Việc từ chối mổ xẻ thú vật chứng tỏ
nhân loại đang tăng trưởng lòng từ bi

Do Ban Báo chí Los Angeles (nguyên văn tiếng Anh)

Một bài báo gần đây trên trang mạng của đài truyền hình CNN (http://www.cnn.com/) tường trình cho biết tiểu bang Virginia tại Hoa Kỳ đã ban hành đạo luật mới đòi hỏi các trường học phải cho học sinh sự lựa chọn khác trong việc mổ xẻ thú vật trong những lớp về khoa học và sinh vật học. Virginia đã là một trong số những tiểu bang trên nước Mỹ đang trên đà ban hành những đạo luật cho phép học sinh được quyền từ chối việc mổ xẻ mèo, giun đất, bào thai của heo, cũng như là những sinh vật khác, phản ảnh một khuynh hướng trên toàn cầu về việc đối xử nhân ái hơn với thú vật, trong khi nhân loại đang tiến vào thời đại Hoàng Kim.

Những người trẻ thường đặc biệt nhạy cảm đối với số phận của đồng loại, như đã được minh chứng trong trường hợp của cô nữ học sinh trung học Grace Kendall thuộc tiểu bang Virginia. Từ lớp bảy cô đã biết rằng mình không muốn mổ con ếch được bảo quản trong lớp khoa học. Giáo sư cho phép cô được dùng máy vi tính để thay thế, và kể từ đó cô đã từ chối không mổ xẻ thú vật. Cô Grace nói: "Tôi nghĩ có một điều gì đó rất sai lầm khi mổ một con thú đã chết khi tôi biết rằng có nhiều cách khác để chọn. Mổ xẻ con vật đã bị giết để học hỏi về nó thật là điều khó chấp nhận". Những cảm nghĩ rất trưởng thành và nhân ái này từ một cô gái có tâm hồn tinh khiết, đã phản ảnh sự khai ngộ ngày càng tăng trưởng, mà những người trẻ khắp thế giới đang thể nghiệm trong phương diện đối đãi từ ái đối với tất cả mọi sinh vật. Khuynh hướng này cũng được nhìn thấy với sự gia tăng gần đây trong việc ăn chay và những hoạt động tranh đấu cho quyền lợi thú vật trong các trường trung học, đại học và các viện đại học trên khắp toàn cầu.

Cô Grace cũng nói rằng, cô rất vui mừng khi Virginia đã cùng tham gia với nhiều tiểu bang khác trên nước Mỹ để ban hành đạo luật cho phép học sinh từ chối mổ xẻ thú vật. Bắt đầu từ học khóa năm nay, tất cả những học sinh thuộc tiểu bang Virginia phải được cho biết rằng họ có thể chọn lựa không mổ xẻ thú vật mà không bị trừng phạt, và giáo sư phải cung cấp cho họ những phương cách học hỏi khác, như là những chương trình vi tính, những bài học trên mạng Internet và những mô hình làm bằng plastic.

Ðạo luật này cũng được nhiều giáo sư ủng hộ, thí dụ như bà Rebecca Ross, giáo sư thâm niên khoa giải phẫu, sinh lý học và sinh vật học tại trường trung học Cave Spring thuộc Quận Roanoke, tiểu bang Virginia, bà còn là chủ tịch Hội Giáo sư Sinh vật học Quốc gia. Bà Ross đồng ý rằng những học sinh phản đối sự mổ xẻ vì lý do "luân lý, triết học, tôn giáo hay đạo đức" có quyền sử dụng những phương pháp chọn lựa khác trong lớp học.

Virginia là một trong 9 tiểu bang đòi hỏi các trường trong quận phải cung cấp phương pháp khác thay thế cho sự mổ xẻ. Vào năm 1985, Florida là tiểu bang đầu tiên đã thông qua đạo luật này, tiếp theo là California trong năm 1988. New Jersey hiện đang bàn thảo một đạo luật tương tự. Trên bình diện quốc tế, Á Căn Ðình, Ấn Ðộ và Do Thái là những quốc gia đã hoàn toàn cấm hẳn việc mổ xẻ thú vật trong trường học.

Khuynh hướng bỏ việc mổ xẻ đa số được phát động bởi những hội đoàn như Những người Ủng hộ việc Ðối xử Ðạo đức đối với Thú vật (People for the Ethical Treatment of Animals - PETA) và Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ (The Humane Society of the United States), đã khuyến khích học sinh phản đối việc mổ xẻ này, với lập luận rằng thú vật được dùng trong việc mổ xẻ phải chịu đau khổ trong khi bị bắt, giam cầm và giết, và vì vậy sự đối xử này đã làm hạ phẩm giá đời sống của thú vật. Bà Jacqueline Domac of PETA phát biểu: "Chúng tôi tin rằng sự mổ xẻ trong lớp học là một phương pháp (dạy) không còn hợp thời, và làm gia tăng sự đối xử bạo động đối với thú vật". Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ ước tính rằng hiện tại có 6 triệu thú vật - hầu hết là ếch, bào thai heo và mèo - đang bị mổ xẻ mỗi năm trong các lớp trung học tại Mỹ. Hiệp hội đã phân phối những băng thâu hình phản đối việc mổ xẻ, và cho các trường học mượn những nhu liệu vi tính hướng dẫn, để giúp giảm thiểu sự mổ xẻ trong các trường thuộc hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.

Phong trào chống mổ xẻ trong hệ thống giáo dục là bước cần thiết trong việc tăng trưởng lòng nhân ái và sự nhận thức của nhân loại về sự đồng nhất của tất cả mọi sự sống trên toàn cầu. Bởi vì, như Thanh Hải Vô Thượng Sư đã nói, chúng ta đã mù quáng đối với sự an lành và quyền chung sống của những sinh vật bạn quá lâu: "Cả hàng ngàn năm rồi chúng ta không đối xử tử tế với nhau, bao gồm những anh chị em nhỏ bé của chúng ta như thú vật. Trong Thánh Kinh có nói, "Gieo gì sẽ gặt nấy". Và nếu tin Thánh Kinh, thì chúng ta đã gieo quá nhiều thứ để gặt hái những hậu quả không tốt cho chúng ta. Cho nên cách (duy nhất) để tránh những hậu quả này là tránh gieo hạt giống xấu. Chúng ta phải bắt đầu tôn kính Thượng Ðế, yêu thương Thượng Ðế, sợ Thượng Ðế. Chúng ta phải chứng tỏ tình thương qua hành động; yêu thương Thượng Ðế và con cái của Ngài. Thượng Ðế không cho phép chúng ta giết ngay cả để cúng dường cho Ngài, đừng nói đến việc để thỏa mãn thân xác rất tạm thời của mình. Cho nên đây là nguyên nhân của hầu hết các thiên tai và bệnh tật trên thế giới. Chúng ta cần phải nên yêu thương và đây là tôn giáo duy nhất" (trích từ băng thâu hình số 395, Tình thương là tôn giáo duy nhất).