Nói quý vị hay chuyện này, với những người mới vô. Tôi không biết Tâm Ấn có ý nghĩa gì đối với quý vị, nhưng đối với tôi nó rất ý nghĩa. Không phải quý vị ngồi đó, nghe lời chỉ dẫn mà vẫn còn dùng dằng trong lòng không biết tôi có xứng đáng cho quý vị nhận làm Thầy hay không, hoặc buổi Tâm Ấn này có xứng cho quý vị chấp nhận không. Nó không phải như vậy. Nó là cơ hội một triệu năm chỉ có một lần. Tôi không biết nó có nghĩa gì đối với quý vị, nhưng quý vị nên biết tôi phải làm việc nhiều như thế nào, trước và sau khi truyền Tâm Ấn cho quý vị.

Không phải quý vị chỉ có ngồi phễnh ra đó rồi thắc mắc là có nên ở lại với tôi hay đi. Ở lại hay đi thì đó là vấn đề của quý vị, là sự lựa chọn, là quyền của quý vị. Tôi không hề có ý định trói buộc quý vị, muốn giữ quý vị, hoặc muốn làm bất cứ cái gì đối với quý vị, về thể xác, tinh thần cũng như tâm linh. Tôi chỉ đứng một bên làm một người bạn vô điều kiện, khi nào cần thì quý vị đến, nếu quyết định đi thì quý vị đi.

Thọ Tâm Ấn chỉ có nghĩa đó đối với quý vị. Giống như đi "chọn hàng". Bởi vì đầu óc quý vị quá tệ hại, không thể nhận ra sự khác biệt giữa kim cương thật và thủy tinh. Cho nên, quý vị giằng co, không biết nó có nghĩa là gì; thật tình là không biết.

Ít nhất, lúc chết quý vị sẽ biết, biết Tâm Ấn có nghĩa là gì. Lúc đó sẽ không có ai ở bên cạnh, không ai có thể đi theo quý vị, không tiền bạc nào mua được quyền thế cho quý vị, không địa vị nào có thể che chở quý vị khỏi ngọn lửa địa ngục. Lúc đó Minh Sư là người duy nhất đến với quý vị. Lúc đó quý vị mới biết.

Làm việc gì cũng phải làm cho hết lòng, như vậy mới được kết quả trọn vẹn. Nếu không thì không được gì cả. Dù đó là lúc truyền Tâm Ấn, nếu quý vị chỉ ngồi đó nghĩ đến người thầy cũ, vị Phật quá khứ, hoặc bất kỳ cái gì trong quá khứ thì sẽ không được gì cả ở đây. Rồi hỏi tôi tại sao không được. Thắc mắc tại sao mình tới đây, con đường này đúng hay sai.

Quý vị sẽ tiếp tục hỏi như vậy suốt đời, nếu cứ làm kiểu đó. Không ai có thể trả lời đủ được. Thời giờ của quý vị rất quý báu, thời giờ của tôi cũng vậy. Nếu thời giờ của quý vị không quý báu thì thời giờ của tôi quý báu. Tôi không có thời giờ đi xe buýt, máy bay khắp mọi nơi cho vui; không phải tới đây cho quý vị muốn gặp lúc nào thì gặp, lượn qua lượn lại muốn làm gì thì làm, rồi vô đây trách móc là không được gì cả, không biết tại sao mình vô đây, tại sao ngồi đây, tại sao làm cái này, cái kia, cái nọ. Quý vị đòi tôi phải làm tất cả cho quý vị, mà quý vị không làm gì cả, dù chỉ có một việc là vô đây ngồi!

