Nghỉ Ngơi Ðể Tăng Cường Sức Mạnh

Thấy như là không có ai chăm sóc cho vũ trụ này; giống như không có một hệ thống hay một tổ chức nào hiện hữu; nhưng Thượng Ðế không bỏ mặc bất kỳ một cái gì. Thậm chí một con trùng, một cọng cỏ, một cái trái hay một cái bông cũng không bị bỏ quên; trái lại chúng còn được chăm sóc cẩn thận. Cho nên, khi tới thời điểm là hoa nở, mặt trời mọc; thời tiết thành ấm áp khi mùa Xuân đến, hoặc lạnh khi mùa Ðông đến. Cái lạnh đó không có nghĩa là Thượng Ðế quên chúng ta, mà nó có nghĩa là đang cần một sự nghỉ ngơi, hoặc vũ trụ cần một sự nghỉ ngơi, giống như chúng ta cần ngủ ban đêm vậy.

Vì lý do đó mà chúng ta dễ mệt vào mùa Ðông, cần phải ăn vào cái gì bổ ích để có đủ sức. Mùa Ðông, lá rơi, cây cối trông có vẻ khô héo úa tàn. Nó phải như vậy để sau này cây có thể trổ lá non. Tất cả sự sinh ra đời và sự chết đều có cái nghĩa của nó. Chỗ tôi dựng lều hồi đó, bây giờ bắt đầu xanh tươi, thật là đẹp! Quý vị có nhớ lúc đi hái trái hồng không? Lúc ấy mấy cây đó chưa xanh tươi. Bây giờ tất cả đều xanh, rất đẹp! Nó là như vậy. Phải có mùa Ðông cho cây khô héo, cho lá già, lá úa rơi; cho cây được nghỉ, được rung, được lắc trong ba tháng. (Mọi người cười) Sau đó lá lại mọc ra nữa rồi đơm bông kết trái.

Có những loại hoa không nở nếu tưới nhiều quá. Giống như những cây ngoài sa mạc, cây xương rồng chẳng hạn. Nếu quý vị săn sóc trong phòng "tốt" quá, nó sẽ không sống. Ngược lại, nó phải sống trong một môi trường khô cằn, và khi thấy như nó sắp sửa chết, nhưng lại có thể ra bông rất đẹp.


Thử Thách Trên Con Ðường Tu Học

Cũng giống vậy, không phải bao giờ công việc cũng xảy ra trôi chảy cho những người tu hành như chúng ta. Ðôi khi mình tưởng rằng công việc êm đẹp nhưng thật ra không phải. Chưa chắc chuyện đó đã tốt cho sự tu hành hoặc cho trí huệ chúng ta. Cũng không hẳn lúc nào cũng tốt cho chúng ta về thể xác. Không nhất thiết là nó sẽ lợi ích cho sự tiến bộ của chúng ta trong một khía cạnh nào đó. Lúc đó, có thể tự mình sẽ làm hư hỏng chính mình, quá lỏng lẻo, chìm đắm trong những thú vui vật chất, chơi bời, làm uổng phí thời giờ quý giá, chỉ biết nghe đầu óc của mình thôi, lo quá ít về vấn đề tâm linh. Ðôi khi quý vị gặp phải những bài khảo từ Sư Phụ hay từ đồng tu, hay từ hoàn cảnh bên ngoài, lúc đó chúng ta tưởng rằng công việc không suông sẻ, có nhiều chuyện phải chịu đựng để tiếp tục cuộc sống. Nhưng sau đó, chúng ta lại tiến bộ nhanh.

Thành thử, nhiều khi chúng ta tưởng sự việc không thành trong tiến trình tu học của mình, trong công việc làm ăn, trong đời sống, nhưng thật ra cái đó là hoàn cảnh thuận lợi, có ích nhất cho chúng ta, bởi vì sau đó sự tu hành sẽ phát triển, nẩy mầm, đơm bông. Cũng giống như sinh con là lúc quý vị chịu đau nhiều nhất, đúng không? (Các đồng tu nữ: Dạ.) Cho nên chúng ta phải hy sinh dưới một hình thức nào đó để được một cái gì đó trả về. Ðôi khi mình cũng phải trả bằng một chút gắng sức, và tự lập hơn, ngõ hầu qua khỏi khúc mắc đó. Không có gì là đến dễ dàng.

