Sự cống hiến tận tâm
của một người
đem lợi ích
vào đời sống của đa số


Do Ban Báo chí Virginia (nguyên văn tiếng Anh)
Vào ngày 12 tháng 2, Kim niên 4 (2007), đồng tu từ Trung tâm Virginia đã đến quận Arlington, Virginia, để trao tặng Tiến sĩ Jane Goodall Giải Gương Lãnh đạo Sáng ngời Thế giới, công nhận những nỗ lực xuất sắc và sự lãnh đạo khai ngộ của bà. Cùng với bằng thưởng, đồng tu trao lá thư chúc mừng của Sư Phụ, và tấm ngân phiếu 10.000$ Mỹ kim cho tổ chức nhân đạo bất vụ lợi của bà: Viện Khảo cứu, Giáo dục và Bảo tồn Thú hoang Jane Goodall.

Ðồng tu rất ngưỡng mộ vô số hình ảnh trình bày những việc làm của Tiến sĩ Goodall, và tượng đồng một chú tinh tinh đặt tại cổng vào của Viện Khảo cứu. Những hình ảnh này biểu tượng cho sự giản dị, lòng hiến dâng và chủ nghĩa nhân đạo. Như đã giới thiệu trong Bản Tin 174, tiến sĩ Goodall là chuyên gia uy tín hàng đầu về loài tinh tinh, khảo cứu của bà đã thay đổi những quan điểm khoa học về sự liên hệ giữa con người và thú vật. Quyển sách của bà vừa xuất bản, "Vụ mùa hy vọng: Hướng dẫn cách ăn uống có ý thức" (Harvest for Hope: A Guide to Mindful Eating) cũng kêu gọi ăn chay và thay đổi cách thức con người sản xuất và tiêu thụ thực phẩm. Quyển sách cống hiến nhiều phương pháp để tạo nên sự thay đổi khẳng định cho tương lai của con cái và tinh cầu của chúng ta.

Ông Bill Johnston (bên phải), giám đốc Viện Khảo cứu Jane Goodall, thay mặt Tiến sĩ Jane Goodall nhận Giải Gương Lãnh đạo Sáng ngời Thế giới, cùng với lá thư của Sư Phụ và tấm ngân phiếu 10.000$ Mỹ kim.


Trong nhiều năm qua, Tiến sĩ Goodall là người bảo tồn môi sinh và nhà hoạt động xã hội rất tích cực, kêu gọi mọi người hãy bảo vệ thú vật và môi trường, cũng như khuyến khích sự giáo dục nhân bản cho giới trẻ. Trong năm 1977, bà sáng lập Viện Khảo cứu, Giáo dục và Bảo tồn Thú hoang Jane Goodall để ủng hộ những nỗ lực khảo cứu ngoài trời về loài tinh tinh. Hiện nay, sứ mệnh của Viện Khảo cứu Jane Goodall là nâng cao sức mạnh của mỗi cá nhân trong quần chúng, để có những hành động hiểu biết và nhân ái, nhằm cải thiện môi trường cho tất cả mọi sinh vật. Viện Khảo cứu đứng đầu trong nỗ lực bảo vệ loài tinh tinh và môi trường sinh sống của chúng. Viện đã được biết đến qua việc thiết lập những trại bảo tồn cộng đồng đầy sáng kiến, những chương trình phát triển tại Phi Châu, cũng như là chương trình giáo dục "Rễ và Chồi" (Roots & Shoots), hiện diện tại hơn 70 quốc gia.

