Do nam đồng tu Lulumy, Ðài Bắc, Formosa


Tôi là người mới chập chững vào đời, để lại sau lưng tuổi học trò. Nhưng trong những năm tháng lớn khôn, tôi có một số kinh nghiệm, ý kiến bản thân xin được chia sẻ với các đồng tu bậc phụ huynh, hy vọng quý vị sẽ hiểu thêm và thông cảm hơn về lề lối suy nghĩ, cư xử của giới trẻ thời nay.


Tình Cảm

Tôi nghĩ tình bạn giữa những người đồng lứa tuổi, liên hệ gia đình, tình yêu trai gái, tất cả những cái này đều có ảnh hưởng tới thanh niên, thiếu nữ về phương diện tình cảm, nhưng tình bạn có lẽ được giới trẻ coi như là quan trọng nhất. Ðối với người trẻ tuổi mới bắt đầu tự suy nghĩ cho mình, tự phán đoán theo ý mình thì những phản ứng và thừa nhận của bạn bè đồng lứa đóng vai trò chính. Ðồng thời, giới trẻ cũng muốn chứng tỏ bằng nhiều cách khác nhau rằng chúng đã lớn rồi. Thí dụ như chúng muốn được tự do về trễ, có quyền sắp xếp đời sống cho riêng mình, rất trung thành đối với bạn bè và không muốn làm họ phật lòng. Cho nên đôi khi tình thương, sự săn sóc của cha mẹ đối với chúng có thể trở thành tù túng, như trong những năm mới lớn, tôi thường cảm thấy mẹ tôi kiềm chế tôi thái quá. Mặc dù, ngày nay tôi thông cảm trái tim tràn đầy tình thương của mẹ tôi, nhưng hồi đó tôi chỉ để lời khuyên của mẹ tôi vào tai này bay ra tai kia.

Tôi đề nghị trong thời gian này cha mẹ nên làm nhà của họ trở thành một chỗ nương tựa tinh thần cho con cái. Khi chúng về nhà trong lòng đau buồn vì người ngoài, xin đừng la mắng. Trái lại, hãy giúp chúng hàn gắn đau thương càng nhanh càng tốt. Dù rằng sau khi vết thương lòng lành lặn, chúng có thể lại ra ngoài chơi, rồi bị tổn thương lần nữa, nhưng đây là tiến trình học hỏi mà đa số các thanh niên, thiếu nữ trẻ tuổi phải trải qua. Cha mẹ cần kiên nhẫn và sẵn sàng nâng đỡ. Tôi nhớ có lần, sau khi đi chơi với bạn, tôi về nhà trong lòng không vui. Mẹ tôi đã không thắc mắc chất vấn tại sao tôi về trễ, trái lại còn hỏi han tôi đã ăn uống gì chưa, rồi vội vàng đi làm thức ăn cho con. Tối hôm ấy tôi vừa ăn vừa nước mắt lưng tròng, quyết định về sau sẽ không bao giờ chống đối mẹ tôi như trước nữa.

Về vấn đề tình yêu, tôi thiết nghĩ tốt hơn là chúng ta nên dạy giới trẻ phải tôn trọng và hòa thuận với những người bạn khác phái thay vì cấm ngặt tất cả sự giao dịch. Sẽ ích lợi cho sự phát triển tính tình con cái nếu chúng được dạy trong những quan niệm đúng đắn, lành mạnh về tình thương trai gái và những gì chúng có thể học hỏi được từ những người bạn này. Vì thiếu kinh nghiệm, giới trẻ có thể chưa hiểu được ý nghĩa thật sự của tình yêu, nhưng giúp chúng trau dồi mối tương quan, giao tiếp lành mạnh với bạn bè khác phái thì tốt hơn là ép chúng trở thành "cục gỗ" khô khan.

 

Việc Học

Ðối với đa số phụ huynh, việc học ở trường là mối quan tâm hàng đầu của họ, bởi vì trong xã hội coi trọng bằng cấp này, có học vấn tốt thì dễ kiếm việc hơn. Mặc dầu tôi có cử nhân đại học, nhưng cũng xin thú nhận rằng tôi không bao giờ thích học. Có lẽ nhờ duyên số mà tôi được lên trung học đệ nhị cấp sau khi học xong trung học đệ nhất cấp, rồi lên đại học, tất cả xảy ra một cách êm xuôi. Trong những cuộc thi vào đại học, điểm số tối đa là 600. Ðiểm của tôi chỉ có 180 trong kỳ thi thử đầu tiên ở trường, và 190 trong kỳ thi thử thứ hai. Nhưng tôi tiến bộ rất nhiều, được 280 điểm trong kỳ thi thử thứ ba, và cuối cùng đậu vào một trường đại học với điểm số là 300 trong một nửa kỳ thi. Số điểm này chỉ vừa đủ cho tôi chọn một viện đại học tại Ðài Bắc chỉ cách nhà mười phút lái xe. Lúc đó, con đường tu hành của tôi không vững vàng cho lắm. Nếu phải đi học ở một nơi khác xa nhà thì có lẽ tôi đã tu hành biếng nhát. Nhưng vì được ở trong thành phố này, nên không những tôi có thể đi cộng tu đều đặn mà còn có nhiều cơ hội tham gia công tác tại Trung Tâm địa phương, nhờ thời khóa biểu học rất uyển chuyển. Do đó tôi trở nên kiên quyết hơn trong việc tìm Chân Lý.