Chúng tôi tổ chức tất cả cho quý vị; thậm chí quý vị không phải tổ chức cái gì. Quý vị không làm gì cả; không có gì phải làm. Nấu ăn người ta cũng nấu cho. Thế mà quý vị cũng không làm, dù một trách nhiệm nhỏ. Vậy quý vị nghĩ sao hả? Thấy vậy có được không? Nghĩ như thế sẽ được Trời Phật gia trì sao? Quý vị nghĩ quý vị được đủ thứ, còn tôi phải làm mọi chuyện, vậy mà một số quý vị vẫn chỉ trích như thường.

Hồi xưa, nếu muốn tìm Minh Sư hay bất kỳ vị thầy nào, quý vị biết phải làm sao không? Thậm chí bây giờ, nếu muốn vào đại học, quý vị phải trả tiền. Nếu quý vị không trả thì phụ huynh phải trả. Nếu họ không trả trực tiếp thì họ trả thuế chính phủ, rồi chính phủ trả lương thầy cô. Quý vị phải tới đó ghi danh, thi cử này nọ. Tốn rất nhiều thời giờ phiền phức.

Quý vị hay hỏi: Tại sao tôi không ra thuyết pháp, cứu nhân loại. Cứu có dễ không? Hôm nay, tại buổi Tâm Ấn, quyền năng tối cao của Thượng Ðế đã ở tại đây, đã hiện diện, vậy mà vẫn không lay động nổi một số người! Chỉ có lửa địa ngục mới có thể đốt được. Khó quá! Trái tim một số người cứng vô cùng, tới nỗi trước sự hiện diện của Thượng Ðế, trước lực lượng của Thượng Ðế, họ vẫn không động lòng!

Nghĩ tới đó mà tôi sợ! Tôi kinh hoàng khi nghĩ con người cứng như vậy đó! Cứng đến độ Quyền Năng Tối Thượng cũng không thể lay động được họ. Bởi vậy thế giới mới như vầy. Thành ra, đừng hỏi tôi tại sao có chiến tranh, có tai họa, có chém giết. Ông Trời đáng thương phải làm sao? Quyền lực này có thể làm núi lở, có thể làm biển cạn, có thể làm nguyên cả vũ trụ vỡ tan thành cát bụi. Vậy mà vẫn không thể làm động lòng trái tim của một số người! Thật là đáng sợ, chúng ta đã trở thành như vậy!

Quý vị thường bảo tôi đi tới đây, tới đó, nói chuyện, ở lại với quý vị, cứu bạn bè bà con giòng họ của quý vị, làm việc này việc kia. Nếu tôi từ chối, quý vị cảm thấy: "Tại sao Sư Phụ không làm việc của bà ấy? Tại sao bà ấy không có lòng từ bi, sao không thương loài người? Họ đã khổ lắm rồi", này kia kia nọ. Nếu làm được thì tôi đã làm rồi. Nếu Chúa Giê Su làm được, Ngài đã làm xong xuôi rồi, không cần phải đợi tới chúng ta. Nếu Chúa Giê Su cứu được thế giới thì Ngài đã làm rồi. Nếu Ðức Phật cứu được thế giới thì đã không tới phiên tôi, không tới phiên quý vị.

Thấy khó không? Bởi vì chúng ta quá hãnh diện, quá cao mạn, nghĩ rằng mình biết nhiều, mình biết kinh điển này, kinh thánh kia... biết hết những cái đó, thuộc lòng tất cả. Chúng ta hãnh diện với sự hiểu biết ngu muội của mình rồi tưởng rằng mình biết hết. Thế nên khi người nào muốn dạy chúng ta điều gì mới, chúng ta từ chối hoặc bắt lỗi họ. Chúng ta muốn chỉ trích hoặc cho người khác thấy rằng mình hay, mình giỏi, rằng mình biết tất cả, biết nhiều hơn người kia. Nhưng chúng ta chỉ tự làm hại mình, chận con đường về bến tự do, chận con đường đi đến sự hiểu biết thật sự. Chúng ta tưởng tất cả những gì quảng cáo là vật thật rồi hãnh diện về nó.


Tiền Ðạo, Hậu Ðời