Khi Sư Phụ còn là học trò tuổi cỡ các con, Sư Phụ rất thích đọc sách. Chúng ta không nên chỉ đọc sách vở nhà trường mà cũng phải đọc sách khác, những quyển nào có giá trị như kinh điển và các loại sách nói về triết lý, những quyển này lành mạnh, rất hay. Nếu đọc sách nhiều, chúng ta sẽ không ra ngoài lêu lổng, sẽ không có quá nhiều thời giờ dư dả, đầu óc sẽ không lầm lạc. Bây giờ các con còn nhỏ, không sao. Nhưng khi lớn lên chút nữa, nên đọc thêm sách vở, nghiên cứu thêm cái này cái nọ. Thế giới có nhiều loại sách. Một số sách khoa học, một số thuộc về y khoa hay thần học. Chúng ta có thể đọc và nghiên cứu quyển nào có lợi cho mình.

Nếu từ hồi còn nhỏ chúng ta tập làm người tốt thì khi lớn lên chúng ta sẽ không gây phiền phức cho người khác. Thành thử, chúng ta nên học những luân thường đạo lý căn bản từ thời thơ ấu. Nếu có gì không hiểu thì hỏi cha mẹ trước. Sư Phụ nghĩ cha mẹ các con rất tốt. Họ có tu hành, và họ là những người đạo đức, hiểu biết lý lẽ thường tình. Họ nhiều tuổi hơn các con và họ đã học với Sư Phụ lâu hơn. Hãy hỏi cha mẹ trước về những chuyện mà các con không hiểu. Hỏi trước khi lớn lên; nếu không e trễ mất.

Có những đồng tu già rồi mới tới học với Sư Phụ. Dạy dỗ họ, Sư Phụ mệt quá. Người Âu Lạc có câu: "Uốn tre uốn thuở còn non. Dạy con dạy thuở con còn ngây thơ." Tương tự như vậy, hồi còn nhỏ, cha mẹ Sư Phụ giáo huấn Sư Phụ rất khắt khe. Nhiều khi Sư Phụ đâu có thích, Sư Phụ nói rằng: "ồ, con hãy còn nhỏ mà, sao cha mẹ khó với con quá vậy?" Nhưng sau khi lớn lên, Sư Phụ rất biết ơn cha mẹ, bởi vì tất cả những gì Sư Phụ làm tốt là nhờ vào sự kỷ luật gắt gao của cha mẹ. Nếu Sư Phụ làm cái gì sai quấy thì đó là lỗi của mình.

Mặc dầu hãy còn ít tuổi, nhưng không bao lâu nữa các con sẽ trưởng thành. Sư Phụ cảm thấy mới ngày hôm qua giống như các con, nhưng đã trở thành như vầy lẹ quá (Sư Phụ cười), lại có thêm vài sợi tóc bạc nữa chứ. Thời gian như ngựa bay qua cửa sổ! Khi còn là học trò, có nhiều thời giờ, các con phải chăm chỉ học hành, và tìm sách vở lành mạnh để đọc; nếu không, lớn lên sẽ chẳng có thời giờ làm chuyện đó. Hỏi cha mẹ của các con thì biết có phải họ không có thời gian đọc sách hay không. Khi đọc thì lại không chăm chú được nhiều, bởi vì lúc nào cũng phải lo chuyện này, chuyện nọ, bận rộn vấn đề tiền bạc, và bận rộn với những vất vả hằng ngày không thể nào tập trung tư tưởng vào việc đọc sách.

Nếu các con không ngoan ngoãn bây giờ thì mai sau lớn lên ai giúp được các con? Những đứa trẻ hư sẽ trở thành người lớn hư, họ làm gia đình, xã hội không ổn định, quốc gia hỗn loạn. Thành thử, xã hội muốn hưng thịnh và vững mạnh phải tùy thuộc vào các con, những cột trụ tương lai. Từ nay trở đi, các con nên ngoan ngoãn, trao dồi phẩm cách.

Các con có nhớ câu chuyện mẹ của Mạnh Tử dọn nhà ba lần không? (Trẻ em: Dạ nhớ.) Nếu học giỏi khi còn nhỏ không phải là điều quan trọng thì mẹ của Mạnh Tử đã không mất công dọn nhà nhiều lần như vậy! Bây giờ các con có cha mẹ tốt và môi trường tốt để học hành thì các con phải học thật siêng năng. Biết sách nào hay, tốt thì đọc. Nếu không biết quyển nào thì hỏi cha mẹ. Nhờ họ kiếm cho những quyển sách hay. Khi có thời giờ, đừng chơi bời nhiều quá. Vui chơi đủ thôi, tập thể dục cho thân thể khỏe mạnh. Như vậy là đủ. Ðọc những cuốn sách có ý nghĩa, có đạo đức. Nên học đạo lý căn bản từ khi còn trẻ; nếu không e quá trễ.

