Ngay cả Mặt Trời cũng có những lúc u ám

Rồi một hôm, một quốc gia lân cận đến xâm chiếm nước ông, và vì thua trận, ông phải chạy trốn. Ông không có thức ăn trong khi trốn chạy, và cũng rất mệt và nóng. Với kẻ thù bén gót và mạng sống lâm nguy, ông bắt đầu nghĩ làm vua thật kinh khủng, thật là khủng khiếp! Việc ông ước được làm vua quả là một lỗi lầm. Rồi ông nhìn lên và thấy rằng mặt trời thật tự do và cao cả; không ai chạm đến được, nó chiếu sáng thật đẹp! Nên ông nói: "Ô, Trời ơi! Làm Mặt trời; làm Mặt trời hay hơn. Ta muốn làm Mặt trời. Ta không muốn làm vua. Ta muốn làm Mặt trời".

Và rồi, "Bùm!" ông bay lên và thấy mình ở trên đỉnh vũ trụ, tỏa rạng tình thương và hơi ấm cho tất cả vạn vật từ đỉnh cao thế giới. Ông vui mừng ban ơn cho tất cả mọi chúng sinh trên thế giới. Và ông cảm thấy thật vĩ đại, hạnh phúc và thật sự cao quý, bởi vì ông nghĩ mình là tối cao trong vũ trụ. Ông nhìn xuống vạn vật, cảm thấy thật cao quý và vui sướng.

Thế là ông nhắm mắt thiền một lúc, rồi bỗng nhiên nói: "Tại sao lại tối vậy?" Trời thật tối khiến mắt huệ ông mở ra. "Chà!" Có một đám mây lớn trước mặt ông, nó dám che hết cả người ông! Rồi ông bắt đầu phấn đấu bên trong, không biết làm cách nào để thoát ra. Thật là u ám, che cả mắt huệ của ông (mọi người cười). Nên ông không thấy được gì và rất giận dữ, nói rằng: "Ta phải làm mây. Ta phải làm mây! Mây vĩ đại hơn mặt trời. Mặt trời chẳng có gì hay!"

Không mãn nguyện làm mây và núi

Rồi, "Bùm!" Quý vị biết chuyện gì lại xảy ra nữa (mọi người cười). Người đàn ông không bao giờ mãn nguyện lại được toại nguyện. Ông biến thành đám mây. Trong một thời gian, ông rất sung sướng. Ông làm mưa xuống nhân gian, ông tàn phá nhiều thứ, và rồi gia trì cho đất đai bằng cách khiến cho tất cả mọi bông hoa rộ nở bằng nước từ mây của ông. Ông làm cho mọi người hạnh phúc, và ông cũng hạnh phúc. Ông rất mãn nguyện trong một thời gian. Và rồi đột nhiên, gió thổi đến! Và nó biến ông thành số không. Ông trở nên mỏng manh hơn, và mỏng manh hơn, cho đến khi chỉ còn như sợi chỉ, chỉ cố giữ mạng sống của mình. Và ông trở nên giận dữ. Dù vậy, ông vẫn nghĩ rằng mình tốt đẹp, ông có thể trở lại vĩ đại như xưa.

Nhưng rồi gió thổi ông qua một đỉnh núi, và ngọn núi chụp ông, như là người nào nắm áo quý vị. Và ông bị giữ lại ở đó, treo trên đỉnh núi, và rất bực tức, ông nói: "Tất cả mọi thứ đến rồi đi, nhưng ngọn núi luôn sừng sững tại đó; nó không bao giờ biến mất, không bao giờ bị tàn phá, không sao cả! Nó luôn luôn hùng vĩ. Ô! Ước gì ta là ngọn núi. Ta phải làm núi. Làm núi là hay nhất!". Cho nên, "Bùm!" Tiếng này lại nổi lên! Và quý vị biết ông trở thành gì không? (Trả lời: "Ngọn núi"). Một ngọn núi! Rồi ông rất vui sướng. Ông đã biến thành núi. Ngay cả mưa, gió, tuyết hay mặt trời Ồ không thứ gì có thể làm phiền được núi. Ông ngồi như vầy (Sư Phụ dương hai khuỷu tay làm ra bộ rất vững chãi) giống y như tôi vậy (mọi người cười). Ông cảm thấy rằng làm núi thật vĩ đại, và nở mũi lên đến trời. Ông cảm thấy mình rất vĩ đại. Mỗi ngày ông nhìn lên và cảm thấy mình thật đồ sộ (mọi người cười).

