Kỹ thuật thời Hoàng Kim
 


Chuyển rác thành năng lượng sạch


Ban Báo chí Tân Gia Ba và Hoa Kỳ (nguyên văn tiếng Anh)
Rác là vấn đề môi sinh chính của tất cả mọi quốc gia. Nếu càng ngày càng nhiều người trên thế giới sống theo cách Giảm thiểu, Tái dụng và Tái tạo, số lượng rác sẽ giảm bớt rất nhiều. Tốt hơn nữa, nếu bằng cách nào đó, chúng ta có thể biến chế tất cả phế thải thành năng lượng sạch và những sản phẩm khác, thì không những các bãi rác sẽ trở thành một điều trong quá khứ, mà khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ được giảm bớt rất nhiều.

Nhiều phát triển và dự án thân thiện môi sinh khác nhau đã được đề xướng trên khắp thế giới, cho thấy rõ ràng rằng những phát triển nhằm bảo tồn đời sống và ngăn ngừa vấn đề thay đổi khí hậu là những mục tiêu có thể thực hiện được.

Xưởng Metan-hóa sinh học đầu tiên tại Tân Gia Ba


Vào Kim niên 2 (2005), một xưởng tái chế những phế thải hữu cơ lớn đã được xây tại Tân Gia Ba bởi công ty tái chế phế thải IUT. Xưởng này chuyên biến đổi thức ăn và những chất thải hữu cơ khác của khách sạn, nhà bếp và xưởng thực phẩm thành năng lượng và phân trộn sạch qua tiến trình metan-hóa sinh học, theo đó vi khuẩn sẽ phân hủy phế thải thực phẩm thành phân trộn và khí metan. Khí này được giữ và dùng làm nhiên liệu cho những máy phát điện lớn. Ðây là xưởng đầu tiên tại Tân Gia Ba và là xưởng lớn nhất tại Á Châu theo loại này, và có khả năng biến đổi 800 tấn phế thải hữu cơ mỗi ngày, tạo đủ điện lực để dùng trong xưởng và hơn 10 ngàn xưởng kỹ nghệ khác. Nhiều quốc gia đã có những phát triển tương tự, hoặc giúp các nông gia và nhà sản xuất đặt các nhà máy biến đổi chất thải ngay tại địa điểm làm việc, để việc tạo ra năng lượng đỡ tốn kém hơn và có thể được sử dụng nhanh chóng.

Tham khảo:http://www.iutglobal.com/iut-tech-bio-methanisation.asp

Máy phát điện di động chuyển rác thành điện lực


Những khoa học gia từ viện Ðại học Purdue đã chế ra một nhà máy lọc sinh học di động, lớn bằng chiếc xe vận tải nhỏ, có thể biến đổi chất thải thức ăn, giấy và nhựa thành điện lực một cách hữu hiệu.

Tiến trình lọc sinh học có thể biến đổi nhiều loại phế thải cùng một lúc, dùng men kỹ nghệ để khiến phế thải thực phẩm lên men, tạo thành cồn ethanol; và dùng một đơn vị khí hóa để biến nhựa, giấy và những phế thải khác thành khí metan và khí đốt propane chất lượng thấp. Kế tiếp, khí này và cồn ethanol được đốt cháy trong một máy phát điện chạy dầu cặn để tạo điện lực. Hệ thống này rất hữu hiệu, có thể sản xuất khoảng 90% năng lượng nhiều hơn số năng lượng nó sử dụng, với sản phẩm thừa là tro vô hại.

Dù đã được phát minh cho quân đội, các nhà sáng chế hy vọng rằng kỹ thuật này sẽ trở thành thực tiễn để dùng cho dân chúng, trong những vùng thiên tai, hay để làm hệ thống bổ sung năng lượng.

Tham khảo:http://www.technologyreview.com/Energy/18183/

Chuyển sinh khối và phế thải thực phẩm thành năng lượng


Giáo sư Trương Thụy Hồng của Ðại học Tiểu bang California chi nhánh Davis xúc rác vụn từ các nhà hàng ở San Francisco đổ vào máy chuyển năng lượng khí sinh học.


