tư đại dương trên thế giới. Việc thả lưới dưới đáy biển bởi các tàu đánh cá sẽ bị cấm trong những khu vực có những "hệ sinh thái đại dương dễ tổn hại". Các hệ thống kiểm soát sẽ được thiết lập để giám sát việc tuân hành luật mới. Phát ngôn viên cho Liên minh Bảo tồn Ðại dương, ông Matthew Gianni đã ca ngợi hành động này, và cho biết: "Ðây là những bước tiến lớn trong việc bảo vệ sự đa dạng sinh học của đại dương". (Kỳ phát hình 236)

Chính phủ Thụy Ðiển đã làm một đóng góp quan trọng cho việc bảo tồn môi trường đại dương. Chính phủ đã trợ cấp 500$ triệu kronor (71$ triệu Mỹ kim) cho một dự án bảo tồn đại dương trong 3 năm. Bộ trưởng Môi sinh Andreas Carlgren và Bộ trưởng Sự vụ Liên Hiệp Âu Châu của Thụy Ðiển, bà Cecilia Malmstrom cho biết ngân khoản này sẽ giúp phục hồi môi sinh trong vùng biển Baltic và Bắc Hải.

Nhiều dự án sẽ được đề xướng, bao gồm việc oxy hóa đáy biển và tái thiết lộ trình di cư thiên nhiên trong đại dương của nhiều loài cá. Thụy Ðiển cũng cứu xét việc hợp tác với những quốc gia thuộc vùng biển Baltic và Liên hiệp Âu Châu để bảo tồn những môi trường đại dương này. (Kỳ phát hình 241)



Chính phủ Anh sẽ xuất bản một tập sách mỏng khuyến khích những quốc gia chống đánh cá voi tham gia Ủy ban Chống Ðánh Cá Voi. Tập sách này gọi cá voi là loài "sinh vật nhạy cảm, sống kết đoàn" và cho biết việc bảo vệ và cứu vớt cá voi là "bổn phận của toàn thế giới". Thủ tướng Anh Quốc, ông Tony Blair chủ trương chống việc đánh cá voi, phát biểu: "Chúng tôi khuyến khích các chính phủ tham gia với Anh Quốc và những quốc gia chống đánh cá voi trong Ủy ban Quốc tế Chống Ðánh Cá Voi để bảo đảm rằng thế hệ chúng ta làm tròn bổn phận bảo vệ loài cá voi". (Kỳ phát hình 165)

Trong bản tin bảo tồn thú hoang, 5 quốc gia Nam Phi dự trù thành lập một khu vực bảo tồn thú hoang liên quốc gia. Bước khởi đầu này sẽ giúp ích rất nhiều cho bầy voi lớn nhất Phi Châu. Các bộ trưởng môi sinh của 5 quốc gia Phi Châu dự trù thành lập một vùng có diện tích 110 ngàn dặm vuông (288 ngàn cây số vuông) của Phi Châu để làm khu bảo tồn sinh hoạt tự do không ranh giới. Những khu vực đi lại tự do sẽ giúp ích cho khoảng 150 ngàn con voi. (Kỳ phát hình 227)

Hội Chống Giải phẫu Sinh thể Quốc gia (National Anti-Vivisection Society, NAVS) và Hội Bênh vực Thú vật Quốc tế (Animal Defenders International, ADI) vui mừng trước bản tin nói rằng Ái Nhĩ Lan có thể trở thành quốc gia Âu Châu đầu tiên trên thế giới cấm làm thí nghiệm trên loài khỉ. Sự tiến bộ này được hình thành sau một cuộc vận động lâu dài trong Liên Hiệp Âu Châu. (Tập 195)

Những khoa học gia Âu Châu gần đây thông báo rằng hầu hết những thí nghiệm trên thú vật sống giờ đây có thể thực hiện một cách nhân đạo. Khám phá này sẽ cứu mạng 20 ngàn con thỏ và 240 ngàn con chuột mỗi năm. Các khoa học gia Âu Châu đã loại trừ việc sử dụng thỏ và chuột để thử nghiệm mỹ phẩm và xà phòng rửa chén. Các khoa học gia tuyên bố rằng những thử nghiệm mới đáng tin cậy hơn trong việc kiểm soát sự an toàn của hóa chất trong mỹ phẩm và những sản phẩm khác. Một luật cấm hoàn toàn việc thử nghiệm trên thú vật sẽ có hiệu lực vào Kim niên 6 (2009). (Kỳ phát hình 237)

