Tấm lòng vị tha
của một
Minh sư khai ngộ
Bài viết của một đệ tử lâu năm (nguyên văn tiếng Trung Hoa)

Cách đây hai mươi năm, trước khi Sư Phụ nổi tiếng, trước khi nhiều người theo Ngài tu hành, Sư Phụ sống trên một ngọn núi ở Sindian thuộc ngoại ô Ðài Bắc cùng với vài đệ tử xuất gia. Chúng tôi sống trong một căn nhà tồi tàn, hư hại, xung quanh toàn là cỏ dại, và giá mướn rất rẻ. Lúc đó, chúng tôi có khoảng 10 ngàn đồng NT mỗi tháng (khoảng 300$ Mỹ kim) để trang trải cho tiền thuê nhà, tiêu dùng hàng ngày, điện nước, và sửa nhà sửa cửa. Tuy ít tiền nhưng Sư Phụ lúc nào cũng bảo đệ tử mua các nhu yếu phẩm cho những cô nhi viện và người thiếu thốn.

Sư Phụ không bao giờ lo lắng về tiền bạc, dù chúng tôi báo cáo với Ngài là ngân khoản sắp cạn. Nhưng Ngài không lấy đó làm quan tâm mà tiếp tục bảo chúng tôi đem số tiền còn lại đó cho những người hoàn cảnh ngặt nghèo hơn. Có lần tôi chia sẻ Sư Phụ nỗi lo lắng của tôi về tình trạng tài chánh, Ngài nói không sao, không còn đồng nào cũng được, hơn nữa Ngài vẫn có thể dạy Anh văn nuôi chúng tôi, miễn sao chúng tôi chăm chỉ tu hành. Lời nói ấy làm tôi cảm động và đã ghi dấu trong ký ức của tôi không bao giờ xóa nhòa.

Sư Phụ vô cùng đại lượng đối với tha nhân và không bao giờ lo những tiện nghi vật chất cho riêng mình. Không bao giờ Ngài đòi hỏi điều gì cho chính mình, ngay cả những thứ cần thiết căn bản. Một chuyện khó quên nhất là lúc Sư Phụ đang cần một cái áo ấm mùa đông, nhưng Ngài không bảo đệ tử mua. Ngẫu nhiên, một hôm một đồng tu tới mang theo một miếng vải mà một xưởng may vất đi. Chị thấy bỏ miếng vải đó uổng quá bèn mang đến cho chúng tôi. Khi tôi đưa miếng vải đó cho Sư Phụ, Ngài nói: "Thượng Ðế biết ta cần gì". Lúc đó tôi mới nhận thấy rằng Sư Phụ không có đủ đồ ấm mùa đông. Tôi không đành lòng, hỏi sao Sư Phụ phải chịu như vậy, Ngài chỉ cần hỏi là đệ tử chúng tôi sẽ làm ngay. Sư Phụ nói: "Ðâu chịu khổ gì. Chuyện gì Thượng Ðế cũng an bài. Nếu Thượng Ðế nghĩ rằng Sư Phụ thật sự cần món gì, thì Trời sẽ gửi người đem đến". Tôi không bao giờ quên chuyện này. Trong lòng Sư Phụ chỉ nghĩ tới chúng sinh, không bao giờ nghĩ tới chính mình. Một chiếc áo đơn giản như vậy mà Ngài cũng không hỏi. Ai ở đời này có tâm hồn cao thượng như vậy, không một đòi hỏi gì cho chính mình, trừ phi người đó thật sự vô ngã?

Sư Phụ luôn dạy chúng tôi phải thẳng thắn thật thà. Có lần đi ngang một vườn cây ăn trái nơi hẻo lánh không bóng dáng người, vài đệ tử hái trái ăn cho đỡ khát. Thấy vậy Sư Phụ liền bảo chúng tôi: "Cái gì không thuộc về mình, dù là một cái cây, cọng cỏ, mình cũng không nên lấy. Người tu hành chúng ta phải liêm chính". Sư Phụ dạy chúng tôi để lại một ít tiền – nhiều hơn là giá mua trái cây đó – vào túi ny-lông cột lên cây để trả cho chủ vườn cây đó. Ðây chỉ là chuyện nhỏ, nhưng in hằn trong tim đệ tử. Người bình thường có thể nghĩ hái vài trái đâu có bao nhiêu, nhất là khi không ai trông thấy. Nhưng Sư Phụ nói: "Dù không người nào nhìn thấy, mình cũng phải cư xử tốt nhất".

Một tù nhân đã bị kết án tử hình, có lần viết thư cho Sư Phụ, nói rằng anh có cơ hội mượn một người nào đó quyển sách Bí quyết tức khắc khai ngộ và rất cảm động khi đọc giáo lý của Ngài. Anh nói nếu may mắn được biết giáo lý Sư Phụ sớm hơn thì anh đã không phạm phải lỗi lầm to lớn vô minh như vầy. Anh cám ơn Sư Phụ đã cho anh một đời sống mới và giúp anh đối diện với sự chết một cách không sợ hãi. Anh cũng nguyện là sẽ cống hiến kiếp sau của anh theo một vị Minh sư khai ngộ tu hành. Ðọc thư anh, Sư Phụ rơi lệ: "Bất cứ điều gì lợi ích cho người khác, tôi sẽ hy sinh, dù là tính mạng, để làm".

Một vị Chân Sư khai ngộ như vậy, sẵn sàng bỏ mạng vì lợi ích của chúng sinh, có thể nào lại muốn những của cải vật chất vô thường cho riêng cá nhân mình? Ðây là những mẩu chuyện nhỏ có thật không mấy người biết, là chứng minh cụ thể cho từng lời nói và hành động của Sư Phụ, làm tấm gương đạo đức và vị tha cho tất cả đệ tử noi theo. Dù Sư Phụ không màng thanh danh của Ngài và đã từ lâu bỏ hết tất cả những ràng buộc sống chết ở đời, chúng tôi cũng xin nêu ra đây những khía cạnh cao cả của Ngài qua vài câu chuyện bình dị thầy trò.