Những Mẫu Chuyện Trong Thuở Ban Sơ Sống Với Sư Phụ Phần I:



Sư Phụ của chúng ta, đồng một thể với vạn vật và cảm nhận được mọi buồn vui của tất cả chúng sanh như của riêng Ngài, không chịu nổi mỗi khi trông thấy một sinh vật đau đớn dù nhỏ bé tới cỡ nào. Những giai thoại dưới đây cho thấy sự chăm nom dịu dàng, tỉ mỉ và tình thương như trời biển của một bậc Thánh Nhân thể hiện một cách tự nhiên qua lời nói và hành động thường ngày.

 

Sự Sống Cũng Có Trong Củi

Trong dãy núi rừng cây rậm rạp chung quanh Ðạo Tràng Tây Hồ, những cây chết, cành khô rải rác khắp mọi nơi. Cho nên chúng tôi ít khi nào dùng ga đốt lò sưởi hoặc nấu ăn. Có lần Sư Phụ thấy một đệ tử thường trú đang châm củi đốt lò, Ngài lập tức chạy đến bảo chị ấy rút cây củi đó ra: "Sao cô không cẩn thận gì cả vậy? Sư Phụ đã bảo rồi là phải kiểm soát coi trong củi có sâu bọ hay sinh vật nhỏ gì không rồi mới đốt. Nhất là kiến, chúng rất thích chui trong lỗ tre và thân cây, thành ra, làm ơn nhìn cẩn thận!"

Khi chúng sinh bị đốt, Sư Phụ cảm thấy đau.


Loại Ðệ Tử Thứ Năm

Mỗi khi những quả hồng màu vàng đỏ ngon lành mời mọc trên cây bắt đầu chín trong vườn hồng nơi Sư Phụ từng cư ngụ, Ngài gọi đệ tử tới hái. Nhưng Ngài đặc biệt dặn dò: "Ðừng hái hết nghe; hãy để mấy quả lại cho chim." Trong nhà bếp chúng tôi, chim cũng là những vị khách thường xuyên. Ngài dặn chúng tôi để sẵn một tô nước sạch, một ít cơm cho chúng mỗi ngày.

Ở Tây Hồ, Sư Phụ cười nói rằng Phật Thích Ca có bốn loại đệ tử: đệ tử xuất gia nam và nữ, và đệ tử tại gia nam và nữ, nhưng Ngài có đệ tử loại thứ năm; đó là thú vật -- những con chim, con chó đi lạc thỉnh thoảng ghé chơi, những con bò, con cừu, con gà hàng xóm thường băng qua ranh giới Trung Tâm sang ăn cỏ.

Không phải chỉ có loài người thích ở gần Sư Phụ mà loài vật cũng thích luôn. Trong những chuyến đi hoằng pháp của Sư Phụ và những lần lưu lại ngắn ngủi tại nhiều quốc gia trên thế giới, một số đệ tử thuộc loại thứ năm này thỉnh thoảng tới chơi, quyến luyến bên Sư Phụ không muốn bỏ đi.


Ðáp Lời Cầu Cứu

Có lần Sư Phụ đang đưa chúng tôi đi bách bộ chung quanh một ngọn núi gần Ðạo Tràng Tây Hồ. Chúng tôi vừa đi, vừa nói chuyện, vừa cười. Bỗng nhiên Sư Phụ dừng lại, đầu cúi xuống, và tất cả chúng tôi cũng dừng chân. Rồi Ngài dùng gậy tre gõ nhẹ trên mặt đất, nói với đệ tử đang đứng phía sau: "Coi chừng, có con bướm chỗ này." Không biết vì lý do gì mà một con bướm đậu ngay giữa lối đi, không động đậy. Cũng may nó được gặp Sư Phụ chúng ta, đồng một thể với mọi vật, nếu không chắc là khó lòng sống sót khi chân chúng tôi, một "đàn voi mù", băng qua chỗ đó.

Một lần khác, khi Sư Phụ đang đi bộ quanh núi, bỗng nhiên Ngài kêu tên của một đệ tử thường trú không có mặt ở đó. Sau đó chúng tôi nhắc lại chuyện này với vị ấy, chị tiết lộ rằng lúc đó chị đang đau quằn quại trong lều và đang cầu Sư Phụ giúp. Sau khi Ngài kêu tên của chị, tình trạng hiểm nghèo qua khỏi!



