Thơ Vô Tử



Ðối với nhiều người, trải qua tình yêu, những đam mê, dục vọng trong đời thường lưu lại nhiều rung động con tim, những tiếc nuối, cảm tình cũng như kỷ niệm xúc động trong lòng, thậm chí kể cả những đau khổ tâm hồn khó có thể diễn tả ra ngoài. Khi đối diện với những thăng trầm của tình yêu đôi lứa, trái tim thường chất chứa nhiều cảm giác khác nhau, từ nỗi vui khôn tả, những giằng co tình cảm trong lòng, bàn cãi của lý trí, cho đến nỗi mong mỏi thơ ngây và ước ao vô cùng sao cho người mình yêu hiểu tâm tình ai thương nhớ. Con tim trưởng thành nhưng nông nỗi đã được Thanh Hải Vô Thượng Sư diễn tả một cách sống động, thấm thía hồn người trong sưu tập thơ Kỷ Niệm Vào Quên. Hợp tuyển đẹp tuyệt vời và đầy cảm động này đã cho đọc giả thấy một cách thiết thực sự khát khao của Sư Phụ trong việc kiếm tìm một tình thương thật sự.

Như tất cả mọi người, khi còn trẻ Sư Phụ cũng phải trải qua nhiều bài học ở đời. Trong sưu tập này, Ngài đã dùng những câu thơ giản dị nhưng rung động sâu xa nói lên mỗi khúc quanh của cuộc đời Ngài. Sư Phụ đã bày tỏ nỗi âu lo, sợ hãi trong bài thơ "Từ Ðộ Yêu Người"; những hy vọng của cuộc tình trong bài "Nếu" và bài "Trước và Sau"; cảm giác tuyệt vời, ngọt lịm của tình yêu trong bài "Nụ Hôn Buổi Sáng", "Tinh Tú Của Lòng Ta" và "Trước và Sau"; nỗi niềm nhớ nhung, lo lắng của hai kẻ yêu nhau trong bài "Nếu Ðừng Có" và bài "Tình Khúc Buồn".

Một số các thi phẩm trong quyển này, như bài "Làm Sao Xa", "Thay Lời Từ Giã", "Tôi Không Biết" và "Không Ngờ" truyền sang cho độc giả cảm giác đau lòng khi xa cách tình nhân. Ngoài nỗi niềm thất vọng và giằng co trong lòng giờ phút trước và sau khi chia tay, những bài thơ này còn miêu tả một cách linh động một mối tình siêu phàm vượt lên cả đam mê thế tục, cho thấy một khía cạnh sâu sắc hơn nữa của tình yêu. Tình cảm trong lòng của Sư Phụ thể hiện qua lời thơ một cách tự nhiên, khiến đọc giả hiểu được phần nào những phẩm tính sâu xa thầm kín của Ngài.

Ðời sống thế tục và những phấn đấu giằng co giữa những ham muốn, ước vọng khác nhau cũng được trình bày trong các thi phẩm của Sư Phụ, ví dụ như bài "Tôi Phải Làm Sao?" và bài "Nếu Ðời Vắng Anh". Những vần thơ đẹp, đầy lãng mạn cho thấy nỗi ước mơ khắc khoải muốn có một người tình trong bài "Ðêm Ðông Iserlohn", "ý Nghĩ Của Ngày Cuối Tuần", và "áo Chàng". Khi Sư Phụ trở về phố xưa, thấy mọi thứ đều thay đổi, Ngài đã diễn tả sự bình tĩnh, an nhiên trong bài "Phố Cũ Tình Xưa", "Không Chừng Ðã Trễ" và bài thơ "Ðiểm Cuối". Trong tất cả những thi phẩm của Ngài, dường như Sư Phụ đã đưa đọc giả trải qua một cuộc hành trình bắt đầu từ linh hồn bên trong ra tới những thể nghiệm bên ngoài trong tình yêu trần tục, giúp chúng ta cảm thông và hòa một với Ngài, đồng thời cho chúng ta nhận thấy sự thăng trầm của cuộc sống thế gian mà trong đó con người hoài vọng một cái gì đó siêu phàm.

Ai nói một nhà tu không còn tình cảm, không hiểu những thay đổi cuộc đời? Chúng ta thật may mắn có được một vị Minh Sư Khai Ngộ sẵn lòng chia sẻ với chúng ta những kỷ niệm xưa của Ngài tràn đầy tình cảm. Qua ân điển ấy mà những người đang trên đường tu học như chúng ta có thể hiểu thêm bản tính thật sự của con người, biết rằng tu hành không phải là trở thành khô khan như gỗ đá. Trái lại, chúng ta phải luôn luôn bày tỏ tình thương của mình đến tất cả những người yêu mến mình và những người mình yêu mến.