Ân Sủng Thiêng Liêng trên Bàn Giải Phẫu

Từ khi Tâm Ấn, lực lượng Sư Phụ thường xuyên ban phước lành trong đời sống các bệnh nhân cũng như là trong công việc của tôi. Thực hành y khoa trong Ban hộ sinh của bệnh viện trở thành một vinh dự lớn lao, vì tôi luôn luôn thấy được niềm vui chân thật tỏa rạng từ những bà mẹ tương lai. Bầu không khí trong phòng trẻ sơ sinh thật hết sức thanh bình, tốt đẹp. Là trưởng khoa điều hành, thỉnh thoảng tôi phải đỡ đẻ cho những bệnh nhân bị khó khăn khi sinh nở, hoặc phải giải phẫu cho những trường hợp đặc biệt. Trong những ca mổ này, tôi thường bối rối không biết phải làm sao để tiếp tục phận sự. Thí dụ như, có lần tôi mổ để lấy bướu tử cung của một bệnh nhân trẻ, và cùng lúc phải cố bảo tồn tử cung của cô. Sau khi đã mổ lấy ra hàng chục cái bướu, hai bàn tay tôi đã mỏi nhừ, nhưng vẫn còn bướu phải mổ lấy ra. Trong khi cầu nguyện Sư Phụ và niệm Hồng danh, cuộc giải phẫu đã được kết thúc thành công ngay cả trước khi tôi nhận biết.

Một lần khác vài năm trước, một nữ bệnh nhân được đưa đến phòng cấp cứu, gan cô đã bị suy kiệt do bệnh thiếu máu ác tính, một chứng bệnh do thiếu tiểu huyết cầu và bạch huyết cầu. Và rồi tôi khám phá ra cô đã mang thai được tám tháng. Qua cuộc họp cố vấn y khoa, các bác sĩ từ nhiều khoa khác nhau đã cho gia đình cô biết cô sẽ bị nguy hiểm đến sinh mạng, dù là cô được cho sinh theo tự nhiên hay phải mổ dạ con. Tuy nhiên, người phụ nữ trẻ đã quyết định giữ em bé. Sau khi tham khảo trường hợp của cô, tôi đã quyết định cho cô sinh đẻ theo thiên nhiên. Ngoài việc thực hiện tất cả những liệu pháp đề phòng cần thiết, như truyền máu và chích trụ sinh phòng ngừa, tôi cũng niệm Hồng danh và cầu nguyện Sư Phụ gia trì cho hai mẹ con trong lúc sinh sản. Kết quả thật huyền diệu, cả hai mẹ con đều được an toàn, ngoại trừ việc bị ra máu sản hậu đã dự trù trước. Không có lực lượng vĩ đại của Sư Phụ và pháp môn Quán Âm giúp đỡ, tôi đã không thể vượt qua được nhiều khó khăn như vậy trên bàn mổ.

 

Tình Mẫu Tử là Hào Quang Thắp Sáng Linh Hồn

Qua những năm làm việc và qua nhiều hoàn cảnh cảm động trong ngành y khoa, tôi đã học hỏi được rằng tình thương là phương thuốc hay nhất cho bất cứ chứng bệnh hoặc vấn đề gì. Thí dụ, có lần tôi nói với một bà mẹ tương lai rất nhạy cảm rằng thai nhi mới được 5 tháng của cô sẽ bị tật hở khe vòm miệng và sứt môi bẩm sinh. Ngay sau đó cô đã bị áp lực dữ dội của gia đình đòi hỏi cô phải phá thai. Sau đó, tôi nói chuyện rất thành thực với cô, hy vọng rằng cô sẽ có đủ can đảm để giữ em bé. Ngoài ra, tôi còn giới thiệu với cô vài người làm việc thiện nguyện cho một tổ chức chăm sóc trẻ em bị tật sứt môi của Formosa, cũng là những bà mẹ, để chia sẻ kinh nghiệm với cô. Cuối cùng, người phụ nữ đã quyết định giữ đứa con. Sau đó, khi thấy mặt đứa cháu nội, mẹ chồng cô đã lên tiếng mắng chửi cô, bất kể đến việc cô vừa kiệt sức sau kỳ sanh nở. Tôi cảm thấy thật buồn khổ và không khỏi rơi lệ. Tuy nhiên, ánh sáng của tình thương mẫu tử đã giúp cho người mẹ trẻ vượt qua được những khó khăn, cũng như là đã giúp đỡ cho cô trong hai cuộc giải phẫu kế tiếp để phục hồi nét ngây thơ tinh khiết trên gương mặt em bé. Tinh thần kính trọng sự sống và ánh sáng tình thương mẫu tử của người mẹ trẻ thật mãnh liệt, mỗi lần nhìn nét mặt ngọt ngào, vô tư của em bé mới được một tuổi trong hình, tôi cảm thấy hết sức cảm động và phấn khởi.

Một lần khác, một người mẹ trẻ mang thai 4 tháng bị bể bọc nước sớm (nước trong bào thai chung quanh thai nhi bị tiết ra ngoài). Không màng đến tình trạng sức khỏe của chính mình và nguy hiểm có thể bị nhiễm trùng, cô đã bỏ công việc làm tốt, nằm trên giường 4 tháng để bảo đảm cho em bé được sinh nở đủ tháng an toàn. Những trường hợp này khi mang thai thường tạo nên sự nhiễm độc vi khuẩn, có thể đưa đến việc nhiễm độc trong máu người mẹ. Trong trường hợp này, để tránh những vấn đề tranh kiện y khoa, các vị bác sĩ thường đề nghị phá thai. Cầu nguyện Sư Phụ giúp đỡ, tôi nói chuyện với người phụ nữ và thân nhân trong gia đình về những rủi ro có thể xảy ra, hy vọng rằng chúng tôi có thể cùng nhau làm việc để giữ được sinh mạng em bé trong cơn khủng hoảng.

Nhờ ơn Sư Phụ, cả hai mẹ con cuối cùng đều được an toàn khỏe mạnh. Khi người mẹ cùng em bé được một tháng trở lại tái khám trong Khoa phục vụ bệnh nhân ngoại trú, cô đã mời tôi chụp hình chung với hai mẹ con, tôi hết sức vui mừng được thấy một gia đình hạnh phúc. Tôi cũng hết sức cảm động về lòng can đảm và tình mẫu tử của người mẹ trẻ, đã bỏ qua sự an toàn và áp lực tài chánh của chính mình để bảo đảm cho sự sống của thai nhi. Có rất nhiều câu chuyện tương tự đã xảy ra trong ngành y khoa của tôi để chứng minh nguyên lý Chân, Thiện, Mỹ trong giáo lý của Sư Phụ! Qua những sự kiện kể trên, Sư Phụ đã cho tôi thể nghiệm đời sống thật sâu xa, và dù rằng tôi giúp đỡ kẻ khác trong công việc của mình, tôi cảm thấy chính mình mới là người được hưởng ơn phước và nhận lãnh được những lợi ích lớn lao nhất.

<< Trang Trước          Trang kế >>