Tôi có rất nhiều đệ tử nhưng không phải là họ đến cùng một lúc. Tôi tìm kiếm cực khổ và khao khát vô cùng một vị Minh Sư Khai Ngộ, và trải qua rất nhiều khảo nghiệm. Quý vị thấy khổ khi bị tôi la, nhưng thật ra cái đó đâu có thấm tháp gì. Những bài khảo tôi phải trải qua còn đau đớn gấp triệu lần quý vị. Bài khảo của quý vị không có bao nhiêu. Quý vị thấy tức khi bị tôi khảo hay đồng tu khảo, nhưng lại không dám làm gì nếu bị người ngoài khảo. Thí dụ như, nếu bị ông chủ la rầy, quý vị không thể làm gì được, không dám bộc lộ sự tức giận của mình vì sợ mất cơ hội kiếm tiền. Khi đi làm việc ngoài kia, quý vị kiên nhẫn chịu đựng những khách hàng thô lỗ, bất bình. Nhưng tôi không thể la quý vị vì tôi không trả lương cho quý vị. (Mọi người cười)

Chúng ta nên so sánh hai trường hợp này để đậu những bài khảo trong sự tu hành. Khi bị người khác la rầy hay phỉ báng, mình vẫn không hề hấn gì nếu coi đó như là một bài khảo từ thánh nhân hay từ Thượng Ðế; nếu không chúng ta sẽ không tiến bộ.


Bài Khảo Khó Khăn Ðào
Tạo Người Tu Hành Tốt

Quần áo, mắt kiếng, và những thứ khác quý vị mang vô được sản xuất qua một tiến trình khó khăn, cực nhọc. Lấy ví dụ cái áo vải cô tông, nguyên thủy nó đâu có như vầy. Nó được làm từ hoa bông gòn lấy từ cây bông gòn mọc dưới mặt trời; người ta góp nhặt những cái hoa đó lại với nhau, lọc, tước, ép bằng máy hoặc bằng tay, rồi kéo căng ra, nấu lên, dùng máy chế biến một lần nữa, rồi đem phơi ngoài nắng. Nó đòi hỏi rất nhiều công sức và tiến trình đau xót. Nếu bông gòn biết nói chắc nó sẽ khóc lóc cho quý vị biết rằng nó đã và đang "tu hành" cực khổ như thế nào!

Nhìn vào quần áo của quý vị thì biết. Không cần phải nghe tôi thuyết giảng gì nhiều. Mắt kiếng là một thí dụ khác nữa. Thử nghĩ nó từ đâu tới. Kính cần bị đốt nóng để làm thành mắt kiếng. Nguyên liệu này phải được đốt lên một nhiệt độ cao, làm cho chảy ra, rồi để nguội trong một cái khuôn trước khi trở thành mắt kính hình dạng khác nhau, cỡ khác nhau. Tiến trình này rất khó khăn, gian khổ, giống như là bị ép buộc. Rồi lại phải làm cho nó láng, rồi quý vị phải đi khám mắt trước khi nó thành cặp mắt kiếng theo ý mình! ồ, chúng sanh vất vả khó lường!

Một vật nhỏ như cặp kiếng mà cũng phải mất nhiều công sức như vậy, nói chi tới việc thành thánh nhân! Nếu nói như vậy là quý vị giỡn chơi. Bài khảo nhỏ nhất mà còn không qua nổi. Tôi mới la một chút thôi mà quý vị đã giận rồi! Chúng ta nên tập nhẫn nhục. Nếu chúng ta không chịu nổi những lời la mắng của đồng tu, người trong gia đình, Sư Phụ, thầy cô, bạn bè thì làm sao nhẫn được khi chúng ta phải độ cho hàng ngàn, hàng triệu chúng sinh! Họ gồm đủ mọi tính tình, có những người rất hung bạo. Ðến lúc đó chúng ta mới thấy rằng mình còn thiếu kiên nhẫn, rồi lại tiếc là đã không học hỏi nhiều hơn từ Sư Phụ.