Dù có một thời khóa biểu rất bận rộn với nhiều dự án, tiến sĩ Goodall luôn luôn trông có vẻ thư giãn và bình an. Bí quyết của sự thanh thản và bình an đã được đề cập trong một quyển sách của bà: "Lý do để hy vọng: Một cuộc hành trình tâm linh" (Reason for Hope: A Spiritual Journey). Trong quyển sách này, bà đề cập đến một thể nghiệm khi thăm viếng một ngôi giáo đường. Bà nghe tiếng âm nhạc bên trong, đem đến cho bà cảm giác phúc lạc vĩnh cửu. Bøà tin rằng thể nghiệm tâm linh này, và những thể nghiệm âm thanh nội tại khác, đã giúp bà tiếp xúc với lực lượng của Thượng Ðế, cho bà linh cảm để làm việc như một sứ giả của Thượng Ðế, để quảng bá thông điệp rằng con người nên có sự quan hệ đúng đắn với thế giới loài vật. Niềm tin mãnh liệt nơi Thượng Ðế, và trái tim tinh khiết yêu thương tất cả mọi chúng sinh đã giúp bà trong những công tác vô vị kỷ và vô điều kiện cho toàn thế giới. Tiến sĩ Goodall là tấm gương tuyệt diệu của một người giàu tình thương, giàu lòng can đảm và khiêm tôán. Bà đã nhận lãnh nhiều giải thưởng, kể cả Giải thưởng Gandhi King về Bất bạo động. Vào tháng 4 năm 2002, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Annan đã vinh danh Tiến sĩ Goodall là một "sứ giả hòa bình" của Liên Hiệp Quốc. Bà cũng là tác giả nhiều quyển sách viết cho người lớn và trẻ em.

Thời khóa biểu bận rộn của tiến sĩ Goodall đã không cho phép bà có mặt tại buổi lễ trao giải thưởng. Vị phó giám đốc thông tin liên lạc của Viện đã chào đón đồng tu một cách nồng nhiệt và ân cần trong khi họ chờ gặp ông Bill Johnston, giám đốc Viện Khảo cứu Goodall. Thay mặt tiến sĩ Goodall để nhận lãnh giải thưởng, ông Johnston phát biểu: "Ðây là một vinh hạnh tuyệt vời" và cho biết rằng số tiền sẽ giúp Viện Khảo cứu trong việc tạo nên "lối sống hợp môi sinh trên khắp thế giới".

Sau lễ trao giải thưởng, một thành viên Trung tâm Virginia đã mạn đàm với ông Johnston về Viện Khảo cứu Jane Goodall. Ông Johnston hãnh diện thừa nhận rằng năm nay là năm thứ 30 của Viện Khảo cứu, và cho biết có những lễ hội xảy ra trên khắp thế giới để mừng tất cả những thành quả tốt đẹp của Viện, từ việc bảo vệ loài tinh tinh cho đến việc bảo tồn rừng cây khắp lục địa Châu Phi. Ông Johnston giải thích rằng nạn khai quang rừng là nguy cơ trọng đại nhất cho loài tinh tinh và đã đưa đến việc buôn bán "thịt rừng", khi những người thợ săn giết và ăn thịt thú vật kể cả loài tinh tinh. Ông Johnston cũng nhắc việc Tiến sĩ Goodall là người trường chay, và những thành viên trong Ban Giám đốc luôn dùng thức ăn chay trong những buổi họp.

Ông Johnston nói tiếp rằng tình thương lớn nhất của tiến sĩ Goodall là đối với trẻ em và giáo dục. Bà sáng lập chương trình "Rễ và Chồi" để trẻ em mọi lứa tuổi có cơ hội giúp đỡ cộng đồng, giúp đỡ thú vật, và giúp bảo tồn môi sinh. Ý nghĩa của tên này là, rễ làm nền tảng vững chắc, trong khi chồi có thể phá vỡ xi măng trồi lên mặt đất để hướng về ánh sáng mặt trời. Kết thúc buổi nói chuyện, ông Johnston nói: "Không ai có thể thay thế Jane. Bà là người có một không hai". Rời Viện Khảo cứu, đồng tu cảm thấy thật vinh hạnh và ngập tràn ân sủng đã được góp phần trong việc làm của Thượng Ðế.  


Muốn biết thêm chi tiết, xin viếng những trang mạng sau đây:
1. http://www.janegoodall.org/
2. http://www.rootsandshoots.org/