Những Mẫu Chuyện Trong Thuở Ban Sơ Sống Với Sư Phụ
    Phần III:

Sư Phụ thích làm việc về đêm khi vạn vật yên tịnh và bầu không gian huyên náo của ban ngày lắng xuống. Khi mọi người khác đang say giấc điệp thì vị Thánh Sống tiếp tục một giai đoạn khác trong công việc của Ngài.

Có lần Sư Phụ mời một đệ tử thường trú tới ngủ trong phòng của Ngài. Sáng hôm sau, chị trở về phòng làm việc mặt có vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Những đệ tử thường trú khác tò mò hỏi chị tại sao trầm tư quá vậy. Chị trả lời tối hôm trước, Sư Phụ dặn dò nhiều việc, và hôm nay chị phải ráng nhớ lại. Chúng tôi thắc mắc tại sao chị không đem theo giấy bút, chị trả lời: "Sao tôi biết phải đem theo giấy bút trước khi đi ngủ?" Sau khi chuyện này xảy ra, chúng tôi nhận thấy rằng Sư Phụ thật tình không ngủ khi tới giờ đi ngủ, mà Ngài tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ suốt đêm.

Vào năm 1993, trước khi rời Formosa để đi hoằng pháp trên thế giới, Sư Phụ giảng một bài rất hay trong Viện Kỷ Niệm Quốc Phụ tại thành phố Ðài Bắc trước lời thỉnh cầu của cộng đồng địa phương. Buổi tối trước khi thuyết pháp, Sư Phụ bỗng dưng hỏi quyển sách Trang Tử đang được cất giữ trong nhà để đồ quý ở Tây Hồ. Người đưa tin bảo chúng tôi tìm quyển sách đó và gửi về Ðài Bắc càng nhanh càng tốt. Ngày hôm sau, chủ đề bài thuyết giảng của Sư Phụ là "Lão Tử, Trang Tử và Âm Nhạc Thiên Ðàng." Sau đó Sư Phụ đi Nam Dương và tiếp tục nói về Lão Tử và Trang Tử. Những trường hợp không chuẩn bị trước như vậy thường hay xảy ra khi chúng ta ở gần Sư Phụ.

Một lần khác, trời đã vào khuya, và tôi đang làm việc quá giờ trong văn phòng. Khi tôi bắt đầu cảm thấy buồn ngủ và sửa soạn lên giường thì điện thoại reo. Ðó là Sư Phụ hỏi quyển sách viết về Minh Sư Tson-Kha-Pa, người sáng lập giáo phái xuất gia Gelugpa (Mũ Vàng) bên Tây Tạng, và sách đó ở đâu. Tôi nhìn đồng hồ thì đã 12 giờ đêm. Thấy Sư phụ còn thức đọc sách, cơn buồn ngủ của tôi liền biến mất.

Những Mẫu Chuyện Trong Thuở Ban Sơ Sống Với Sư Phụ
Phần IV:

Một lần trong lúc tôi được dịp soạn lại tủ sách cho Sư Phụ thì một quyển vở nhỏ, giấy rời đã khiến tôi để ý. Tôi thử mở ra xem thì những hàng chữ mềm mại của Sư Phụ hiện ra như chào đón. Tôi chỉ nhìn vài dòng, nhưng nó mạnh vô cùng. Tôi không dám đọc nữa, và đóng quyển tập lại. Ðây chỉ là một quyển vở giản dị, tầm thường, lúc đó ít người dùng tới. Vậy mà Sư Phụ đã dùng nó để ghi xuống nguồn cảm hứng vô giá của Ngài!

Sư Phụ là một người bình dị. Nhưng vì đầu óc phức tạp, thiếu tự nhiên mà chúng tôi đã không biết những thứ Ngài cần trong lúc làm thị giả cho Ngài. Có một thời gian, Sư Phụ nhiều lần phải rút khăn giấy ra để viết, nói đùa đó là do "hội đồng thông minh" của Ngài. Thật ra đó là do chúng tôi quên không cung cấp sổ tay cho Sư Phụ, vì vậy ban đêm mỗi khi cảm hứng đến, Ngài phải dùng khăn viết. Muốn ghi xuống những cảm hứng, bất cứ giờ phút nào, Sư Phụ cũng để cạnh giường một cây đèn bấm nhỏ để viết ban đêm.

Có lần Sư Phụ tới thăm chúng tôi trong văn phòng. Khi thấy những xấp giấy nhỏ màu vàng dùng để ghi chú trên bàn tôi, Ngài vui như trẻ con vừa khám phá ra đồ chơi mới. Ngài lấy những xấp giấy đó đem đi ngoại quốc. Trong văn phòng, những xấp giấy ghi chú nhỏ, tiện nghi này đã có từ lâu, vậy mà không người nào nghĩ tới việc mua cho Sư Phụ! Chính Ngài là người cần nhất!

Chúng tôi cũng quên không để trong phòng Sư Phụ một quyển lịch; Ngài phải gọi điện thoại nhiều lần hỏi ngày tháng. Hơn nữa, mỗi khi Sư Phụ vẽ kiểu quần áo, nữ trang, hay đèn, Ngài chỉ có vài cây bút màu; nhiều khi cũng không tìm thấy thuốc trắng để xóa, trong khi văn phòng làm việc của chúng tôi có đủ thứ bút màu trong tầm tay với, nhưng chúng tôi lại không sáng tác được gì. Tuy vậy, Sư Phụ, nhà vẽ kiểu tài ba, có thể vẽ cả một vũ trụ với vài cây bút đơn sơ!

Những Mẫu Chuyện Trong Thuở Ban Sơ Sống Với Sư Phụ
Phần V:


Một buổi trưa tại Tây Hồ, trời có vẻ sắp mưa. Không khí nặng nề, ngột ngạt. Lúc đó, khi đang làm việc yên lặng tại văn phòng, bỗng nhiên chúng tôi nghe thấy một tiếng nổ phát ra từ nhà bếp của Sư Phụ, cách văn phòng làm việc của chúng tôi chỉ vài ba thước. Trong lúc chúng tôi -- một đám nữ thường trú -- đang hoang mang, lo lắng, thì nghe thấy tiếng cười khúc khích, chúng tôi thở dài nhẹ nhõm! Có tiếng cười thì chắc là mọi việc bình an vô sự. Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Thì ra Sư Phụ bảo một người đốt pháo, rồi sau đó bảo một người sang chỗ chúng tôi hỏi: "Tiếng nổ đó có làm quý vị sợ không?" Vị Thầy tinh nghịch của chúng ta đã làm mọi người vui lên một cách thành công. Bầu không khí ảm đạm thê lương lúc nãy tự nhiên và dễ dàng tan biến.