Người ta cứ hỏi rằng: "Tại sao bà trang điểm? Tại sao bà mặc đồ đẹp quá vậy?" này kia kia nọ. Trước khi trở thành Vô Thượng Sư, Sư Phụ Thanh Hải, tôi chỉ như vầy thôi. (Sư Phụ chỉ tay vào bộ đồ thường nhật của Ngài.) Rồi một thời gian lâu tôi không còn như vầy nữa. Và bây giờ tôi lại trở thành như vầy. Cho nên chính tôi cũng phải ngạc nhiên, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên. Giống như khi một người nhiều tuổi trở thành già, họ lại giống như con nít. Có lẽ tôi cũng đang giống vậy.

Rất là giản dị. Như câu chuyện tôi kể cho quý vị nghe, nói về một vị vua kia đi ra ngoài chơi với đất cát trong quần chúng, nhiều khi còn trong nhà hàng ăn bẩn thỉu, hay đường xá dơ dáy. Ông đi bộ một mình với vài người hầu cận, chỉ vì ông ta muốn tự do: thoát ra khỏi sự huy hoàng, khỏi sự bảo vệ, thoát khỏi cái sợ của một vì vua đi ra ngoài đường. Quý vị có hiểu không? Chỉ vì muốn tự do. Cho nên tôi muốn được tự do, thoát ra khỏi ngôi vị thánh nhân. Bây giờ thì thoát rồi! (Vỗ tay) Hồi đó tôi bị bệnh, mắc bệnh thiền hay bệnh Minh Sư. Nó cho người khác biết rằng tôi là một Minh Sư. Nhưng bây giờ tôi tự do rồi; chắc là hết bệnh.

Ðôi khi chúng ta tu hành một thời gian rồi mắc "bệnh". Bệnh đó chúng ta gọi là "bệnh bồ tát". Nhưng quý vị phải tự chữa cho mình khỏi. Còn dính một tí địa vị thánh nhân nào trên mặt, trên mũi hay trên mắt cá chân, hay dấu kín trong tim -- quý vị cũng phải trị cho hết, từng cái, từng cái một, từ từ hay lè lẹ, cái đó còn tùy quý vị. Bây giờ tôi nhớ tới một câu chuyện để giải thích cho quý vị nghe một lần rồi thôi. Vì người nào cũng muốn biết tại sao tôi lại mặc quần áo như vầy thay vì hỏi làm sao tôi trở thành Minh Sư Khai Ngộ. Họ cứ hỏi nhiều câu, rồi cuối cùng cũng phải nói: "À, con chỉ có một câu hỏi nữa thôi, nhưng không dám hỏi Sư Phụ, con xin hỏi..." Rốt cục, mèo từ trong túi chui ra: "Tại sao Sư Phụ bận đồ này?" Hỏi vậy đó.

Bên Tây Tạng, có nhiều người tập bay. Sao họ làm được? Giống như những người luyện Khinh Công bên Trung Quốc. (Một thứ võ thuật Trung Hoa làm cho thân hình rất nhẹ) Quý vị có thể bay lên, có thể nhẩy lên mái nhà, rất cao hay rất xa. Bên Tàu ngày nay người ta vẫn còn luyện pháp này. Nhiều khi quý vị xem Kung-Fu, nó không phải thật sự là như vậy, nhưng nó cũng biểu tượng sự thật xảy ra thời xa xưa khi con người hãy còn biết bay.

Thời nay một số người bên Tây Tạng vẫn có thể bay, vì hoàn cảnh khó khăn bên Tây Tạng. Họ không có xe cộ gì cả, chỉ có núi non tuyết lạnh phủ đôi khi quanh năm suốt tháng. Nên họ phải đi đường trường không có thức ăn hay nhà hàng hay bất cứ cái gì ở dọc đường. Họ phải mang theo những cái túi đựng đồ nhỏ xíu. Ðôi khi cũng không có ngựa để mà đi, hay chỉ có bò Tây Tạng (loại bò lớn sống bên Hy Mã lông dài màu nâu xậm). Có cái gì thì họ phải xài cái đó vậy thôi. Không thể đi lâu được; nhiều khi phải đi cho lẹ vì có chuyện khẩn cấp gì đó. Cho nên họ phải tập bay kiểu này. Có những người tập nhiều tới nỗi họ không bao giờ đáp xuống được nữa, lúc nào cũng bay ở trên không. Quý vị có thể đọc thấy chuyện này trong sách của bà Alexandra David-Neel. Tất cả là sự thật, nhưng tôi cũng phải đề cập tới bà này để quý vị biết là tôi không nói nhảm. Quý vị sẽ biết rằng người ta có viết về chuyện này, và quý vị có bằng chứng đàng hoàng.