Khi còn nhỏ, Sư Phụ rất thích những quyển có tính cách đạo đức, như những quyển dạy ta đừng trộm cắp trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hoặc đừng lấy những gì không phải của mình. Sau khi lớn lên, có lần Sư Phụ phiêu bạt. Nhưng Sư Phụ vẫn không ăn cắp dù trong túi không còn đồng nào cả. Có lần lúc Sư Phụ ở Âu Lạc, một người bạn cho Sư Phụ sống cùng nhà, nhưng ông đó đâu biết Sư Phụ không có tiền, Sư Phụ cũng chẳng nói. Một hôm, Sư Phụ đói meo, không có đồng xu nào. Lúc đó hãy còn là thời chiến nên Sư Phụ không nhận được tiền ở nhà gửi, và lâm vào tình cảnh ngặt nghèo. Bạn Sư Phụ bày đồ ăn ra cho cả gia đình trên bàn, trông ngon quá, mùi thơm bay lên. Nhưng Sư Phụ không ăn, mặc dù bị đói mấy hôm rồi, bởi vì lúc đó họ chưa về. Sư Phụ không cho họ biết tình trạng của mình. Sư Phụ cố đi kiếm việc làm hay tìm cách nào đó để giải quyết vấn đề. Sư Phụ làm vậy bởi vì đã được dạy dỗ như thế từ hồi còn nhỏ.

Gia đình của người bạn họ tin Sư Phụ lắm, để Sư Phụ ở nhà trong lúc họ ra ngoài như vậy. Sư Phụ không đụng vào tài sản gì của họ hoặc không ăn cắp thức ăn của họ, bởi vì Sư Phụ đã học điều này từ khi nhỏ tuổi. Cha mẹ Sư Phụ không đợi tới khi tình trạng xảy ra rồi mới dạy, như vậy có lẽ quá trễ. Giống như học tiếng Tàu, ta nên học từ khi còn nhỏ, rồi sau này mới có thể nói lưu loát được. Chúng ta học cách dùng đủ mọi thứ chữ, rồi sẽ nói được tiếng Tàu thông thạo. Một lần nữa khi Sư Phụ còn sống ở Ba Lê, không có tiền nhiều bởi vì lúc đó Sư Phụ là học sinh du học. Ðầu tiên Sư Phụ sống ở một chỗ nào đó, rồi sau phải dọn tới một nơi khác vì lý do gì đó. Sư Phụ cần tiền để dọn nhà, nhưng lúc bấy giờ lại không có bao nhiêu. Các con nên biết rằng mọi thứ ở Ba Lê rất đắt. Tiền thuê nhà cao hơn ở Ðài Bắc rất nhiều. Thành thử các con có thể tưởng tượng Sư Phụ gặp khó khăn tới mức nào, là một sinh viên nước ngoài, bị bắt buộc phải dọn nhà đi lập tức!

Một buổi tối, Sư Phụ đang đi tìm việc, việc nào đài thọ cả chỗ ở để Sư Phụ có thể tiếp tục công việc học hành. Ðối với Sư Phụ học ban đêm, đi làm ban ngày cũng không sao. Sư Phụ đi tìm việc, nhưng không tìm được gì cả. Trên đường về, Sư Phụ đi ngang qua một công viên, một người đàn ông tưởng Sư Phụ là "gái làng chơi", cho Sư Phụ nhìn thấy rất nhiều tiền, và muốn Sư Phụ về nhà với ông ấy. Dĩ nhiên Sư Phụ nói: "Không!" Mới đầu ông ta đưa ra 200 mỹ kim, rồi tăng lên 400. Sư Phụ nói: "không" lần nữa. Ông ta tăng lên 600, Sư Phụ cảnh cáo: "Nếu ông nói thêm một câu nào nữa, tôi sẽ kêu cảnh sát!" Ông ta sợ quá, cuối cùng biết Sư Phụ không phải thứ đàn bà đó, thế là ông ta chạy mất. Hồi đó 600 đô nhiều tiền lắm chứ.