Và rồi một hôm, ông cảm thấy như có ai đang đâm vào chân mình bằng một con dao hay cây đinh hay thứ gì tương tự như vậy, và khi nhìn xuống, ông nói: "Ô!" Phía dưới có một người thợ nề đang đập đá ở chân ông ra. Dĩ nhiên là ông giận như điên và la lên: "Sao nhà ngươi dám đâm vào chân ta! Ðau quá"! Nhưng người thợ nề không cần biết. Hắn ta dùng cây búa lớn và cái đục nhọn để đập đá vỡ ra, từng miếng một, và hắn rất vui vẻ, vừa làm việc vừa ca hát, huýt sáo. Cho nên, Chà! Ông rất giận dữ và nói: "Cha...a...a!... Ta phải làm thợ nề!" (Mọi người cười)

Sau khi Khai ngộ chúng ta thật sự có tâm bình thường

Câu truyện này tương tự như chúng ta. Nhiều lúc người ta nói: "Tâm bình thường là tâm Phật", nhưng chúng ta không tin. Chúng ta không biết đó là gì. Và chúng ta không thật sự biết cho đến sau khi khai ngộ, rồi chúng ta trở lại bình thường. Rồi chúng ta biết rằng tất cả mọi chuyện đều tốt đẹp, và nhận ra rằng chúng ta biết tâm bình thường là gì. Trước đó, dù chúng ta có nó, chúng ta cũng không biết.

Cái gọi là bình thường mà mọi người sống cuộc đời của họ không phải là tâm bình thường. Tâm bình thường thật sự có nghĩa là tâm thanh bình và yên tịnh, chấp nhận mọi việc xảy đến và phản ứng với mọi việc khi cần thiết. Không ao ước, không ham muốn, không chối bỏ và không kích động qua bất cứ hình thức nào. Ðó là tâm bình thường. Nhưng cách mà người ta sống cuộc đời tầm thường của họ không phải là ý nghĩa của tâm bình thường.

Cho nên hãy thận trọng, đừng hiểu lầm tâm vô minh với tâm khai ngộ, tâm khai ngộ với tâm đại khai ngộ, và tâm đại khai ngộ với tâm không khai ngộ. Sau khi rất khai ngộ, tự nhiên chúng ta bắt đầu không nói nữa. Lúc ban đầu khi chưa mấy khai ngộ, chúng ta nói rất nhiều; chúng ta biết tất cả mọi chuyện. Chúng ta biết "Phật" có nghĩa là gì, và Niết bàn, luân hồi, nghiệp chướng, đầu thai... tất cả mọi thứ. Chúng ta biết tất cả những ngôn từ lớn từ tất cả mọi tôn giáo. Chúng ta biết hết.

Rồi, sau khi trở nên khai ngộ một chút, chúng ta nói càng nhiều hơn, nhưng có phẩm chất hơn. Lời nói của chúng ta có ý nghĩa hơn trước, bởi vì chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của ngôn từ mà trước kia chúng ta hay nói nhưng không hiểu được chân nghĩa. Cho nên có hai giai đoạn nói chuyện. Giai đoạn nói chuyện sau dĩ nhiên là có ý nghĩa hơn và chân thật hơn, bởi vì nó đến từ sự hiểu biết của chính mình. Và rồi sau đó, sau giai đoạn hay nói, chúng ta bắt đầu im lặng. Chúng ta không muốn nói nữa. Cho nên dĩ nhiên quý vị thắc mắc là tại sao tôi nói (Sư Phụ cười) Ồ bởi vì quý vị muốn tôi nói.

Không nói không có nghĩa là cứ im lặng suốt ngày. Bởi vì nếu một người không nói, điều đó không có nghĩa là họ im lặng. Và nếu một người chấm dứt tất cả mọi hoạt động, không có nghĩa là cô ta thanh tịnh. Cho nên nói hay không nói, không phải ở bên ngoài mà là từ bên trong. Khi đó, quý vị nói nhưng biết rằng không cần phải nói. Quý vị nói vì có người yêu cầu, hoặc chỉ để làm một người bình thường, hay để làm người khác vui. Hoặc là quý vị chỉ nói bởi vì đối với quý vị, nói hay không cũng vậy thôi. Không phải là nói một cách hăng hái; không phải là nói một cách hùng biện nữa, như thể là chúng ta muốn người khác chuyển đổi theo niềm tin của chúng ta hay tương tự như vậy. Chỉ rất nhẹ nhàng và bình thường. Cho nên là như vậy. Ðó là câu truyện của người thợ nề. Thật là hay phải không? Giống y như chúng ta.

 

..... trang trước