Giáo sư Trương Thụy Hồng của Ðại học Tiểu bang California, chi nhánh Davis, đã phát triển một hệ thống phân hủy bằng vi sinh vật kỵ khí, dùng siêu vi khuẩn để biến đổi những phế thải thực phẩm, bã hoa mầu, và các loại sinh khối khác thành khí hydrô và metan, là những loại khí có thể được đốt để tạo điện lực và nhiên liệu cho xe cộ.

Dự án Năng lượng Khí sinh học của viện đại học được xem là một biểu hiện đầu tiên có tầm vóc lớn về kỹ thuật mới mẻ này tại Hoa Kỳ. Mỗi tấn phế thải thức ăn có thể tạo đủ năng lượng để cung cấp điện cho 10 ngàn gia đình tại California mỗi ngày.

Hệ thống của giáo sư Trương khác với những hệ thống phân hủy bằng vi sinh vật kỵ khí chính yếu dùng tại những nhà máy lọc nước thải của thành phố và tại nông trại ở 3 điểm chính: hệ thống này có khả năng biến đổi nhiều loại chất thải đặc và lỏng hơn, bao gồm thức ăn vụn, rác cây cỏ trong vườn, phân thú vật và rơm lúa. So với những máy phân hủy khác, máy này hữu hiệu hơn, chỉ đòi hỏi một nửa thời gian để biến chất thải thành năng lượng. Thêm vào đó, hệ thống này tạo ra hai loại khí sạch: hydrô và metan, trong khi những máy phân hủy khác chỉ tạo ra metan mà thôi.

Tham khảo: http://www.news.ucdavis.edu/search/news_detail.lasso?id=7915

Tạo năng lượng từ nước phèn


Nông gia Moses Urio hy vọng sẽ không phải mua dầu cặn nữa


Tại quốc gia Tanzania, trong một dự án do chính quyền Thụy Sĩ tài trợ, một máy biến đổi khí sinh học đã được phát triển để giúp tăng thu nhập cho các nông gia trồng cà phê.

Máy này có thể tái chế nước thải từ tiến trình chế biến hột cà phê, có độ axít cao. Axít này là món các vi sinh vật thích dùng. Sản phẩm phụ của tiến trình này là khí metan, có thể được sử dụng thay dầu cặn để chạy máy cho nông gia.

Máy biến đổi khí sinh học không những có thể giúp các nông gia có thêm thu nhập từ cà phê, mà còn ngăn ngừa việc nước phèn gây thiệt hại trầm trọng cho môi trường.

Tham khảo: http://news.bbc.co.uk/2/hi/africa/6571547.stm

Dùng vi khuẩn để lấy khí hydrô từ phế thải của sô-cô-la


Một nhóm nghiên cứu của Anh Quốc, dẫn đầu bởi Lynne Mackaskie của Ðại học Birmingham, thuộc miền trung nước Anh, phát hiện rằng loại vi khuẩn Escherichia coli, khi được cung cấp nước thải từ xưởng chế sô-cô-la, sản xuất ra khí hydrô, một trong những loại nhiên liệu tái tạo sạch nhất. Sự khám phá lấy hydrô từ chất thải thực phẩm có thể sẽ là bước tiến lớn cho cả công nghệ lẫn môi trường, vì tiến trình này có thể được áp dụng tốt đẹp trên nhiều loại chất thải khác, không riêng gì chất thải của sô-cô-la.

Tham khảo: http://environment.about.com/od/renewableenergy/a/chocolatefuel.htm

Chuyển phế thải thực phẩm thành hơi đốt


Một phòng thí nghiệm quốc gia của Phi Luật Tân đã phát triển một máy phân hủy khí sinh học di động thân thiện môi sinh, để chuyển đổi chất thải nhà bếp thành loại khí có thể dùng được, qua một tiến trình lên men tự nhiên. Máy này có thể chứa hơn 211 lít nước thải nhà bếp có thể tự phân hủy. Tiến trình lên men xảy ra qua đêm, và khí được tạo nên sẽ đủ dùng nấu ăn trong một ngày. 

Tham khảo:http://www.ebc.org.ph/