Sao lúc đó Sư Phụ không vì tiền mà quên danh dự, quên đạo đức của mình? Bởi vì Sư Phụ đã đọc sách vở tốt từ khi còn nhỏ, rồi nó trở thành thói quen không mắc vào tiền tài, danh vọng thế gian trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Sư Phụ thích đọc sách có tính cách đạo đức như sách Trang Tử, Lão Tử, hay kinh điển của Phật Giáo. Những quyển khác như: Truyện Phong Thần, Xuân Thu, Tam Quốc Chí, Ðông Châu Liệt Quốc, Thiên Hoa Lầu, Truyện Trình Giảo Kim (một nhân vật trung thành, vui tính trong cổ tích Trung Hoa) cũng là những loại sách học làm người. Trong các sách này, kẻ tốt nhận hậu quả tốt, được sự bảo hộ hoặc giúp đỡ đặc biệt mỗi lần gặp phải tai ương. Người xấu trước sau gì rồi cũng bị khám phá ra, và cuối cùng bị phạt. Những mẫu truyện như vầy dạy dỗ và gầy dựng vững vàng luân thường đạo lý trong chúng ta.

Nếu từ hồi thơ ấu đã trau dồi phẩm hạnh căn bản thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta sẽ không bị dao động; nếu không, sẽ bị rớt ngay từ bài khảo đầu tiên. Chúng ta sẽ làm hại kẻ khác hoặc đi kiếm tìm danh lợi bằng những phương cách không vinh dự lắm. Thậm chí chúng ta không ngần ngại bán mình hoặc làm tổn thương danh dự bản thân.

Thành ra, Sư Phụ nghĩ rằng các con nên tập thói quen chăm sóc đời sống của mình về phương diện đạo đức từ khi còn nhỏ, chứ không phải chỉ đọc sách giáo khoa, hay chỉ học ngoại ngữ, hay toán mà thôi. Như vậy không đủ; mặc dù những cái này cũng làm cho chúng ta thông minh hơn một chút. Nó có giúp chúng ta trong công ăn việc làm, dạy chúng ta cách tìm nghề nghiệp tốt, nhưng không thể gây dựng cho mình những tư tưởng đạo hạnh hoặc bảo vệ linh hồn, phẩm giá chúng ta. Cho nên, nếu trường các con không dạy học sinh về luân thường đạo lý, các con cũng nên tự huấn luyện chính mình, hoặc đọc những sách tốt. Mỗi khi dư dả thời giờ, đừng chúi đầu vào những trò chơi vô nghĩa. Các con vẫn có thể chơi nhưng đừng thái quá, e uổng phí rất nhiều thời giờ quý báu.

Vào tuổi này, các con học cái gì cũng có thể nhớ và thấm vô đầu, thành ra những gì thấm vô đầu rất quan trọng! Hãy tránh xa loại sách xấu xa, tồi bại, những cuốn phim bạo lực. Hãy chọn phim truyện, sách vở nào đúng đắn để các con có thể phát triển một tinh thần tốt và trưởng dưỡng những phẩm tính lành mạnh. Các con nên trau dồi thói quen này khi còn nhỏ tuổi, tránh những ấn phẩm, phim ảnh phản đạo đức. Chớ đợi cha mẹ cấm đoán, rồi lúc bấy giờ phản đối. Các con nên có trách nhiệm đối với bản thân. Mặc dù hãy còn trẻ, nhưng các con là những con người, đều có mắt, mũi, tai như Sư Phụ. Nếu Sư Phụ hồi nhỏ có thể đọc sách vở tốt thì các con cũng làm được.

Từ giờ trở đi, các con nên bắt đầu kỷ luật chính mình, chuẩn bị cho cuộc sống tương lai; nếu không, khi lớn lên các con sẽ không có thời giờ làm chuyện đó. Tới lúc ấy, có lẽ các con sẽ lo kiếm bạn trai, bạn gái, nghĩ tới chuyện tình duyên. Hơn nữa, các con có thể phải đảm trách công việc gia đình sau khi lấy chồng, lấy vợ. Các con có thể bận rộn kiếm tiền sau khi có một nghề trong tay. Thời giờ đâu mà rèn luyện chính mình? Thành thử, bây giờ là lúc tốt nhất để rèn luyện bản thân bởi vì bây giờ các con không có trách nhiệm gì nhiều; cha mẹ chăm sóc đầy đủ, mua quần áo, nấu ăn cho các con. Các con không có gì phải lo cả.

Cho nên, từ nay trở về sau, hãy trau dồi đức hạnh, làm sao cho nó vững vàng, mạnh mẽ. Như vậy, khi trưởng thành các con sẽ trở nên những người công dân tốt, trở nên người chồng, người vợ tốt, và các con sẽ giỏi về mọi phương diện! "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Các con nên trải qua tất cả những sự huấn luyện này khi còn trẻ, nếu không, về sau tới khi nào mới có thời giờ huấn luyện? Các con nên học hỏi từ ông bà tổ tiên chúng ta, nên học từ kinh điển tốt do các Minh Sư đời xưa truyền xuống, nên học những đức tính tốt và giới luật tốt, và nên rèn luyện bản thân từ khi còn nhỏ!

... Trang Trước