Tại Hoa Kỳ, nhiều cá nhân và đoàn thể cùng hợp tác làm việc để ủng hộ cho quyền lợi thú vật. Vào ngày 10 tháng 4, Kim niên 4 (2007), Ðạo luật Cấm cho Thú vật Giao đấu đã được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua. Quyết định nhất trí này đến từ đạo luật đã được Hạ viện đã thông qua trước đó. Sau 6 năm vận động, đây là một thắng lợi lớn cho Hội Nhân đạo và vô số thú vật. Ðạo luật hiện đang chờ đợi tổng thống Bush ký và lập tức thi hành, sẽ ngăn cản việc cho thú vật giao đấu bằng những hình phạt liên bang. (Kỳ phát hình 235)

Tại Anh Quốc, Ðạo luật Phúc lợi Thú vật đã được thi hành tại Wales. Luật này sẽ bảo đảm việc tất cả các thú vật nuôi trong nhà được cung cấp nhu cầu cần thiết bao gồm nước sạch, điều kiện sống thích hợp, bảo vệ không bị thương tích, và cho khả năng biểu lộ hành vi bình thường. Ðây là một thắng lợi lớn cho Hội Hoàng gia Chống Ðối xử Ðộc ác với Thú vật (The Royal Society for the Prevention of Cruelty to Animals, RSPCA), đã từ lâu tranh đấu cho đạo luật này. (Kỳ phát hình 203)

Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ tại Texas, Hoa Kỳ, gần đây đã tổ chức một lớp cứu thương dạy cho những người giám hộ thú vật cách điều trị chúng trong trường hợp khẩn cấp. Những người giám hộ đã học về cứu thương, bao gồm cách giúp đỡ thú vật đang bị nghẹt thở, cách ẵm bồng thú vật bị thương, và cách phục hồi hơi thở cho thú vật (cardiopulmonary resuscitation, CPR). (Kỳ phát hình 208)

Các bác sĩ và y tá, hơn bao giờ hết, đang điều trị cho thú vật cẩn thận giống như điều trị cho con người. Tại thành phố Chicago, Hoa Kỳ, một toán chuyên viên y khoa đã giải phẫu bướu ung thư từ mí mắt phải của một con gấu nặng 300 cân Anh. Ở Ðức, lần đầu tiên một cuộc giải phẫu mắt sử dụng siêu âm đã được thực hiện cho một con tê giác sơ sinh để trị bệnh mù bẩm sinh do cườm mắt. (Kỳ phát hình 234 và 238)

Nhà sinh vật học Donna Shaver đã cống hiến hơn 20 năm để cứu loài rùa biển Kemp’s Ridley đang bị nguy cơ diệt chủng. Theo Cơ sở Công viên Quốc Gia, tiến sĩ Shaver là chuyên viên giỏi nhất về loài rùa biển Kemp’s Ridley đồng thời cũng là nhà lãnh đạo về sinh học và cách phục hồi của rùa biển. Hồ sơ cho thấy nhờ các nỗ lực của tiến sĩ Shaver, hơn 24 ngàn con rùa biển Kemp’s Ridley sơ sinh đã được sinh nở an toàn và đã tìm đường trở về quê hương biển cả. (Kỳ phát hình 236)

Thật là điều đáng mừng khi càng ngày càng có nhiều người ra bước tiến bảo vệ thú vật, đồng bạn của chúng ta trên trái đất, kể cả những sinh vật dưới đại dương. Thêm vào đó, nhiều nỗ lực cũng tập trung vào việc giảm thiểu sự ô nhiễm đại dương, bao gồm ô nhiễm dầu xăng và rác bằng nhựa, đã làm tổn thương và giết hại nhiều sinh vật đại dương. Thật vô cùng cảm tạ các chánh quyềân, những cơ quan bảo vệ môi sinh và những cá nhân về những nỗ lực này.