Truyền Âm Thanh Từ Xa

Có lần Sư Phụ đang nấu ăn trong nhà bếp, còn tôi đang tưới rau trong vườn cách đó một khoảng xa. Vòi nước chảy, tôi ngậm miệng hát nhỏ vài bài tân nhạc, vừa làm việc. Mặc dầu tiếng nước lớn hơn tiếng hát, tôi nghe thấy giọng Sư Phụ nói ra từ trong nhà bếp: "Không chịu niệm tên năm vị mà lại hát nhảm nhí gì thế!" Tôi lập tức im mồm. Tai Sư Phụ thính quá! Nghe được tiếng tôi tuốt từ xa như vậy.

Mỗi người đều có một chấn động lực và từ trường nào đó. Nhất là sau khi được Sư Phụ truyền pháp, "làn sóng não bộ" phát ra từ ý nghĩ, tư tưởng dù nhỏ nhất cũng có thể quấy rầy Sư Phụ được. Sư Phụ giống như một cái máy thâu vĩ đại liên tục tiếp nhận những dấu hiệu chấn động từ mọi phía. Cho nên, nếu đầu óc chúng ta không luôn luôn trong Ðạo khi ở cạnh Sư Phụ, chúng ta sẽ dễ dàng ảnh hưởng tới Ngài.

Sư Phụ đã nói: "Âm Thanh bên trong có thể đưa chúng ta lên những cảnh giới cao, và chúng ta sẽ phát triển mọi khía cạnh. Càng lên cao, chúng ta càng thấy rõ, cho tới lúc cuối cùng, chúng ta có thể nhìn thấy từng ngõ nghách trong Vũ Trụ. Lúc đó chúng ta câu thông được với bất kỳ chúng sinh nào, bởi vì chúng ta đã trở thành đồng nhất thể với toàn Vũ Trụ." (Lời của Thanh Hải Vô Thượng Sư, Nhật Bản, ngày 18 tháng 10 năm 1993, nguyên văn Hoa ngữ, băng thâu hình số 382) Ðiều này cho biết tu pháp Quán Âm, mỗi chúng ta đều có thể đạt được đẳng cấp "đồng nhất thể với vạn vật".



Những Mẫu Chuyện Trong Thuở Ban Sơ Sống Với Sư Phụ
Phần II:



Một tối nọ, trước ngôi Nhà Kính của Sư Phụ tại Tây Hồ, Ngài sắp sửa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Naropa (Thầy của một đại thánh nhân ở Tây Tạng, Milarepa). Thấy quyển sách tiếng Anh dày, bìa cứng đang nằm trên bàn Sư Phụ, chúng tôi biết sắp sửa được một buổi tối tuyệt vời. Thường thường trong lúc kể chuyện cho chúng tôi nghe, ít khi Ngài tra tự điển. Nhưng tối hôm ấy, Sư Phụ đặc biệt yêu cầu thị giả mang theo cho Ngài một quyển, lỡ ra cần tới. Sách này được dịch từ kinh Mật Giáo của nhà Phật nên thường hay có những từ ngữ chuyên môn. Vì vậy Sư Phụ đã ân cần xem sơ qua nội dung, trước khi đọc cho chúng tôi nghe.

Naropa phải trải qua đủ mọi sỉ nhục và thử thách trên bước đường tìm Ðạo. Với năng khiếu kể chuyện tài tình, Sư Phụ đã biến nó ngàn lần hay hơn thường lệ, hết tình tiết này sang tình tiết khác. Tâm hồn chúng tôi bay bổng sang vương quốc cổ xưa bên Tây Tạng, và quên hẳn thời gian.

Tới giữa khuya thì Sư Phụ đọc xong câu chuyện. Khí trời vào đêm ẩm ướt, đầy hơi sương. Sau khi chúc mọi người ngủ ngon, Sư Phụ trở vào căn Nhà Kính của Ngài, và đọc nữa. Ngôi nhà này mang tên "Kính" là vì nó có những tấm kính vuông rất lớn ở cả bốn bên. Các khung cửa đượm những giọt sương đêm lóng lánh, thỉnh thoảng tụ thành từng tia nước nhỏ lăn dọc theo tấm kính. Ngọn đèn vàng trên bàn phản chiếu bóng dáng mảnh mai của Sư Phụ trong ánh sáng lập lòe mềm dịu. Một hình ảnh mơ huyền như cảnh giới pha lê!