Vậy thì chuyện gì đã xảy ra cho những người lúc nào cũng bay trên không, họ phải có lúc đi xuống chứ. Tôi muốn nói là tối thiểu họ cũng phải đi cầu tiêu, nhà tắm này nọ. (Cười) Sau khi bay lâu quá họ cũng phải có mùi! Thành thử thỉnh thoảng họ phải đáp xuống. Họ phải buột rất nhiều xiềng xích bằng sắt, kim loại nặng nề chung quanh thân thể để kiềm lại, giữ thăng bằng, mỗi khi muốn bay lên hay đáp xuống. Họ làm vậy đó.

Cho nên đôi khi quý vị sang Tây Tạng nhìn lên trời, quý vị có thể trông thấy những sự kiện tương tự như vậy. Quý vị sẽ tưởng họ đang hành xác dùng xích xiềng buộc vào mình mẩy vân vân... Nhưng họ phải làm như vậy. Nếu họ bay cao quá và nếu nhẹ quá thì họ phải làm cho nặng hơn để mà có thể đáp xuống mặt đất, ở dưới đất, lâu mau tùy theo ý muốn. Nếu không, lúc nào họ cũng lơ lửng trên không.

Cũng vậy, khi chúng ta mới tu, một thời gian sau chúng ta thành Thánh hay thành Phật rồi nói rằng: "ồ, tôi không tin chuyện đó; tôi không nhìn vào cái đó; tôi không nói chuyện với người đó; tôi không mặc mấy thứ đồ đó." Ðó là lúc bệnh tình quý vị nặng nhất! (Cười) Rồi sau một thời gian trở thành quá thánh thiện, quý vị phải chữa mình khỏi bệnh, phải kéo mình xuống đất một lần nữa để mà hòa đồng với xã hội, dùng sự hiểu biết của mình, ngôi vị thánh nhân hay trí huệ của mình vào việc gì đó. Bởi vì nhiều người cần quý vị; quý vị không thể nào nằm hoài trên Niết Bàn. Như vậy cũng không tốt cho quý vị khi còn ở đây. Nếu lúc nào tôi cũng ở Niết Bàn, không ngó ngàng gì tới chuyện khác, chỉ ở Niết Bàn hoài -- ý nói tâm trạng trong lòng chứ không phải là bay lên trời cao. Nếu vậy thì tôi chẳng có liên quan gì tới quý vị, không bao giờ hiểu sự đau khổ của quý vị. Tôi sẽ không khi nào biết tâm lý của quý vị. Tôi sẽ không biết gì cả. Tôi sẽ không hiểu nỗi đau của quý vị hay sự thương, ghét, thất bại hay đức hạnh của quý vị. Tôi sẽ không hiểu gì cả bởi vì tôi quá ư thánh thiện, quá ư thanh khiết, trong sạch. (Cười, vỗ tay)

Cho nên những cái này (quần áo) là xiềng xích, không cần biết nó màu gì. Nó chỉ là đất cát: đất vàng, đất xanh, đất trắng -- thành thử mình để ý làm chi? Những người chỉ trích tôi đúng là thánh nhân cho nên họ mới như vậy. Họ đang ở trong bệnh viện thánh nhân. Khi nào ra khỏi đó, họ sẽ nhận ra. Họ sẽ bình thường trở lại và chúng ta có thể nói chuyện với họ. Thành thử quý vị đừng có lo; giống như thánh nhân quá cũng không tốt. Chúng ta thiếu liên lạc với thực tế rồi trở thành mất cân bằng. Giống như người bên Tây Tạng lúc nào cũng bay bổng trên trời, không làm sao xuống được để đi nhà vệ sinh. Coi chừng, nếu họ không đeo dây xích thì quý vị đừng có đi bên dưới. (Cười) Quý vị có thể bị phiền phức đấy. Muốn thay quần áo ở trên xứ cao độ, xứ lạnh, đâu phải lúc nào cũng tiện. Cho nên đừng bảo rằng tôi không báo trước!

... Trang trước