Nếu không tu hành, chúng ta sẽ không biết khi nào Thượng Đế muốn mình làm công cụ cho Ngài, hành động của chúng ta có thể gây nên nghiệp chướng. Người ta nói rằng: "Nghiệp chướng vốn là không." Giả sử Thượng Đế muốn nhiều người biết về tôi, và muốn tôi làm việc nhiều hơn nữa để chia sẻ Chân Lý cho nhiều người đạo đức biết giáo lý và cho nhiều người đến nghe giảng pháp. Vì tôi không phải là người có trách nhiệm trong việc quảng cáo, nên Thượng Đế giúp tôi qua những người khác, nhất là những người có tiền và quyền thế, bởi họ làm chủ nhiều tờ báo về tôn giáo. Khi Thượng Đế làm việc qua những người này thì họ sẽ dùng lời giới thiệu, tán dương, nếu họ biết. Nhưng nếu họ không tu hành, lực lượng Thượng Đế đó có thể trở thành độc dược; những câu nói đáng lẽ là khen tặng lại trở thành phỉ báng.

Thành ra, ân điển của Thượng Đế không ích lợi bao nhiêu đối với những người không có tu hành. Một người tu hành trung bình nếu biết chia sẻ giáo lý của tôi đến với hàng triệu người sẽ được phước báu vô lượng, không bao giờ cạn, và thành Phật rất lẹ. Tuy nhiên, đối với những người không tu thì dù một sứ mệnh hay công tác vĩ đại Thượng Đế ban cho cũng sẽ trở thành nghiệp quả. Con người cầu được ân điển từ Thượng Đế, nhưng nếu không tu, những phước báu đó gần như là họ không dùng được. Khi bị đầy bụng thì dù đồ ăn ngon ăn vô cũng thành độc; dù uống thuốc bổ cũng không thể nào tiêu hóa. Quý vị ai cũng biết lý thuyết này. Giả sử chúng ta mắc bịnh dạ dày; uống sữa vô chỉ sinh thêm độc tố trong người. Tuy nhiên, sữa tốt cho trẻ em, làm người có sức khỏe, mạnh thêm. Nhưng nếu mắc bịnh dạ dày hay ruột thì ngay cả thức ăn ngon nhất cũng không tiêu hóa nổi và trở thành độc hại.

Thành ra, chúng ta cần phải thanh tịnh hóa thân khẩu ý của mình để có thể tiêu hóa được những phước báu cao từ Thượng Đế. Nếu không, càng được Thượng Đế gia trì, chúng ta sẽ càng bị nhiều vấn đề trở ngại. Lấy ví dụ trường hợp nhóm người truyền giáo kia mà chúng ta mới nói tới hồi nãy. Nếu họ thực hiện công việc này, giúp đỡ tôi thì họ đã được rất nhiều phước báu, họ đã hưng thịnh, được nhiều lợi ích và đạt được quả vị thánh nhân. Chẳng may, vì không khai ngộ cho nên họ đã không thực hiện công tác đó và gây nghiệp qua hành động của họ. Đôi khi họ làm việc với tư tưởng không tốt trong đầu, không nhận thấy rằng công việc đó là một vinh dự từ Thượng Đế. Cùng công tác đó, sứ mệnh đó, với kết quả đó nhưng lại cho họ nghiệp chướng thay vì phước báu.

Vì thế mà chúng ta cần phải tu hành. Chỉ tu hành ta mới có thể ngộ ra rằng nghiệp chướng vốn là không, và mới đầu không có nghiệp chướng nào cả. Chính đầu óc bị đầu độc của chúng ta đã làm sự an bày của Thượng Đế trở thành nghiệp chướng. Cho nên chúng ta phải tu Pháp Quán Âm để rửa sạch sẽ những thành kiến, rác rến trong đầu, rồi tất cả những gì đi vào sẽ ở trong tịnh thổ và trở thành nước cam lồ. Nếu không, dù làm nhiều bao nhiêu đi nữa, dù chăm chỉ thế nào, đó cũng chỉ là cho cái ngã của mình, vì danh lợi; không phước lộc gì cả. Chúng ta không biết đó là một sự an bày của Thượng Đế, của lực lượng tối cao, để thực hiện công việc qua đầu óc thân thể chúng ta. Điều này vượt ra khỏi sự hiểu biết của đầu óc.

Một khi thân khẩu ý trong sạch, cái gì chúng ta làm cũng đúng và mọi hành động đều hợp tình hợp lý. Thành ra phải tu là vậy. Bây giờ quý vị đã thấy rõ lực gia trì từ trên ban xuống như thế nào. Chính sự suy nghĩ không tốt trong chúng ta đã làm cho nó trở thành chất độc. Bởi vậy trong kinh Lục Tổ Huệ Năng đã nói: "Không nghĩ tốt nghĩ xấu đó là tâm Đạo." Đạo không nghiêng theo chiều hướng nào, nhưng như vậy không có nghĩa Đạo là được làm điều xấu. Chỉ khi nào làm qua cái đầu này, lúc đó nó mới trở thành xấu.

Cho nên, tu hành là quan trọng nhất. Tất cả kinh điển đều nhắc tới điều này, nhưng kỳ cục, không mấy ai hiểu được. Đầu tiên là phải tu thân, và tề gia trước rồi mới có thể trị quốc, bình thiên hạ. Nhưng con người vội vã đi bình thiên hạ, nghĩ đó là quan trọng nhất, còn ba việc kia là nhỏ không đáng để ý tới. Vậy làm sao có hòa bình thế giới? Giả sử nếu muốn xây nhà, chúng ta cần phải đặt móng trước. Không có nền tảng thì nhà càng cao càng nhiều vấn đề, sụp càng sớm. Thành ra, đừng nghe lời khuyên rằng ta có thể tu hành mà không cần giữ giới. Tôi đã nói rất rõ về điểm này.

 

~ Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị tại Đài Nam, Formosa,
Ngày 13 tháng 5, 1988 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)
Lời Pháp Cam Lồ

 

 

 

Ghi danh để nhận bản tin bằng điện tử

Quý vị sẽ nhận được bản tin mới nhất bằng điện tử, cũng như giáo lý chọn lọc và lời pháp cam lồ, v.v...

Bản Tin 121
Mục Lục