Sư Phụ Khai Thị




























Thanh Hải Vô Thượng Sư khai thị
tại thiền thất, ý Lan, Formosa
Ngày 12 tháng 8 năm 1988 (Nguyên văn tiếng Trung Hoa)

Khi tự lập tự cường, chúng ta biết được khả năng, trí thông minh, những khuyết điểm của mình và do đó biết được cách xử dụng, đối phó với những cái đó. Nếu không, chúng ta sẽ không có cơ hội để dùng trí huệ, và vì thế nó có thể bị hao mòn. Hoàn cảnh khó khăn, khó chịu hoặc không hoàn hảo là những hoàn cảnh có lợi cho chúng ta nhiều nhất.

Không nên nghĩ rằng tu hành chỉ có ngồi xếp bằng, thiền định. Không, không đúng! Làm như vậy chúng ta không thể xử dụng trí huệ của mình, mà trí huệ chỉ có ý nghĩa khi nào chúng ta dùng nó. Giả sử quý vị sống như vầy: Lên núi ở, khóa mình trong thiền định, và được đưa lên những cảnh giới thật cao, thấy những thể nghiệm đẹp, rồi sau khi thiền xong, ăn uống, rồi trở lại những cảnh giới cao của mình. Sống kiểu đó có lợi ích gì cho xã hội về mặt vật chất? Không! Trí huệ của quý vị có lợi ích cho ai? Không! Người ta nói rằng làm việc cũng là một loại thiền; ăn, ngủ cũng vậy.

Khi quý vị làm việc, Sư Phụ bên trong của quý vị làm việc, không phải thể xác này. Thành thử, khi làm việc, chúng ta nên biết và nên nhớ rằng Sư Phụ bên trong của mình luôn luôn đang làm việc với đôi tay của mình. Lấy ví dụ, nếu chúng ta thấy chỗ này không có nước, nhưng có nhiều người cần dùng nhà tắm, Sư Phụ bên trong sẽ tìm giải pháp. Chỗ này cần phải mở rộng ra, cỏ chỗ kia cần phải cắt, và cần phải làm thêm phòng tắm, thêm nhiều vòi nước.


Quý vị hay tự mình làm hư mình, bởi vậy nên trí huệ không phát triển. Thấy không, tất cả những Thánh Nhân khai ngộ trong lịch sử đều tự rèn luyện cho chính họ, hoặc được những tình trạng, hoàn cảnh không thuận lợi huấn luyện họ trước khi khai ngộ. Cho dù họ không cố tình dạy dỗ chính họ, họ cũng được dạy bởi những hoàn cảnh trong đời sống để trở nên những con người nhẫn nại.

Có thể quý vị cảm thấy khó tin nếu tôi kể quý vị nghe tất cả những sự cực khổ mà tôi đã phải trải qua từ khi còn nhỏ tuổi. Quý vị chỉ nghe nói tôi sinh trưởng trong một gia đình khá giả, và giàu sang sau khi lập gia đình, nhưng mấy điều này chỉ là một phần của đời tôi. Thí dụ như, người ta hỏi: "Sư Phụ người nước nào?" Ðương nhiên tôi trả lời: "Tôi người Âu Lạc." "Cha mẹ bà làm nghề gì?" Tôi trả lời: "Họ là đông y sĩ." Rồi họ hỏi: "Bà có gia đình không?" Tôi nói: "Có." "Con cái gì không?" Tôi trả lời: "Không." "Chồng cũ của bà làm nghề gì?" Tôi nói: "Ông làm bác sĩ." Rồi họ hỏi: "Bác sĩ gì?", tôi đáp: "Về răng và cũng là bác sĩ giải phẫu."

Thế là người ta thâu nhặt những câu trả lời này, viết thành một bài tiểu sử về tôi. Nhưng những dữ kiện ở bên trong đâu có trọn vẹn. Quý vị sẽ không tin "tiểu sử thật" của tôi. Cho nên chỉ cần bấy nhiêu là đủ; nếu không, có thể viết được cả một quyển sách dày! Thật ra, từ khi còn rất trẻ tôi đã phải chịu đựng nhiều, không phải vì hoàn cảnh mà vì tôi muốn huấn luyện bản thân trong những tình trạng không được thuận lợi. Lúc đó, tôi thật tình không cảm thấy đớn đau gì cả, nhưng bây giờ nhìn lại thì thấy những hoàn cảnh đó thật là khổ hạnh!

Thành thử, sống trong những tình trạng không thuận lợi, trí huệ của quý vị sáng suốt, quý vị trở nên tĩnh lặng, trầm tư, rồi quý vị biết thế nào là Chân Lý. Ðó là Chân Ngã của quý vị nghĩ, khi quý vị đang nghĩ. Chân Ngã của quý vị cũng an bày những tình trạng như vầy. Tại sao? Bởi vì lúc đó quý vị đang chịu đựng những nghiệp chướng trước kia, do chính quý vị đã gây ra. Lấy ví dụ, Chân Ngã của quý vị "an bày" một người nào đó tới trừng trị quý vị hoặc la mắng quý vị bằng cách gây ra một hoàn cảnh không vui. Thật ra, điều này là do nghiệp chướng của chính quý vị, được an bày sắp xếp như vậy bởi Chân Ngã của quý vị.

Ví dụ, kiếp trước quý vị đánh đập nhiều người. Nếu kiếp này quý vị được giải thoát thì những người bị đánh đập kiếp trước sẽ than trách trong linh hồn của họ, và linh hồn quý vị sẽ biết. Chân Ngã của quý vị biết bằng cách ghi lại tình trạng đó bằng một cái máy đặc biệt, máy này ghi xuống tất cả một cách khách quan, công bình cho quý vị hiểu rằng quý vị nên để cho những người bị đánh đập trước kia trả thù quý vị. Vấn đề là như vậy. Thành ra, nên biết rằng khi một người khác la mắng quý vị thì đó là chính quý vị đang la mắng quý vị đó; không nên trách móc người nào cả.

Ðôi khi có những người đến gặp tôi, trông họ rất là ngọt ngào, dễ thương, khiêm tốn, khi vừa mới thấy tôi họ như muốn cúi rạp người xuống lạy. Nhưng tôi vẫn la họ mỗi lần gặp mặt. Quý vị đâu có hiểu; nhưng không sao, bởi quý vị không thể nhìn xuyên qua được nghiệp chướng, cái ngã vi tế, hoặc những nhân quả mong manh. Quý vị chỉ có thể thấy những cái ngoài mặt thay vì những cái chính yếu bên trong. Cho nên cứ tưởng rằng những người này là tốt. Ngược lại, một số quý vị bên ngoài trông thô kệch, nhưng bên trong rất tốt. Chúng ta biết được điều đó sau khi ở với họ một thời gian. Quý vị có bao giờ thể nghiệm như vậy chưa? (Khán giả: Dạ) Tôi nói là như vậy đó.