Vì những lý do này mà tôi tin rằng sự học vấn có liên quan tới duyên phận và khả năng thiên phú. Chúng ta nên để sự việc xảy ra một cách tự nhiên. Tuy vậy, dầu rằng cha mẹ không cần ép buộc con cái học hành, nhưng cũng nên cho con trẻ biết rằng thiếu học vấn cao, đời sống sẽ khó khăn hơn trong xã hội ngày nay, và vì lý do đó mà chúng có thể cần phải lao động kiếm tiền. Không sớm thì muộn trẻ con sẽ phải đối diện với tương lai của riêng mình. Nếu phụ huynh giúp chúng trông thấy rõ ràng và suy nghĩ kỹ lưỡng về sự lựa chọn của chúng, mai sau chúng sẽ không tiếc nuối.

 

Tu Hành

Trong những năm mới lớn, tôi thường cảm thấy mình khác với những đứa trẻ khác. Không những là một người ăn chay trường, tôi còn phải ngồi thiền mỗi ngày hai tiếng rưỡi và giữ giới luật, cho nên tôi cảm thấy rất khó giữ bạn bè được dài lâu. Mỗi ngày giống như phải chọn giữa tu hành và tình bạn. Tôi thường nghĩ: "Tại sao mình phải tu?" hay "Tại sao không thể được cả hai?" Thậm chí có một thời gian, tôi đi chơi với bạn từ 8 giờ tối cho tới 8 giờ sáng hôm sau, rồi ban ngày vào lớp ngủ gật. Không ai biết tôi đang làm gì, ngay cả chính tôi cũng không biết nữa! Tôi chỉ biết rằng mình đang muốn tìm vui, nhưng sau khi tìm kiếm khắp nơi ở ngoài kia, tôi chẳng thấy. Cuối cùng, tôi mới ngộ ra rằng chân hạnh phúc mà có thể làm cho tôi tự tại đang ở trong tôi.

Nhiều tiểu đồng tu thọ Tâm Ấn khi còn rất trẻ. Cho nên đối với chúng, sự tu hành được coi như là một lối sống mà thôi, và chúng đã quen như vậy từ nhỏ. Khái niệm "giải thoát" đối với chúng nghe thật xa vời, bởi vì chúng hãy còn quá tò mò về một thế giới đầy cám dỗ. Nếu luôn luôn bị cấm không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì có thể chúng không bị những ảnh hưởng xấu xa, nhưng bảo vệ, che chở quá kỹ cũng có thể bị hậu quả ngược lại. Cách dạy dỗ có tầm ảnh hưởng mạnh nhất là tấm gương không lời từ cha mẹ, bởi vì lực lượng có thể thật sự làm rung động đáy lòng con trẻ là sự hăng hái tu hành và tình thương thắm thiết từ cha mẹ. Vì lý do này mà ngay cả trong những lúc chán nản, tôi cũng không bao giờ nghĩ tới việc rời bỏ đại gia đình Quán Âm, vì tôi không thể tưởng tượng được mình sẽ sống ra sao dù chỉ một "ngày mai" thiếu pháp Quán Âm.

 

Kết Luận

Tại sao tôi viết thư này cho phụ huynh thay vì cho giới trẻ? Bởi vì đa số những người tuổi hoa niên hay tò mò đủ thứ, chúng muốn tự mạo hiểm, rút tỉa kinh nghiệm và tìm ra câu trả lời cho chính mình. Chúng không thích nghe ý kiến của người khác, cũng không dễ dàng theo lời đề nghị của ai. Hồi tưởng lại đời tôi khi còn niên thiếu, tôi chỉ muốn thử ý kiến của riêng mình. Nhưng ý kiến của các thanh thiếu niên thường khiến cho phụ huynh lo lắng, do đó có thể gây nên nhiều sự bất hòa giữa con em và cha mẹ. Mãi tới một hôm, khi đi ngược dòng dĩ vãng, tôi nhận thấy rằng suốt đời mẹ tôi không lúc nào là không yêu thương, chăm sóc cho tôi. Trong lúc tôi đang mải tìm kiếm một "con đường", một "nguồn vui" ở ngoài kia thì Sư Phụ đã và đang ở cạnh tôi, săn sóc cho tôi, thương yêu và bảo bọc tôi tự bao giờ. Sau khi hiểu được điều này, lòng tôi dịu xuống, rồi từ đó tôi hoàn toàn rời xa tư tưởng "phản đối".

Dựa trên kinh nghiệm đời sống của tôi, tôi thiết tha mong mỏi các phụ huynh hãy đối xử với con em đang ở tuổi hoa niên với tình thương sâu đậm vô vị kỷ, một giải pháp cần yếu nhất cho những thanh thiếu niên đang phải đương đầu với những lo lắng, cảm xúc hỗn độn trong lòng. Bởi vì tuổi trẻ ngày nay không muốn bị hư hỏng hay bị tù túng, trái lại rất cần sự hướng dẫn của cha mẹ giúp chúng thiết lập những tiêu chuẩn về sự đúng và sự sai, đạo đức và vô đạo đức, cũng như những quan niệm tốt, lành mạnh về tình thương trai gái. Dù thỉnh thoảng chúng có thể vẫn hành động một cách hư hỏng, ngoan cố, và giả bộ không biết con đường phải, nhưng đó chỉ là đặc tính của tuổi vừa mới lớn.

Tôi thành thật hy vọng ý kiến tầm thường này sẽ lợi ích cho một số cha mẹ và những người trẻ tuổi. Cầu chúc tất cả con trẻ trong gia đình Quán Âm bước đi vững chãi trên con đường vĩ đại, khỏe mạnh này!


Tu Hành và Ðời Sống:    Ðối Phó Với Tuổi Hoa Niên Trên Ðường Tu Học